Với tôi, cũng như bao người khác, quê
hương là một phần thiêng liêng, thân thiết trong tâm khảm. Thôn Thôn Gia Xuyên ( Còn gọi là Làng Dừa) thuộc Xã Văn Tố,
Huyện Tứ Kỳ, Tỉnh Hải Dương.
Từ
khi sinh ra tôi đã biết đến quê tôi có cái tên: Làng Dừa, còn thôn thì gọi là
thôn Gia Xuyên (椰 川). Chữ Gia ở đây chính là chữ dừa – tên cây dừa, còn chữ xuyên là sông
ngòi. Làng Dừa là tên gọi có trước, còn Gia Xuyên là tên chữ Hán Việt có sau. Thôn
Gia Xuyên trước đây thuộc xã Tứ Xuyên, huyện Tứ Kỳ. Chữ Xuyên, có lẽ có nguồn
gốc từ chỗ: quê tôi nằm sát bờ sông Thái Bình. Còn một cái tên nữa là Văn Xuyên
- chính là tên Hợp tác xã nông nghiệp (Của thôn Gia Xuyên, sau khi hợp nhất thì
nó của 2 thôn Gia Xuyên và thôn Đồng Lộc) thuộc xã Văn Tố ngày nay. Làng Dừa là
cái tên mà tôi thích hơn, không phải riêng tôi thích mà hình như trong làng ai
cũng thích cái tên đó.
Thôn Gia Xuyên (Làng Dừa) là một miền nông thôn vùng chiêm trũng,
thuộc hạ lưu sông Thái Bình. Diện tích tự nhiên khoảng 140 ha. Phía bắc giáp thôn Quảng
Xuyên (Làng Gang), Xã Tứ Xuyên; phía nam giáp thôn Đồng Lộc (Làng Dáu); phía
đông giáp thôn Thanh Kỳ, xã An Thanh; Đông nam giáp xóm Đồng Ngoài thôn Mỹ Ân;
phía tây giáp Thôn La Giang (Làng Thàng); Tây nam giáp Thôn Đồng Kênh, xã Văn
Tố.
Thôn Gia Xuyên nằm giữa
những khúc sông chảy quanh co như hình dáng một con rồng, bao lấy cả hai làng Dừa và Dáu. Đầu rồng là đoạn
ngã ba sông chảy ra hoà vào sông Thái bình địa phận giáp Thôn Lập Lễ, xã Thanh Hồng, Thanh Hà. Khúc sông phía bắc gọi là Sông Dừa, khúc
phía tây gọi là Ngòi La (Giáp La Giang) khúc phía tây nam gọi là Sông Kênh,
khúc phía nam gọi là sông Cầu Dáu, khúc phía đông gọi là Sông Soi.
Tính đến cuối năm 2010, Thôn Gia Xuyên có 286 hộ với trên một
nghìn nhân khẩu, 100% là người Kinh. Thôn có 4 dòng họ chính là: Họ Nguyễn, Họ Phạm, Họ Hà, Họ
Lê. Trong đó dòng họ Nguyễn có tỉ lệ đông nhất.
Ngoài các khúc sông chảy quanh thôn nêu trên tạm gọi là đường thuỷ, Gia Xuyên có một trục đường chạy giữa làng theo hướng bắc nam, phía bắc con đường lại có một
nhánh giao cắt thành hình chữ T, phía tây nối với Chùa Dừa đi ra phía Ngòi La,
phía đông chạy ra phía cánh đồng Mả Tre lên đê sông Thái Bình, một nhánh đi qua
cống Ông Chử (Cống Dừa A), Ông Toà (Cống Dừa B) lên phía bắc ở
đoạn Thôn Quảng Xuyên, một nhánh chạy ra phía đông, qua Trạm bơm Cầu Dừa sang
Thanh Kỳ và Lập Lễ. Phía nam, con đường chạy qua làng Dáu, qua cầu Dáu (Cầu chung của cả hai làng Dừa,
Dáu), qua Trường PTCS xã, Trạm xá Xã Văn Tố nối vào
tỉnh lộ 191. Trong làng có một hệ thống đường bê tông thôn xóm do nhân dân tự bàn bạc và xây dựng, với tổng
chiều dài 6.136 m, rộng từ 1,4 m đến 4 m. 700 m đường ra đồng trải nhựa và bê tông.
- Thôn có một Chi bộ thôn trực thuộc Đảng bộ Xã Văn Tố.
- Có một trưởng thôn.
- Các đoàn thể có một Ban công tác mặt trận thôn, một chi hội Cựu
chiến binh, một chi hội Liên hiệp phụ nữ, một chi đoàn thanh niên, một chi hội
nông dân Việt Nam thôn, một chi hội người cao tuổi.
- Dân làng hoạt động sản xuất, sinh hoạt cộng đồng theo một qui ước được soạn thành văn
bản, đã được các dòng họ trong làng tham gia đóng góp, được cấp uỷ, chi bộ
thông qua trình UBND Xã và huyện năm 2002; được UBND huyện Tứ Kỳ phê duyệt 19/8/2004.
Xa xưa, nơi đây là một
vùng bãi bồi phù sa sông nước hoang vu, cây cối, lác, cói, dừa mọc xanh tốt bốn mùa, cá tôm,
chim chóc nhiều vô kể. Theo bia ký và Bảo tháp chùa Diên Khánh (Chốn tổ
chùa Dừa) còn lưu lại có ghi rằng:
Ngày ấy có những người từ vùng sơn cước lưu lạc đến đây, thấy đất đai phì nhiêu, cảnh vật tốt tươi mới định
cư lập nghiệp. Vào khoảng thế kỷ thứ X thời kỳ đầu Nhà Lý, Làng Dừa
được ghi danh trên bản
đồ Tỉnh Đông (Hải Dương ngày nay), trải qua nhiều thời đại vẫn giữ nguyên tên cổ “Làng Dừa” đến tận bây giờ.
Từ sau cuộc Cách mạng
Tháng Tám năm 1945, khi chính quyền Cách Mạng được thành lập, Làng Dừa được mang tên theo đơn vị hành chính là Thôn Gia Xuyên, thuộc xã Tứ
Xuyên, huyện Tứ Kỳ. Từ năm 1966 Thôn Gia xuyên được chuyển sang trực thuộc Xã
Văn Tố, huyện Tứ kỳ cho đến ngày nay. Tuy nhiên mọi người trong vùng vẫn quen
gọi Làng Dừa như một cái tên hoàn toàn chính thức.
Trong kháng chiến
chống Thực dân Pháp, Làng Dừa đứng cận kề và soi gương với Bót Măng do quân Pháp xây dựng lên và chiếm đóng, là vùng
ven tranh chấp giữa Việt Minh và quân Pháp hết sức ác liệt. Làng Dừa là nơi có
phong trào du kích Việt Minh và bộ đội hoạt động phát triển nổi tiếng mạnh mẽ.
Từ rất sớm, một số thanh niên, trí thức trong làng đã giác ngộ đi theo cách
mạng kháng chiến. Tiêu biểu có ông Nguyễn Đình Tạc, được nhà sư Đàm Quang Thuận trụ trì Chùa Diên Khánh (Chùa Dừa), thực chất là
cán bộ Việt Minh đã giác ngộ ông, hướng dẫn ông hoạt động gây dựng cơ sở. Năm
1946, ông Tạc được Chi bộ đảng Huyện Tứ Kỳ kết nạp vào Đảng CS Việt Nam, ông
trở thành người thanh niên Làng Dừa đầu tiên đứng trong hàng ngũ của Đảng và
cũng là người đảng viên cộng sản đầu tiên của Xã Tứ Xuyên bấy giờ. Những năm từ
1947 đến 1949, chi bộ kết nạp thêm được một số đảng viên nữa là các ông: Nguyễn Văn ích, Nguyễn văn
Hàm, Nguyễn Ngọc Trung, Nguyễn Thành Trì, Nguyễn Văn Cử, Nguyễn Văn Thình,
Nguyễn Long Phi, Nguyễn Văn Tùng, Phạm Văn Bao, Nguyễn Văn Bân, Nguyễn Đức
Huyền. Đến năm 1949 trong làng đã có 30
đảng viên, chiếm 30% tổng số đảng viên của xã Tứ Xuyên lúc đó.
Trong làng có nhiều
gia đình cơ sở có công lao nuôi giấu cán bộ kháng chiến, tiêu biểu như: Gia
đình bà Phao, Bà Choẹ, Bà Bặm, Bà Vần, Bà Lục, Bà Báng, Bà Tế …
Những người đầu tiên
trong làng tham gia du kích, tiêu biểu như Ông Cứ, ông Lan, ông Bộc, ông Xuất, ông Truật, ông Giại, ông Sớ,
ông Khảm, ông Khang, ông Cường, ông Phi, ông Huyền, ông Đoái, bà Mang, bà Chuyền, ông Bân,
ông Báu, ông Ba, Bà Nhớ, bà Thảo, bà Dư, bà Thóc, ông Đọc … và nhiều người khác nữa. Có nhiều
người sau này đã tình
nguyện vào bộ đội chủ lực chống Pháp như: Ông Tạc, ông Cứ, ông Lan, ông Cường, ông Bộc… nhiều người trong số này đã anh dũng hy sinh. Một số sau này bị giặc đi càn
và bị bắt tù đày do chúng nghi ngờ là Việt Minh như: ông Phi, ông Đoái, ông Đọc
… dù bị tra tấn dã man họ vẫn giữ khí
tiết kiên trung, không khai nửa lời và bị giặc đưa đi lưu đày khắp các nhà tù ở
miền bắc.
Cuộc kháng chiến
trường kỳ chống Thực dân Pháp của dân tộc ta dành thắng lợi, Miền Bắc được giải
phóng, cũng như các địa phương khác trên toàn Miền Bắc, người dân Làng Dừa lại
tiếp tục bước vào một trận tuyến
mới, củng cố chính quyền, cải cách ruộng đất, tổ chức sản xuất, phát triển kinh
tế xã hội, chuẩn bị nhân tài vật lực chi viện cho Miền Nam thân yêu Kháng chiến
chống Đế quốc Mỹ xâm lược và tay sai.
Những
người con Làng Dừa vừa ra khỏi cuộc kháng chiến chống Pháp, có nhiều người đã trở thành lãnh
đạo cấp uỷ, chính quyền như ông Thép, ông Thình, ông Huyền, ông Điều, … có người tham gia
cán bộ tổ đổi công, rồi cán bộ đội sản xuất, cán bộ hợp tác xã nông nghiệp Văn
Xuyên như ông Bao, ông Cử, ông Trạch, ông Tùng, ông Đoái, ông Ba, ông Bèo,
ông ý, ông Ngạch. Có trên 200 thanh niên trai tráng lên đường vào bộ đội trực
tiếp chiến đấu, nhiều gia đình có hai thế hệ cha con, chú cháu đều chiến đấu
chung một chiến hào.
Trong
các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên
giới Tây Nam và Biên giới phía Bắc, có nhiều thanh niên Làng Dừa đã anh dũng hi
sinh hoặc gửi lại một phần thân thể nơi chiến trường. Cả Làng có 34 Liệt sĩ,
25 thương bệnh binh. Có 4 gia
đình có 2 liệt sĩ là gia đình ông Đào, gia đình ông Nghi, GĐ ông
Bân, GĐ bà Vũ.
Nhiều
người trong làng đã trưởng thành ở các cương vị công tác khác nhau. Có khoảng gần 50 người là sĩ quan Quân
đội và Công an cấp uý, cấp tá và cấp tướng, tiêu biểu như: Đại tá Hải quân Nguyễn Đình Tạc, Trung tướng Nguyễn Công
Tranh- Chính uỷ Tổng cục Hậu Cần, Đại tá Phạm Văn Hành- Chủ nhiệm Chính trị
Binh chủng Tăng Thiết giáp, ông Nguyễn Văn Thình - Phó GĐ Công An Quận Phú
Nhuận –TP Hồ Chí Minh, Đại tá Phạm Văn Hiển- Cán bộ Học viện Chính Trị , có nhiều người thành đạt như gia đình ông Phạm Đình Trấp, ông Nguyễn Văn
Đông, Nguyễn Văn Bường, Nguyễn Văn Khâm…
Có
thể nói mỗi người dân Làng Dừa luôn
tự hào và thể hiện rõ niềm kiêu hãnh với những lịch sử và truyền thống của làng
mình.
Chốn Tổ Chùa Dừa |
Di
tích của Làng Dừa đáng kể nhất là Đầu làng phía bắc có ngôi chùa là Chùa Diên
Khánh (Hay còn gọi là chốn tổ Chùa Dừa) trước đây là ngôi chùa rất lớn mấy chục gian và hơn chục cây tháp
trong đó có một cây cửu phẩm cao hàng chục mét, nay chỉ còn
lại một phần và đang được tu tạo lại. Nghe nói ngôi chùa này đã từng nổi tiếng một vùng
về qui mô và linh thiêng, tất cả các nhà tu hành ở quanh vùng như Ninh Giang, Thanh
Hà, Gia Lộc, Vĩnh Bảo, Tiên Lãng hàng năm đều về đây hạ,
nhiều chùa được phát tích bắt đầu
từ Chốn Tổ Chùa Dừa này.
Chùa Dừa (Diên Khánh Tự)
|
Chùa Dừa trong
những năm chiến tranh chống Pháp, rồi chống Mỹ, thời kỳ hợp tác xã, ngôi chùa
vì nhiều lý do chỉ còn lại phế tích. Sau này Người dân làng Dừa cùng với các
nhà sư và Hội Phật giáo tổ chức xây dựng lại. Thầy tôi ( ông Đoái) là người
được các nhà sư mời ra làm thủ tục giác móng chùa, đấy cũng là một niềm vinh dự
cho một người đại diện của những người cao tuổi, khỏe mạnh, có đức độ, là
trưởng một dòng họ rất mực gương mẫu.
Có một cái tết năm nào, Chùa Dừa mới được xây dựng lại, thầy tôi có làm một
bài thơ như sau:
Ông bà, cô bác đi xa
Nay về thăm lại quê ta khác nhiều
Vi vu vang tiếng sáo diều
Thênh thang đường rộng dập dìu xe qua
Cửa hàng đông khách vào ra
Trên đồng giòn giã vang xa máy cày
Ngôi chùa Diên
Khánh** mới xây
Khang trang thoáng rộng hơn rày năm xưa
Uy nghiêm lộng lẫy
ngôi chùa
Thỏa lòng phật tử phụng thờ sớm hôm
Mái chùa ngói đỏ như
son
Nóc chùa oai vệ hai con nghê chầu
Một vùng đất rộng, ao
sâu
Xum xuê cây cối trước sau xanh rờn
Trong chùa càng lộng
lẫy hơn
Trên cao tượng phật vàng son sáng ngời
Hoành phi câu đối đỏ
tươi
Tăng ni phật tử khắp nơi đi về
Đã đi muôn dặm sơn
khê
Nhiều nơi còn đẹp hơn quê hương mình
Chùa Dừa có Đức Giác
Tâm
Đức trong, tâm sáng góp phần dựng xây
Tọa lạc trên chín tầng
mây,
Mong Phật phù hộ mạnh giàu, văn minh
Giữ sao trọn nghĩa vẹn
tình
Công ơn Đảng Bác cho mình tự do
Cho mình hạnh phúc, ấm
no
Mong sao non nước cơ đồ ngàn năm
Làng Dừa giàu đẹp muôn
phần
Tự hào thay được làm dân Làng Dừa.
Giữa
làng có một ngôi đình lớn, nó bị tàn phá từ thời chống Pháp, hiện nay chỉ còn
là khu đất trống, bên cạnh đã xây dựng Nhà Văn hoá cộng đồng của thôn. Xưa trong vùng có câu:
Chiêng Làng Đống, trống Làng Dừa để nói Làng Dừa nổi tiếng có một
cái trống cái rất lớn. Nay trống không còn nhưng nghe nói mỗi mặt của nó phải bọc bằng da của một con trâu mộng
lớn mới vừa, tiếng trống trầm hùng ấm sâu.
Xưa kia Làng dừa có 7
cây đa lớn: Cây đa Miếu Ông (Ba chạc), cây đa ông Bơn, cây
đa ông Da, cây đa cổng Dạ, cây đa miếu Dáu, cây đa đồng ngoài, cây đa cổng đông
… và có hai cây ruối lớn là Cây ruối Đình Dừa và Cây ruối ngõ ông Đào. đến nay
chỉ còn hai cây đa cổ là cây đa ông Bơn, cây đa đồng ngoài. Tuy nhiên ngày nay,
các thế hệ nối tiếp lại trồng thêm hàng vài chục cây đa và cây bóng mát công
cộng đang dần trở thành đại thụ. Người tích cực trồng cây là ông Nguyễn Văn
Chư.
Trong làng có mấy cái giếng làng: Xóm bắc có Giếng Chùa, Giếng ông Chuẩn; Xóm giữa
có giếng sân đội, vì nó gần sân kho, bây giờ vị trí của nó ở lối vào nhà bác
Châu Đạo; Xóm dưới có giếng bà Dân, vì gần nhà bà Dân, bây giờ nó là ao nhà ông
Hành. Giếng làng có đường kính khoảng từ 7 đến 10 m, độ sâu tầm 3 đến 4 mét,
được xây hình tròn, bằng gạch, có một vài lối xây bậc lên xuống để mọi người
xuống múc nước gánh về. Nước giếng thường trong vắt, dùng để ăn uống là chính. Nói
chung cái giếng làng rất đẹp. Qui định sử dụng giếng cũng rất nghiêm ngặt, nó
được ghi rõ trong hương ước của làng, trong đó có ghi rõ cả việc không được
tắm, rửa chân tay, đồ dùng, hoặc vứt bất cứ cái gì xuống giếng... nhằm giữ vệ
sinh chung. Đến nay chỉ còn lại Giếng Chùa, còn các giếng khác đều đã bị vùi
lấp hoặc biến dạng.
Thiết
chế văn hoá: Làng có một nhà sinh hoạt văn hoá cộng đồng, hệ thống loa truyền
thanh nội bộ với công suất lớn để phổ biến các chủ trương, chính sách, lịch
nông, chuyển giao khoa học đời sống, phương pháp nuôi trồng và cả những việc
vui buồn trong làng ngoài xã. Duy trì một tủ sách có hàng
ngàn đầu sách các loại, hàng năm số lượng đầu sách báo tăng lên từ nguồn cấp và xã hội hóa.
Làng
có một đội bóng đá mini thường xuyên có trên 20 cầu thủ nhí. Năm 2009 và 2010
đều vô địch giải đấu của xã. Có một “Câu lạc bộ các nàng dâu thảo hiền”, có
“hiệp hội những ngời làm màu”, câu lạc bộ thơ, câu lạc bộ sinh vật cảnh của người cao tuổi. Từ già
đến trẻ ai ai cũng tham gia một vài thành viên của các câu lạc bộ, hội đồng
niên, đồng môn, đùng ngũ, liên gia ... sinh hoạt vô cùng phong phú và đoàn kết.
Đường làng ngõ xóm được
qui ước dọn vệ sinh chung vào 25 DL hàng tháng.
Lễ
hội tôn giáo có Lễ hội Chùa Dừa vào 19/5 âm lịch hàng năm.
Về
giáo dục: Người Làng Dừa ngày càng
coi trọng việc học hành của con trẻ. 100% các cháu được học mẫu giáo, 100% tốt nghiệp PTCS và PTTH trở lên. Tỉ lệ đỗ vào
các trường cao đẳng và đại học ngày càng cao. Hầu hết các dòng họ đều xây
dựng quĩ khuyến học nhằm giúp đỡ trẻ khó khăn đi học và khuyến khích
người đỗ đạt trong họ.
Đến năm 2010 có gần 50 người đang ở trình độ đại học, 80 người có trình độ cao đẳng, 4 người trình độ trên đại học, như
vậy cứ khoảng 10 người có 1 người có trình độ cao đẳng, ĐH và trên ĐH.
Vốn
là một vùng chiêm trũng, xưa nay tập quán sản xuất của dân làng Dừa chỉ có nghề trồng lúa nước. Xưa kia, việc
trồng lúa của người dân phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên, nước triều lên
xuống tự do, năm nào thuận hoà thì no bụng, năm nào lụt lội, hạn hán thì thất bát, đói kém, như các cụ thường nói, chủ yếu “nhờ vào màu giời” là chính. Là vùng chiêm trũng
nên thường bà con chỉ trồng lúa có một vụ chiêm, vụ mùa có trồng cũng thối, chỉ
trồng được ở những thửa ruộng
cao như đồng Sốc, đồng Vàng hoặc cấy những loại
lúa cao mà năng suất thấp như lúa hom râu.
Hoà
bình lập lại, những năm 1956, 1957 trở đi, Đảng và Chính Phủ Cụ Hồ bắt đầu chăm
lo việc trị thuỷ cho nhân dân. Hệ thống đê điều được đắp mới, gia cố, bồi trúc. Cuối năm 1958 Hệ thống đại thuỷ nông
Bắc- Hưng - Hải với trên 200 km đê điều, hệ thống cống tưới tiêu, hệ thống sông,
kênh, mương, máng dẫn nước được bắt đầu phục vụ cho sản xuất và đời sống. Làng Dừa cũng được hưởng lợi từ hệ
thống thuỷ nông Bắc- Hưng - Hải. Cống Dừa A (cống ông Chử), cống Dừa B (cống ông Toà) là 2 cống điều tiết nước cho các thôn vùng trong đê, trong đó có Làng Dừa. Thuỷ triều
lên cống mở đến khi nước lớn nhất thì tích lại, thuỷ triều hôm sau lớn hơn lại mở cống
để đẩy nước lên, cứ như thế cho đến khi nước ngập đồng. Tác
dụng lớn nhất là mùa đổ ải, nước triều đỏ phù sa bồi đắp cho cánh đồng ngày càng phì nhiêu. Mùa
nước lũ mở cống xả lũ,
giữ cho nước lớn không tràn
vào. Trạm bơm cầu Dừa được xây dựng những năm 77, 78 đến năm 80 hoàn thành phục vụ chống
lũ cho khu hạ Tứ Kỳ hiệu quả. Từ đó đến nay cánh đồng
Làng Dừa chắc ăn hai vụ lúa, một vụ màu.
Người Làng Dừa nổi tiếng
chịu thương, chịu khó, chăm
chỉ làm ăn. Tập quán trồng cấy ngày một đổi khác. Cơ cấu cây màu ngày càng tăng
lên do hiệu quả canh tác cao hơn. Cây dưa hấu, dưa chuột, đậu tương, ngô đỗ được tăng diện tích chuyên canh. Sản phẩm nổi tiếng chất lượng cao do người dân Làng Dừa áp dụng khoa học, kỹ thuật hiện đại, giống cây
trồng thuần chủng của các nước tiên tiến như Nhật Bản, Trung Quốc và của Viện nghiên cứu giống cây trồng Trung
Ương. Đến vụ, xe ô tô về lấy hàng xếp nườm nượp dọc đường làng. Có những hộ trồng màu đạt tới hàng trăm triệu đồng/năm,
các hộ thu nhập từ cây màu đạt 15 đến 20 triệu là thường. Người chăn nuôi đã
chuyển sang hướng sản xuất hàng hoá, trang trại. 100% các hộ nông dân đã chuyển sang sử dụng phương tiện máy móc vào sản xuất.
Đến năm 2010, Làng Dừa có 100% các hộ gia
đình có nhà mái bằng, chí ít là nhà mái ngói. 94,4% số hộ dùng nước hợp vệ
sinh, có nhà tắm, hầu hết có công trình vệ sinh tự hoại hoặc hợp vệ sinh.
Tập quán sinh hoạt của người dân làng Dừa rất tốt đẹp, tính cộng đồng
cao, sự kiêu hãnh, chân thật, mến khách và tình người.
Một nhà có việc, dù vui hay buồn, tất cả những người trong xóm đến giúp rất vô tư không hề nghĩ điều hơn thiệt. Một nhà có cá, cả xóm có kho ăn. Một nhà có
rau, cả xóm canh ngọt. Có cây đầu mùa dù vải, nhãn, táo hay dưa, ngô, rau đậu đều
đem phát khắp xóm. Anh em có nghề, xây cửa xây nhà chẳng trót lấy công. Chùa Dừa tu sửa, cả làng không ai
bảo ai chung tay làm giúp. Đất đai ngày nay đắt đỏ là thế, Làng làm đường là hiến đất chẳng suy tư. Có những gia
đình đã nhiều lần hiến đất cho làng như gia đình ông Đoái, anh Khương, anh Liễu, bà
Thấm, bà Tiêm, anh
Vị, ông Kham... và nhiều nhà khác nữa.
Tết đến, chẳng có mấy gia
đình không hò nhau đụng thịt lợn, giúp nhau gói bánh chưng cho vui, điều đó chẳng phải vì thiếu thốn mà chính là tình làng nghĩa
xóm.
Điều mà tất cả những người dân trong vùng biết đến là dân làng Dừa
rất hài hước và hay nói trạng. Những câu chuyện của người dân Làng Dừa nói ra, nếu ai chưa được nghe là một điều rất thiệt thòi,
ai đã nghe rồi đều cười từ sáng đến tối. Điều đó
chứng tỏ người dân Làng Dừa rất trí tuệ và lạc quan trong
cuộc sống.
Tất cả những yếu tố trên cho
thấy một Làng Dừa rất Việt Nam, rất Đồng bằng Bắc bộ và cũng thật rất đặc biệt
và tự hào.
Ngày 31/12/2010 UBND huyện
Tứ Kỳ đã ký Quyết định số 3816/QĐ-UB công nhận Thôn Gia Xuyên (Làng Dừa) đạt
tiêu chuẩn “Làng Văn Hoá”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét