Gốm Chu Đậu là một trong những số ít loại gốm nổi tiếng trên thế giới từ rất sớm. Nó được hình thành từ thế kỷ thứ XIII, được hoàn thiện dần trong lịch sử và có chất lượng cao trong thời đại công nghệ hiện đại.
Gốm Chu Đậu được biết đến như một loại gốm bác học, mang tính triết lý cuộc sống, thể hiện Trí – Tâm – Thần – Phật. Đất tạo ra xương cốt, nước tạo ra hình hài, lửa thiêng tạo ra thần thái.
Bình gốm hoa lam và bình gốm tỳ bà là cặp bình đặc trưng cửa gốm Chu Đậu, nó làm rạng danh nghề gốm cổ truyền Việt Nam.
Chiếc bình gốm hoa lam được chế tác theo mẫu bảo vật lâu đời của Việt Nam. Chiếc bình quí giá này được lưu giữ tại bảo tàng Topkapisaray, thủ đô Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 1980 được mua bảo hiểm trị giá 1 triệu USD, năm 2006 được đấu giá 25 triệu USD. Nó là một trong tứ bảo quốc của Thổ Nhĩ Kỳ.
Dáng bình hình cầu có cổ đứng, men rạn trắng hanh nắng, hoa màu lam, trang trí cánh sen, hoa cúc đại đóa, dây leo cách điệu. Theo quan niệm của Người Việt xưa dáng tròn tượng trưng cho trời đất, hình trụ thẳng đứng là dáng trực tượng trưng cho người quân tử, người đàn ông, phái mạnh, người chồng, người cha trụ cột trong gia đình. Vì thế nó được gọi là bình dương.
Chiếc bình được nghệ nhân Bùi Thị Hí, người Châu Nam Sách vẽ vào năm 1450, trên bình có 13 chữ hán: 太和八年南书州匠人裴氏戏笔 Thái Hòa bát niên Nam Sách Châu tượng nhân Bùi Thị Hí bút (Có nghĩa là: Nghệ nhân Bùi Thị Hí người Châu Nam Sách vẽ vào năm Thái Hoà thứ tám).
Bên cạnh chiếc bình hoa lam là chiếc bình tỳ bà mang tính âm, tượng trưng cho đất, cho mẹ, là hiện thân của người phụ nữ Việt Nam, dáng vẻ hình chiếc đàn tỳ bà, cũng mang dáng vẻ của người phụ nữ thắt đáy lưng ong, vừa khéo chiều chồng, vừa khéo nuôi con.
Họa tiết chủ đạo trên bình là tứ cảnh: Xuân - Hạ - Thu - Đông thể hiện trời có bốn mùa xuân ôn, hạ nhiệt, thu lương, đông hàn; đất có bốn phương đông, tây, nam, bắc; con người có sinh, lão, mệnh, tử. Họa tiết trên miệng bình là lông Chim Lạc thể hiện tính độc lập tự do của dân tộc, cổ bình có họa tiết hoa chanh thể hiện cuộc sống thảnh thơi của miền quê thôn dã, mộc mạc.
Tất cả những điều đó thể hiện sự hi sinh cao cả, tần tảo âm thầm của người phụ nữ dành cho sự nghiệp lớn lao của người quân tử, cho khát vọng hòa bình, độc lập.
Gốm Chu Đậu đã hội tụ những nét tinh túy nhất về văn hóa và nghệ thuật, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.