Chủ Nhật, 4 tháng 5, 2014

NGƯỜI NGHÈO NHIỀU TIỀN HƠN

         Hôm trước, nhân dịp nghỉ lễ dài, tôi có dịp đi vào một xưởng gốm ý định mua tặng bạn đôi bình. Loại gốm này đã từng nổi tiếng một thời, đã từng được quốc tế biết đến. Tôi cũng tự hào về nó vì nó ở đất quê hương tôi, cũng đã vài lần kể về nó cho bạn bè nghe.
         Khi đi, cháu lái xe bảo: Cháu sợ hôm nay ngày lễ họ nghỉ chú ạ.
         Tôi nhận định: Nghỉ lễ là với mình thôi, chứ người kinh doanh họ phải tận dụng cơ hội này để bán cho khách đi du lịch chứ.
         Cháu lái xe bảo: À vâng, cháu lại không nghĩ ra.
         Khi chúng tôi đến sân cửa hàng giới thiệu sản phẩm, trong sân vắng ngắt chứ không như những lần trước. Cửa hàng giới thiệu sản phẩm đóng. Cháu lái xe bảo: Nghỉ thật chú ạ. Để cháu hỏi bác bảo vệ.
         -Bác ơi, hôm nay cửa hàng nghỉ ạ?
         -Không đâu cháu ạ, để bác gọi điện cho họ đến. Cháu cứ đỗ xe vào kia chờ một tí.
         Nói đoạn, bác bảo về gọi điện cho ai đó. Một lúc sau chúng tôi thấy một người đàn ông, ăn mặc gọn gàng, nhìn cách cư xử của bác bảo vệ, tôi đoán là Phó giám đốc. Một lúc nữa có một cô nhân viên bán hàng đến mở cửa.
         Chúng tôi vào xem một lúc và tìm cặp bình như năm trước đã mua. Khi hỏi đến giá cả, tôi giật mình vì giá của cặp bình nào cũng đắt gấp đôi hoặc còn hơn thế so với dịp trước. Tôi ngần ngừ, thực ra tôi không mang thiếu tiền, nhưng những người hưởng lương như tôi, tháng lương chỉ được 2  đến 3 cặp bình này.
         Tôi ngồi xuống uống nước cùng với vị mà tôi nghĩ là Phó giám đốc vì được ông ấy mời và tôi cũng cần suy nghĩ thêm.
         Tôi hỏi, sao giá cả năm nay lại tăng nhiều thế anh nhỉ, năm ngoái tôi mua có đắt thế này đâu?
         Người ấy nói: Tăng được đến năm nay rồi anh ạ.
         Tôi à lên một tiếng vì liên tưởng rằng đây chính là hiện tượng vắng vẻ trong cửa hàng giới thiệu sản phẩm này.
         -Anh ạ - Tôi lên tiếng – nhân đây tôi muốn kể cho anh hai câu chuyện có được không?
         -Vâng – Người đàn ông cũng tỏ vẻ chú ý- Anh kể đi.
         - Câu chuyện thứ nhất là về hai hãng điện thoại NO và SA. Trước đây hai hãng này là hai đối thủ cạnh tranh nặng ký của nhau. NO có chiến lược bán sản phẩm cho giới thượng lưu, giá trung bình của một sản phẩm thường lên tới 7 triệu đồng. Còn SA có chiến lược nhắm đến đối tượng khách hàng là giới trung lưu và bình dân, mỗi sản phẩm trung bình họ bán giá 2 triệu đồng. Mặc dù chất lượng (Theo chúng tôi biết) nó gần như ngang nhau, thậm chí là ngang nhau. Sau gần 10 năm, cho đến nay SA phát triển và chiến thắng một cách ngoạn mục, được xếp vào tốp đứng đầu các hãng điện tử hiện nay. Đó là câu chuyện kinh doanh trên thế giới và gần gũi với ta chắc anh cũng biết.
         Anh nghe tiếp chứ?
         Vâng, anh kể đi.
-Đây là câu chuyện thứ hai, nó xảy ra ở quê tôi và ở cạnh quê tôi.
Lần ấy, huyện tôi xây dựng một công trình văn hóa công cộng rất có ý nghĩa. Phần lớn công trình cần sự ủng hộ xã hội hóa của cộng đồng. Trong thư ngỏ của lãng đạo huyện gửi những người con xa quê và nhân dân có nêu: Những ai ủng hộ 15 triệu trở lên được khắc vào bia đá ghi công. Huyện tôi nghèo nhưng không thiếu tấm lòng thơm thảo. Nhưng anh biết không, người giàu quê tôi không nhiều, cả huyện có một vài người góp năm chục, một trăm triệu, có khoảng trên 40 người góp 15 triệu, vài trăn người góp 2 đế 3 triệu, còn lại chỉ góp 100 nghìn. Tổng số thu được hơn hai tỷ đồng.
Có một huyện khác ở cạnh tỉnh tôi, họ cũng xây một công trình tương tự, và cũng kêu gọi xã hội hóa. Chỉ có bức thư ngỏ ghi rằng: Ai góp 15 triệu trở lên được tạc vào “bia vàng”, 5 triệu trở lên tạc vào “bia bạc”, 500 nghìn trở lên tạc vào “bia đồng”, 100 nghìn trở lên tạc vào “bia đá”. Tuy gọi thế thôi nhưng tất cả đều là bia đá được đặt tên khác nhau và khổ chữ to nhỏ khác nhau thôi. Anh biết không: Cũng có 40 người góp 15 triệu, nhưng có đến vài nghìn người góp 5 triệu, vài vạn người góp 500 nghìn và nhiều vạn người góp 100 nghìn. Cuối cùng họ có được gần 40 tỷ đồng xã hội hóa để xây công trình.
Chúng tôi không phải người kinh doanh, không am hiểu nhiều về lĩnh vực kinh doanh, nhưng tôi kể với anh hai câu chuyện này, một chuyện kinh doanh, một chuyện về vận động để nói lên cái điều mới nghe tưởng như ngược đời rằng: Người nghèo nhiều tiền hơn rất nhiều so với người giàu, tất cả những người giàu trên trái đất này bằng cách này hay cách khác, họ đều lấy tiền của người nghèo để giàu lên mà thôi.
Người đàn ông lặng im khi nghe câu chuyện, tôi dứt lời kể vẫn chưa thấy ông ấy nói gì.
Thầy trò tôi đứng dậy và chào: Cám ơn anh nhé, lần sau chúng tôi lại quay lại.

Tôi nghe từ vâng rất nhỏ phía sau lưng, tôi cũng rất buồn vì phải đi tìm một món quà khác để tặng bạn. Nghĩ mà bật cười, mình vừa kể cho ông ấy nghe câu chuyện: Người nghèo nhiều tiền hơn. Nhiều tiền hơn mà lại không mua được hàng, may mà ông ta không kịp trả đũa câu đó...