Tác giả: Trung Trịnh
Nhân vật:
-Anh Cáp.
-Chị Xuân (Vợ anh Cáp)
-Chị Huệ (Hội trưởng phụ nữ)
-2 cháu gái 5 và 4 tuổi- con anh chị Cáp Xuân, trong đó có một cháu đội mũ lưỡi trai.
----------------------------
(Anh Cáp vốn rất muốn có con trai, nhưng anh chị đã đẻ 2 con gái, anh cứ bắt chị đẻ thêm, lại còn bắt con gái út đóng giả trai nữa.
Màn mở, cảnh đơn sơ của một gia đình còn nghèo, bộ bàn ghế thường, 1 bộ ấm chén, 1 phích nước, 1 cái xô đựng cái điếu cày).
Anh Cáp (xiêu xiêu, vẹo vẹo vào nhà, vừa đi vừa xướng rất to):
-Đứa nào, đứa nào khai ra cu Tũn nhà Cáp này là con gái? đứa nào?
Chị Xuân (vợ anh) từ dưới bếp lên, vừa đi vừa nói một mình:
-Gái thì bảo rằng gái, lại còn bắt con đóng giả con trai- quá ra phim võ hiệp Hồng kông không bằng. Trông thì lẻo khẻo gió đưa, lại còn đòi thêm tẹo nữa cơ. Chị hỏi chồng nhẹ nhàng:
-Sao thế mình? Có chuyện gì à?
Anh Cáp:
-Đứa nào làm lộ bí mật quốc gia rằng thằng cu Tũn nhà ta là con gái, hả? để “ông” đi ăn cỗ làng bên ấy, nó gọi “ông” là “Cáp nặng”, rồi đuổi xuống mâm dưới ngồi với một lũ đàn bà, trẻ con, “riệu” uống một mình cứ gọi là "nhạt như nước ốc".
Chị Xuân:
Có ai “khai với khú” gì đâu, chắc ông ngoại thật thà nói chuyện ra thôi, mà chẳng ai như mình, con gái thì bảo rằng con gái, có sao đâu, đằng nào lớn lên người ta chả biết.
Mà mình ơi “Cáp nặng” là gì thế?
Anh Cáp (Than):
-Ối giời ôi, “cáp nặng” là cờ áp cáp nặng cạp, là nó bảo mình là đẻ ra vịt kêu cạp cạp biết chưa, sao mà chậm hiểu thế? Nhạc phụ đại nhân ơi là nhạc phụ, nhạc phụ cho con lấm lưng trắng bụng keo này rồi. Nói nhỏ: Nhạc phụ cái gì, có mà đậu phụ thì có, chưa nóng nước đã nổi phềnh lên rồi, trắng phớ ra.
Nói to: Cái tội không biết đẻ, người ta “cày chắc sá” thế mà còn đẻ ra 2 con cạp cạp có phí công không cơ chứ. Người ta đẻ thì mẹ tròn, con vuông, đằng này đẻ thì mẹ tròn con “lá mít”. Thôi, lần này thì làm lại, làm lại là phải cho nó ra tấm ra miếng nhá.
(Vớ cái điếu cày) Mẹ Tũn, cái túm lông của tôi đâu?
Chị Xuân: Lông gì hả mình?
Anh Cáp: Là túm lông gà thông điếu chứ cô tưởng cái thứ lông gì?
Chị Xuân: Lông lá của mình, mình không để vào chỗ kín, để ra gió thì nó bay mất chứ còn?. Thế em lấy túm lông khác cho mình có được không?
Anh Cáp: Thôi, không lông lá gì nữa. Thế cái máy lửa của tôi đâu?
Chị Xuân: Chắc con nó nghịch, vứt đâu đấy thôi. À, mình xem con có bỏ vào trong ấm pha trà không?
Anh Cáp (Sờ tay và ngó vào ấm lắc đầu):
-Trong ấm trà chưa thấy có máy lửa, mới chỉ có toàn cơm nguội thôi. (Quát) Đúng là đồ cơm nguội, người ta thì có vàng có bạc, nhà này toàn là thứ cơm nguội, cơm nguội thiu.
(Xoảng, anh cáp cầm ấm chuyên đập xuống nền nhà.
Chị xuân thấy thế cũng cầm một cái chén đập xuống nền nhà, đến anh Cáp, rồi lại đến chị Xuân.
Anh Cáp (Ngỡ ngàng):
-Ơ, ơ, cô làm cái trò gì đấy?
Chị Xuân (Giả ngây giả ngô):
-Em thấy mình nhắc đến vàng đến bạc, lại thấy mình đập bộ ấm chén, em nghĩ mình tìm vàng bạc gì các cụ để lại trong trôn chén, em cũng đập với mình cho nó nhanh!
Anh Cáp: (Nửa khóc, nửa cười than)
-ối giời ơi, giống vịt giời, cứ tưởng nó chỉ đi lạch bạch, hóa ra nó hiểu cũng theo kiểu lạch bạch như là lũ vịt. Mình định đập doạ ví dụ vài cái thôi, thế mà nó không sợ, lại tưởng có vàng bạc gì, nó đập còn ăn chơi hơn cả mình. (Nói to) Trong nhà, quan trọng nhất bộ ấm chén, đập hết đi lấy gì mà cày (ấy quên: dùng), vàng bạc gì? gớm, vàng, có mà vàng mắt. Vợ với chả con, cái đồ vịt giời vô tích sự, có mà cơm nguội thiu, thanh lý, thanh lý tiệt.
*
* *
Bên ngoài, chị Huệ- Hội trưởng phụ nữ khoác túi đi vào, vừa đi vừa hỏi:
-Chú Cáp có gì thanh lý đấy, để chị mua cho.
Chị Xuân: Em chào chị Huệ ạ.
Anh Cáp: Chào chị hội trưởng phụ nữ. Chị mua được em bán luôn cả đàn, đảm bảo vịt nhà em không cúm gia cầm, không H5N1, N2 gì sất.
Chị Xuân:
-Khổ lắm chị ạ, anh Cáp nhà em sang bên làng ăn cỗ, chả biết nghe ai độc mồm khích bác đẻ ra vịt giời, về nhà cứ gây sự, đay nghiến em là không biết đẻ, nhà thì túng bấn, 2 đứa rồi, cứ đòi cày thêm sá nữa kiếm một thằng cu, vất vả lắm, em không chịu cứ đòi thanh lý đây này. Em khổ lắm cơ chị ạ.
Chị Huệ:
- Cô Xuân này, chú Cáp mong mỏi thế cũng đành là một nhẽ … nhưng mà …
Anh Cáp: (Không để chị Huệ nói hết)
-Phải quá đi chứ chị nhỉ, nhà em nhà con một. Lo là lo sau này có thằng chống gậy, thắp hương. Một lũ vịt giời nó bay đi hết, giả dụ có thằng nó chịu ở rể, nó cúng bố nó chứ thờ gì mình. (Dở mếu, dở cười) Về đến nhà mà lại thấy tay thông gia nó ngồi trên bàn thờ nhà mình, nó hát: "Đêm đêm ngửi mùi hương, mùi xôi chuối nhà mình", danh chính ngôn thuận có phải nhà nó đâu, bực lắm chứ. (Nói nhỏ: Tính mình lại thích ăn uống, nó thấy mình bãm ăn, nó đuổi mình xuống đất ngay chứ chả chơi).
Chị Huệ:
-Chú Cáp này, chú lo xa mà lại hóa ra thiển cận rồi.
Này nhé (Cáp thưa: Sao cơ ạ), Đất nước ta ngày ngày đổi mới, Đảng lãnh đạo toàn dân ta làm cách mạng, đưa chúng ta từ cuộc đời nô lệ lên thành người làm chủ, cuộc sống từ ăn đói, mặc rách nay được ăn no mặc ấm, chúng ta phải phấn đấu lên giàu có, rồi có của ăn, của để, ăn ngon, mặc đẹp. Chú cứ thích đẻ nhiều thì không có điều kiện phát triển kinh tế, cải thiện đời sống gia đình được đâu.
Mà chú bắt cô đẻ nữa liệu có ra thằng cu không, hay vẫn là cái tí?(Cáp: Biết rằng thế, nhưng mà cứ đẻ đi rồi mới biết chứ ...)
Cô đẻ nhiều, ảnh hưởng sức khỏe, vất vả nhiều, bệnh tật ra đấy rồi xấu như mụ phù thuỷ, chú có chịu không (Cáp : Thế thì ai chịu)
Đấy nhá, Rồi các cháu đông, không có điều kiện chăm sóc, học hành, sau này không có nghề, có nghiệp, không theo kịp xã hội, thiệt thòi, chú có tội với các cháu, với tổ tông ấy chứ (Cáp: gật gật, Nghe có lý)
Thế chú đã đưa cô và các cháu đi thăm Vịnh Hạ Long, thăm Móng Cái, thăm Yên tử bao giờ chưa? (Cáp: Làm gì có điều kiện hả chị) Đấy, danh lam thắng cảnh ở ngay quê mình cũng không đến được, thế mà chú còn bắt cô đẻ thêm, làm sao biết đất nước rộng dài, tươi đẹp thế nào (Vâng ạ).
Nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn còn chưa được hạnh phúc như cô chú đâu, mong mỏi đằng đẵng có được mụn con còn chưa được đấy. (Vâng ạ)
Cõi tâm linh, tập quán ông cha, chúng ta ai cũng phải tôn kính. Nhưng ngày nay, đất nước đổi mới, tốt đẹp rồi, cõi tâm linh, tập quán ông cha cũng đổi mới chứ, cõi tâm linh chính ở trong lòng ta cơ mà, sao chú phải lo xa thế chứ.
Anh Cáp:
-Sao chị Huệ nói, cái gì em nghe cũng phải, mà hình như nhà em có lần cũng nói giông giống thế mà em nghe cứ tức như bị bò đá ấy.
Chị Xuân:
-Khốn nỗi, mình có lặng yên cho em nói đâu, cứ mắng át đi còn gì.
Chị Huệ:
-Đấy, thế là chú lại mắc tội nữa nhé, (Cáp: Tội gì thế chị?) Tội không tôn trọng phụ nữ, nếu suy rộng ra còn vi phạm vào hành vi bạo hành gia đình nữa đấy (Cáp: ấy chết, nâng, nâng quan điểm thế chết em). Tôi không nâng quan điểm đâu đấy, bây giờ tỉnh ra chưa? Thôi, cô chú làm lành với nhau đi.
Anh Cáp:
- Sao mình lại tối tăm thế chứ lị. Em hiểu rồi, cám ơn chị Huệ, từ nay đi ăn cỗ em cứ bài này của chị em phát, chị nhỉ. (Chị Huệ: Không nhịn được cười)
Anh Cáp: (Nói với vợ)
- Mình ơi, Xuân ơi, anh sai rồi, anh có lỗi với mình và các con. Anh không thanh lý nữa, anh để lại nuôi tất cả đàn em ạ.
(Cảnh vợ chồng Cáp bên nhau bẽn lẽn, 2 cô con gái nhỏ từ trong chạy ùa ra ôm tay bố mẹ, chị Huệ đứng nhìn tươi cười. -Hạ màn- Cả 5 diễn viên ra chào)
Nhân vật:
-Anh Cáp.
-Chị Xuân (Vợ anh Cáp)
-Chị Huệ (Hội trưởng phụ nữ)
-2 cháu gái 5 và 4 tuổi- con anh chị Cáp Xuân, trong đó có một cháu đội mũ lưỡi trai.
----------------------------
(Anh Cáp vốn rất muốn có con trai, nhưng anh chị đã đẻ 2 con gái, anh cứ bắt chị đẻ thêm, lại còn bắt con gái út đóng giả trai nữa.
Màn mở, cảnh đơn sơ của một gia đình còn nghèo, bộ bàn ghế thường, 1 bộ ấm chén, 1 phích nước, 1 cái xô đựng cái điếu cày).
Anh Cáp (xiêu xiêu, vẹo vẹo vào nhà, vừa đi vừa xướng rất to):
-Đứa nào, đứa nào khai ra cu Tũn nhà Cáp này là con gái? đứa nào?
Chị Xuân (vợ anh) từ dưới bếp lên, vừa đi vừa nói một mình:
-Gái thì bảo rằng gái, lại còn bắt con đóng giả con trai- quá ra phim võ hiệp Hồng kông không bằng. Trông thì lẻo khẻo gió đưa, lại còn đòi thêm tẹo nữa cơ. Chị hỏi chồng nhẹ nhàng:
-Sao thế mình? Có chuyện gì à?
Anh Cáp:
-Đứa nào làm lộ bí mật quốc gia rằng thằng cu Tũn nhà ta là con gái, hả? để “ông” đi ăn cỗ làng bên ấy, nó gọi “ông” là “Cáp nặng”, rồi đuổi xuống mâm dưới ngồi với một lũ đàn bà, trẻ con, “riệu” uống một mình cứ gọi là "nhạt như nước ốc".
Chị Xuân:
Có ai “khai với khú” gì đâu, chắc ông ngoại thật thà nói chuyện ra thôi, mà chẳng ai như mình, con gái thì bảo rằng con gái, có sao đâu, đằng nào lớn lên người ta chả biết.
Mà mình ơi “Cáp nặng” là gì thế?
Anh Cáp (Than):
-Ối giời ôi, “cáp nặng” là cờ áp cáp nặng cạp, là nó bảo mình là đẻ ra vịt kêu cạp cạp biết chưa, sao mà chậm hiểu thế? Nhạc phụ đại nhân ơi là nhạc phụ, nhạc phụ cho con lấm lưng trắng bụng keo này rồi. Nói nhỏ: Nhạc phụ cái gì, có mà đậu phụ thì có, chưa nóng nước đã nổi phềnh lên rồi, trắng phớ ra.
Nói to: Cái tội không biết đẻ, người ta “cày chắc sá” thế mà còn đẻ ra 2 con cạp cạp có phí công không cơ chứ. Người ta đẻ thì mẹ tròn, con vuông, đằng này đẻ thì mẹ tròn con “lá mít”. Thôi, lần này thì làm lại, làm lại là phải cho nó ra tấm ra miếng nhá.
(Vớ cái điếu cày) Mẹ Tũn, cái túm lông của tôi đâu?
Chị Xuân: Lông gì hả mình?
Anh Cáp: Là túm lông gà thông điếu chứ cô tưởng cái thứ lông gì?
Chị Xuân: Lông lá của mình, mình không để vào chỗ kín, để ra gió thì nó bay mất chứ còn?. Thế em lấy túm lông khác cho mình có được không?
Anh Cáp: Thôi, không lông lá gì nữa. Thế cái máy lửa của tôi đâu?
Chị Xuân: Chắc con nó nghịch, vứt đâu đấy thôi. À, mình xem con có bỏ vào trong ấm pha trà không?
Anh Cáp (Sờ tay và ngó vào ấm lắc đầu):
-Trong ấm trà chưa thấy có máy lửa, mới chỉ có toàn cơm nguội thôi. (Quát) Đúng là đồ cơm nguội, người ta thì có vàng có bạc, nhà này toàn là thứ cơm nguội, cơm nguội thiu.
(Xoảng, anh cáp cầm ấm chuyên đập xuống nền nhà.
Chị xuân thấy thế cũng cầm một cái chén đập xuống nền nhà, đến anh Cáp, rồi lại đến chị Xuân.
Anh Cáp (Ngỡ ngàng):
-Ơ, ơ, cô làm cái trò gì đấy?
Chị Xuân (Giả ngây giả ngô):
-Em thấy mình nhắc đến vàng đến bạc, lại thấy mình đập bộ ấm chén, em nghĩ mình tìm vàng bạc gì các cụ để lại trong trôn chén, em cũng đập với mình cho nó nhanh!
Anh Cáp: (Nửa khóc, nửa cười than)
-ối giời ơi, giống vịt giời, cứ tưởng nó chỉ đi lạch bạch, hóa ra nó hiểu cũng theo kiểu lạch bạch như là lũ vịt. Mình định đập doạ ví dụ vài cái thôi, thế mà nó không sợ, lại tưởng có vàng bạc gì, nó đập còn ăn chơi hơn cả mình. (Nói to) Trong nhà, quan trọng nhất bộ ấm chén, đập hết đi lấy gì mà cày (ấy quên: dùng), vàng bạc gì? gớm, vàng, có mà vàng mắt. Vợ với chả con, cái đồ vịt giời vô tích sự, có mà cơm nguội thiu, thanh lý, thanh lý tiệt.
*
* *
Bên ngoài, chị Huệ- Hội trưởng phụ nữ khoác túi đi vào, vừa đi vừa hỏi:
-Chú Cáp có gì thanh lý đấy, để chị mua cho.
Chị Xuân: Em chào chị Huệ ạ.
Anh Cáp: Chào chị hội trưởng phụ nữ. Chị mua được em bán luôn cả đàn, đảm bảo vịt nhà em không cúm gia cầm, không H5N1, N2 gì sất.
Chị Xuân:
-Khổ lắm chị ạ, anh Cáp nhà em sang bên làng ăn cỗ, chả biết nghe ai độc mồm khích bác đẻ ra vịt giời, về nhà cứ gây sự, đay nghiến em là không biết đẻ, nhà thì túng bấn, 2 đứa rồi, cứ đòi cày thêm sá nữa kiếm một thằng cu, vất vả lắm, em không chịu cứ đòi thanh lý đây này. Em khổ lắm cơ chị ạ.
Chị Huệ:
- Cô Xuân này, chú Cáp mong mỏi thế cũng đành là một nhẽ … nhưng mà …
Anh Cáp: (Không để chị Huệ nói hết)
-Phải quá đi chứ chị nhỉ, nhà em nhà con một. Lo là lo sau này có thằng chống gậy, thắp hương. Một lũ vịt giời nó bay đi hết, giả dụ có thằng nó chịu ở rể, nó cúng bố nó chứ thờ gì mình. (Dở mếu, dở cười) Về đến nhà mà lại thấy tay thông gia nó ngồi trên bàn thờ nhà mình, nó hát: "Đêm đêm ngửi mùi hương, mùi xôi chuối nhà mình", danh chính ngôn thuận có phải nhà nó đâu, bực lắm chứ. (Nói nhỏ: Tính mình lại thích ăn uống, nó thấy mình bãm ăn, nó đuổi mình xuống đất ngay chứ chả chơi).
Chị Huệ:
-Chú Cáp này, chú lo xa mà lại hóa ra thiển cận rồi.
Này nhé (Cáp thưa: Sao cơ ạ), Đất nước ta ngày ngày đổi mới, Đảng lãnh đạo toàn dân ta làm cách mạng, đưa chúng ta từ cuộc đời nô lệ lên thành người làm chủ, cuộc sống từ ăn đói, mặc rách nay được ăn no mặc ấm, chúng ta phải phấn đấu lên giàu có, rồi có của ăn, của để, ăn ngon, mặc đẹp. Chú cứ thích đẻ nhiều thì không có điều kiện phát triển kinh tế, cải thiện đời sống gia đình được đâu.
Mà chú bắt cô đẻ nữa liệu có ra thằng cu không, hay vẫn là cái tí?(Cáp: Biết rằng thế, nhưng mà cứ đẻ đi rồi mới biết chứ ...)
Cô đẻ nhiều, ảnh hưởng sức khỏe, vất vả nhiều, bệnh tật ra đấy rồi xấu như mụ phù thuỷ, chú có chịu không (Cáp : Thế thì ai chịu)
Đấy nhá, Rồi các cháu đông, không có điều kiện chăm sóc, học hành, sau này không có nghề, có nghiệp, không theo kịp xã hội, thiệt thòi, chú có tội với các cháu, với tổ tông ấy chứ (Cáp: gật gật, Nghe có lý)
Thế chú đã đưa cô và các cháu đi thăm Vịnh Hạ Long, thăm Móng Cái, thăm Yên tử bao giờ chưa? (Cáp: Làm gì có điều kiện hả chị) Đấy, danh lam thắng cảnh ở ngay quê mình cũng không đến được, thế mà chú còn bắt cô đẻ thêm, làm sao biết đất nước rộng dài, tươi đẹp thế nào (Vâng ạ).
Nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn còn chưa được hạnh phúc như cô chú đâu, mong mỏi đằng đẵng có được mụn con còn chưa được đấy. (Vâng ạ)
Cõi tâm linh, tập quán ông cha, chúng ta ai cũng phải tôn kính. Nhưng ngày nay, đất nước đổi mới, tốt đẹp rồi, cõi tâm linh, tập quán ông cha cũng đổi mới chứ, cõi tâm linh chính ở trong lòng ta cơ mà, sao chú phải lo xa thế chứ.
Anh Cáp:
-Sao chị Huệ nói, cái gì em nghe cũng phải, mà hình như nhà em có lần cũng nói giông giống thế mà em nghe cứ tức như bị bò đá ấy.
Chị Xuân:
-Khốn nỗi, mình có lặng yên cho em nói đâu, cứ mắng át đi còn gì.
Chị Huệ:
-Đấy, thế là chú lại mắc tội nữa nhé, (Cáp: Tội gì thế chị?) Tội không tôn trọng phụ nữ, nếu suy rộng ra còn vi phạm vào hành vi bạo hành gia đình nữa đấy (Cáp: ấy chết, nâng, nâng quan điểm thế chết em). Tôi không nâng quan điểm đâu đấy, bây giờ tỉnh ra chưa? Thôi, cô chú làm lành với nhau đi.
Anh Cáp:
- Sao mình lại tối tăm thế chứ lị. Em hiểu rồi, cám ơn chị Huệ, từ nay đi ăn cỗ em cứ bài này của chị em phát, chị nhỉ. (Chị Huệ: Không nhịn được cười)
Anh Cáp: (Nói với vợ)
- Mình ơi, Xuân ơi, anh sai rồi, anh có lỗi với mình và các con. Anh không thanh lý nữa, anh để lại nuôi tất cả đàn em ạ.
(Cảnh vợ chồng Cáp bên nhau bẽn lẽn, 2 cô con gái nhỏ từ trong chạy ùa ra ôm tay bố mẹ, chị Huệ đứng nhìn tươi cười. -Hạ màn- Cả 5 diễn viên ra chào)