Thứ Năm, 31 tháng 10, 2019

NHỮNG CÚ CẮN CÂU NGOẠN MỤC, CÁI KẾT ĐỐI VỚI NGƯỜI SẢN XUẤT, KINH DOANH




Thời gian qua, chúng ta thường thấy báo chí, truyền thanh, truyền hình nói về ở chỗ này, chỗ kia thực phẩm bẩn, tôm bơm chất lạ, chè, cà phê bẩn, cá nuôi mất vệ sinh, bưởi bòng, vải nhãn không an toàn … Có thể đó là sự thật, nhưng có phải là hoàn toàn sự thật như thế không? Chúng ta hãy suy ngẫm một số vấn đề dưới đây.
Cạnh tranh là một phần tất yếu của các doanh nghiệp để tồn tại và đem lại ngày càng nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Thế nên mới có từ, thương trường là chiến trường. Tuy nhiên cạnh tranh có hai loại, đó là cạnh tranh lành mạnh theo luật và cạnh tranh không lành mạnh trái luật.
Cạnh tranh lành mạnh đem lại sự phát triển vì nó vừa đem lại lợi nhuận, vừa kích thích lực lượng sản xuất, khoa học công nghệ phát triển.
Cạnh tranh không lành mạnh là dùng chiêu trò triệt hạ đối phương bằng mọi giá để mình tồn tại. Do vậy nó đem lại lợi nhuận bằng triệt hạ người khác chứ không phải bằng cải tiến công nghệ, cải cách quản lý nên nó không đem lại sự phát triển, mà có khi phá hoại cả một ngành sản xuất.
Gần đây, một số doanh nghiệp “nước ngoài” có dùng một số chiêu trò để triệt hạ những ngành sản xuất, kinh doanh cùng dòng sản phẩm với họ, để họ độc quyền chiếm lĩnh thị trường, thu lợi bất chính.
Trong các vụ trà bẩn trộn chất lạ, tôm bơm chất lạ, vải nhãn phun thuốc sâu, lợn bơm cát, nước mắm bẩn … có thể là những việc làm gian dối, nhưng cũng không ít các trường hợp ấy chỉ là chiêu trò của một số doanh nghiệp nước ngoài làm nhằm triệt hạ đối thủ của họ từ Việt Nam.  Vậy chiêu trò thế nào?
Có một số tư thương nước ngoài đến VN, tìm đến một vài cơ sở sản xuất, kimh doanh cùng mặt hàng với họ để dựng cảnh. Họ đặt hàng với số lượng hợp đồng lớn và hứa giao dịch ổn định, với giá hời nhưng với điều kiện là phải làm theo kỹ thuật, hướng dẫn của họ. Họ cho trộn các chất lạ vào sản phẩm, như một công đoạn không thể thiếu. Chuyến đầu, chuyến hai trót lọt, một số người hám lời cứ thế sản xuất theo kiểu ấy như một lẽ thường tình, có người đặt hàng thì cứ thế sản xuất.
Nhưng rồi, chính những kẻ bày mưu kia lại chủ động bắn tin cho báo chí, truyền hình. Đang đói tin, báo, truyền hình vào cuộc điều tra, phanh phui, làm chuyên mục viết lên báo, phát trên sóng. Thậm chí công an, quản lý thị trường vào cuộc lập chuyên án. Cuối cùng nguyên nhân từ đâu? Báo đài chỉ nói một câu rằng: Các cơ quan đang điều tra làm rõ vụ việc và qui trách nhiệm.
Thế là sau khi báo chí đưa tin, người sản xuất cả không chính đáng, cả chính đáng đều chết hết vì không còn ai dám mua hàng của họ nữa, không nước nào nhập hàng của họ nữa. Thiệt hại không biết bao nhiêu mà kể. Thế là cả mấy nhà sản xuất của ta và báo, truyền thanh, truyền hình đều bị cắn câu, mắc lừa. Thế là “Ngư ông đắc lợi”, thế là mấy doanh nghiệp “nước ngoài” chơi xấu kia tha hồ múa tay trong bị.
Hãy đặt câu hỏi:
-Báo chí đã hết mình với nhiệm vụ chính trị của Đảng là làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh hay chưa? Mỗi tin bài đưa lên đã nhìn thấu hiểu mọi vấn đề, cái được nhiều hay cái mất nhiều hơn đã tính đến hay chưa? Hay chỉ vì đói tin mà thôi thúc việc mình làm. Cũng không ít người cứ tưởng ta đã làm được một việc tốt nhưng hóa ra đó lại chính là sự phá hoại.
-Đã làm đến cùng sự việc chưa, hay chỉ nửa vời?
Từ việc ấu trĩ, thiếu hiểu biết đến việc mắc mưu, vô tình tiếp tay cho kẻ xấu phá hoại sản xuất kinh doanh của đất nước. Thậm chí có người tưởng đó là công lao. Nếu các nhà báo đọc được điều này, chắc chắn các bạn sẽ phải suy nghĩ cách ứng xử khi gặp một hiện tượng bất thường nào đó xảy ra trong cuộc sống.

SĨ QUAN TRẺ THỜI KỲ MỚI



        
         Trong buổi giao lưu giữa các đồng chí Lãnh đạo trong Thường vụ Đảng ủy Quân sự tỉnh, Thủ trưởng Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh với các đồng chí sĩ quan trẻ. Đồng chí Đại tá Nguyễn Trung Trịnh, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh đã chia sẻ một số vấn đề về Sĩ quan trẻ như sau:
         MC: Thưa Chính ủy, đồng chí đánh giá thế nào về đội ngũ Sĩ quan trẻ của mình hiện nay ạ?
         Chính ủy:
Trước hết xin kính chào các đồng chí Đại biểu cùng toàn thể các đồng chí trong cuộc giao lưu hôm nay. Tôi xin trân trọng cám ơn các đồng chí đã cho tôi được trao đổi trước một diễn đàn quan trọng thế này.
Nói đến đến đánh giá về Sĩ quan trẻ hiện nay? Từ kinh nghiệm thực tiễn chúng tôi thấy, trước hết những người sĩ quan trẻ cũng có phẩm chất, năng lực, các tiêu chí đòi hỏi như tất cả đội ngũ SQ nói chung khác. Tuy nhiên sĩ quan trẻ trong giai đoạn hiện nay có mấy điểm khác thế này:
*Điểm mạnh:
-Có kiến thức hiện đại: Bên cạnh sự kế thừa truyền thống, kinh nghiệm của thế hệ đi trước thì các đồng chí được đào tạo bài bản và hiện đại hơn, như là trong điều kiện công nghệ hiện đại, phương tiện hiện đại, chỉ huy những con người có kiến thức và để đối phó với chiến tranh hiện đại.
Hiện nay trong đơn vị có tới 105/110 đ/c  sĩ quan trẻ tốt nghiệp đại học và cao đẳng, chiếm 95% SQ trẻ ; so với đội ngũ sĩ quan nói chung là 81% thì tỉ lệ đào tạo cơ bản cao hơn 14 %.
-Sĩ quan trẻ có điểm mạnh là nhiệt tình và năng nổ, cầu thị tiến bộ. Các kiến thức học tập, thu lượm được muốn áp dụng ngay vào đơn vị có kết quả tốt.
-Có sức khỏe tốt hơn về tầm vóc có thể vượt qua được khó khăn thử thách, chịu đựng gian khổ.
Đảng ủy, chỉ huy rất tin tưởng, rất ghi nhận những điểm tích cực ấy. Trong thời gian qua, lực lượng sĩ quan trẻ thường đảm nhiệm hầu hết trong các nhiệm vụ, lĩnh vực quan trọng, khó khăn, thử thách như:  Quân báo, trinh sát, điệp báo, Công binh, thông tin liên lạc, phòng chống thiên tai, bão lũ, tìm kiếm cứu nạn, đứng chân trên các tuyến biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa trực tiếp làm nhiệm vụ. Tham gia các hội thi, hội thao đật thứ hạng đem lại thành tích cho đơn vị.
*Tuy nhiên có những điểm thực trạng cần đáng lưu tâm: Kể cả cấp ủy, chỉ huy cũng như đội ngũ sĩ quan trẻ cần lưu tâm:
-Điểm xuất phát của các đồng chí không giống nhau. Nguồn đầu vào của SQ Từ HSQ- CS, học sinh thi vào trường; Cử tuyển từ con em của đồng bào dân tộc thiểu số; Bổ túc 801, sau đó hoàn thiện SQ cấp phân đội; Chuyển sang SQ từ QNCN; Có cả sinh viên tốt nghiệp ĐH dân sự tuyển vào QĐ...
Nhưng thực tế đòi hỏi, yêu cầu công tác và tiêu chuẩn phẩm chất, năng lực cán bộ Quân đội đòi hỏi gần như giống nhau: Phẩm chất SQ cán bộ CM của Đảng; Biết TM, quản lý, chỉ huy, tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Việc đáp ứng được có một số sẽ khó khăn hơn vì xuất phát không đồng đều.
         Sĩ quan trẻ có kiến thức nhưng thiếu kinh nghiệm, nên dễ tự mãn, thiếu chín chắn, áp dụng kiến thức vào thực tiễn quản lý, chỉ huy dập khuôn, cho rằng nhà trường dạy như thế là đầy đủ rồi nên cứ làm thế, xa rời thực tiễn đơn vị và hoàn cảnh cụ thể (Lý luận là màu xám, thực tiễn là cây đời mãi mãi xanh tươi). Dẫn đến khó tránh khỏi vấp váp khi thực hiện nhiệm vụ.
Có kiến thức nên chủ quan, áp đặt, tưởng người khác cũng giỏi như mình cho nên có khi ra những mệnh lệnh “trên trời”, cấp dưới không biết đường nào mà làm. Thứ hai là nghĩ người khác không bằng mình nên khi được tham gia đóng góp thì không nghe ai.
Còn những đồng chí có điểm xuất phát thấp thì ngược lại: Dễ thiếu tự tin, dẫn đến tự ti, không dám xông vào công việc, nhất là việc khó, làm gì cũng sợ sai, sợ bị phê bình, nên bảo gì làm nấy, không có đề xuất, không có sáng tạo. Một lần làm hỏng là cho rằng mình đã bỏ đi, không dám thử sức vươn lên.
Nhiệt tình, năng nổ nếu nhận thức không sâu thường hay đi cùng với lăng xăng, nóng vội, mệnh lệnh: Chỉ huy đơn vị đôi khi bỏ qua các bước, qui trình công tác: Ra mệnh lệnh không đi kèm với giáo dục, hướng dẫn, tạo điều kiện, đôn đốc, kiểm tra, động viên để cấp dưới hoàn thành; cho nên đôi khi giao nhiệm vụ đến lúc cấp dưới làm hỏng việc thì quát mắng, chê bai, đổ lỗi. Hạ sĩ quan, chiến sĩ trẻ mới 18, đôi mươi như tờ giấy trắng, đôi khi lại thúc ép phải làm tốt bằng mọi giá, không quan tâm đến cái cụ thể, không biết người ta có làm được hay không.
Năng nổ đôi khi nông cạn, nóng vội trong đời sống, dễ bị nhiễm những tư tưởng, phong cách khác lạ mà không biết đúng sai, dễ mắc sai lầm.
Thường muốn thành công nhanh, kể cả trong công việc cũng như trong xây dựng đời sống gia đình. Làm thế nào đó phải tiến nhanh, bất chấp dẫn đến ích kỷ, chà đạp lên lợi ích của đồng chí, đồng đội.
Muốn giàu lên cho thật nhanh, dễ mắc sai lầm, sa vào cạm bẫy, tệ nạn ( Như đề đóm, bài bạc, vay nợ nóng, làm nhà to, mua xe đẹp quá khả năng, vay rồi muốn chiếm đoạt; chơi hụi, đa cấp …)
Tầm vóc thì tốt hơn đấy nhưng không dẻo dai như trước đây, do ít phải lao động chân tay, dễ mệt mỏi và chán nản khi gặp khó khăn, gian khổ. Mạnh mẽ đấy, nhưng đôi khi muốn thể hiện bản tính đàn ông cũng mắc sai lầm trong quan hệ xã hội, nam nữ, ảnh hưởng gia đình, XH và đơn vị V.v… và …v, v
Tất cả những đặc điểm này, không phải tôi nói ra, mà trường SQ nào cũng dạy các đồng chí rồi. Nhưng nhất thời là người trẻ, dễ nhớ, lại dễ quên, không ai thèm để ý cả. Cho nên hôm nay Chính ủy nêu như thế lại có khi lại tưởng là mới mẻ.
MC: Cám ơn Chính ủy, đúng là đồng chí rất hiểu về đội ngũ sĩ quan trẻ của mình. Đồng chí cho biết một vấn đề nữa ạ. Vậy làm thế nào để để phát huy được những điểm mạnh của SQ trẻ, thưa đồng chí?
Chính ủy:
Chúng tôi hiểu sĩ quan trẻ là bởi vì trước khi trở thành “ Sĩ quan già” như hôm nay thì chúng tôi đã từng là sĩ quan trẻ rồi.
Nói vui vậy thôi, muốn phát huy dược đội ngũ sĩ quan trẻ hiện nay trước hết phải có quan điểm đúng:
Đội ngũ cán bộ, sĩ quan trẻ hiện nay là lớp cán bộ nguồn kế cận cho tương lai của Quân đội, của đơn vị. Như Bác Hồ đã di chúc lại: “ Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.
Cho nên:
-Điều đầu tiên của mỗi cấp ủy, chỉ huy là phải hiểu biết đội ngũ SQ trẻ và hiểu biết đến từng người để mà đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và qui hoạch phát triển. Đứng trước một khu rừng phải nhìn thấy cả rừng, nhìn thấy từng cây; Phải đánh cờ người chứ không phải đánh cờ gỗ. Phải luôn luôn giáo dục, định hướng để chính họ hiểu chính bản thân họ, chủ yếu phải giáo dục riêng là vấn đề căn bản nhất.
-Thứ hai phải tin tưởng giao nhiệm vụ, một mặt vì công việc là chính, một mặt để thử thách, để họ được chứng tỏ bản thân là người có kiến thức, trình độ và bồi đắp năng lực.
-Đưa vào hoạt động thực tiễn càng nhiều càng tốt để trang bị kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn, mới mẻ. Phải hướng dẫn kỹ càng, động viên, khuyến khích họ khi giao việc. Cử người hướng dẫn, giúp đỡ, chỉ cho họ những cái thuận, những chiều nghịch để họ lường trước. Làm cho họ biết “vận dụng” kiến thức vào thực tiễn, dựa vào tổ chức Đảng, tổ chức chỉ huy và các tổ chức khác trong cơ quan, đơn vị, và đồng đội để mà làm việc chứ không phải là “áp dụng” máy móc.
-Khuyến khích người có năng lực, bồi dưỡng, nuôi cấy họ để phấn đấu, Có một số người có tài xuất chúng, toàn diện, thứ gì anh ta cũng làm được, cần phải bồi dưỡng sớm, sử dụng xứng đáng nhưng tuyệt đối không nên để họ hiểu nhầm rằng mình đã quá giỏi để dẫn đến tự phụ, ngộ nhận, cần phải kiềm chế tính kiêu ngạo của họ từ khi còn trẻ.
-Tuy nhiên không được bỏ rơi những đồng chí có những điểm hạn chế nhất định. Có một đúc kết về nhân tài, có 3 dạng chính: Tài tham mưu, tài quản lý và tài thực hiện.
Vấn đề là ta phải phát hiện ra cái tài của họ là cái gì để mà phát huy điểm mạnh: “Dùng người như dùng gỗ, không nên bảo thợ mộc đi rèn dao, thợ rèn đi đóng tủ” để rồi không phát huy được; Phải biết phát huy tính toàn diện với điểm mạnh của từng người. Người có điểm hạn chế phải giúp đỡ riêng, kỹ càng hơn. Giao đúng việc, từ dễ đến khó, có thể giao việc khó nhưng phải kiểm tra, giúp đỡ để người ta hoàn thành, không khoán trắng, xây dựng tính tự tin vươn lên.
-Không nên có thái độ thiên vị, cần phải khen, chê, thưởng phạt hết sức công bình, công minh, nhưng lại cần đúng lúc, đúng chỗ nếu không có thể động chạm đến tính tự kiêu, tự ái hoặc tự tí của anh ta sẽ phản tác dụng.
-Có một điều rằng, cán bộ cấp trên, cán bộ lớn tuổi phải nhường cán bộ trẻ, việc nhỏ mà họ làm được đáng được khen thì khen, không nên đem so với mình. Phải biết chia sẻ (Có bao nhiêu cái bằng giấy khen mà cấp trên nhận hết thì cán bộ trẻ cũng nản).
-Khi cán bộ trẻ mắc sai lầm, khuyết điểm, cần biết giáo dục là chính, bằng tình thương yêu; nếu mắc kỷ luật nghiêm trọng cần giáo dục, động viên, giúp đỡ họ tiến bộ. Không trù dập, bé xé ra to, không để họ nghĩ rằng thế là hết, mà phải xây dựng niềm tin cho họ sửa chữa, vươn lên. Rất nhiều thứ có thể làm lại được.
Tốm lại: Một điều tôi muốn nói với các đồng chí hôm nay là: Mọi cơ hội cống hiến phần nhiều bắt đầu từ tuổi trẻ, đó là giai đoạn làm được nhiều nhất, nó bồi đắp cho tương lai của mỗi người. Ai biết dành thời gian cho tuổi trẻ, trân trọng từng vấn đề thành công dù lớn hay nhỏ, phấn đấu kiên trì không ngừng nghỉ, người đó sẽ được tương lai đền đáp. Các đồng chí trẻ, đừng để mình già sớm khi mình còn trẻ, và cũng như sĩ quan lớn tuổi hãy thật trẻ, đừng để mình già khi tuổi tác chưa cao.
Một lần nữa tôi khẳng định: Đảng ủy, chỉ huy và cá nhân tôi rất tin tưởng ở các đồng chí sĩ quan trẻ, luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ để các đồng chí hoàn thành nhiệm vụ, phấn đấu vươn lên.
Cám ơn tất cả các đồng chí.
MC: Xin cám ơn đồng chí Chính ủy!.