Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2013

LÀNG DỪA KHÓC BÁC

Hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đến viếng tại Cơ quân quân sự
Đoàn học sinh viếng Bác

Thứ Hai, 7 tháng 10, 2013

NHẬT KÝ LÍNH XA NHÀ



Tác giả: Bích Nhĩ            
             Lính ta có câu: “ Lính gần nhà bằng ba ông tướng”. Sao lại nói như vậy?

          Ấy là trong giới lính tráng xa nhà thường nói câu ẩn dụ “Gần nhà bằng ba ông tướng” để nói rằng không gì sướng bằng ở gần nhà với vợ con. Nói vậy cũng là có ý “so bì” một chút với mấy anh “Sĩ quan bàn chải”* và các bạn ở gần nhà một tí
          Nói đơn giản thế nhưng nó cũng hàm chứa rất nhiều vấn đề xã hội của những người lính thời bình.

          Đã là người lính thì thời nào mà chẳng gian truân, điều đó cũng là niềm tự hào của người lính. Lính thời bình cũng đỡ gian truân một chút, nhất là được ở gần nhà. Nói như vậy thì chẳng hay những người lính xa nhà sẽ không có được những điều mà “ba ông tướng”  nêu trên được hưởng? Đại loại có thể nói như vậy.

Tuy không ai nói được hết ra mọi điều cùng một lúc những tâm tư, đắn đo hay chịu đựng, nhưng tóm lại những người lính xa nhà luôn phải chịu những thiệt thòi ngoài ý muốn. Có ở trong cuộc mới thấu hiểu được, mỗi người ở một góc độ, hoàn cảnh khác nhau, gom lại có mấy vấn đề “không của riêng ai” thế này:

          Thứ nhất nói về đồng lương. Lính xa nhà luôn phải chi phí một khoản ít nhiều do cái xa nhà tạo nên. Cứ mỗi lần đi về, cho dù đi bằng phương tiện công cộng hay xe máy của mình, họ đều phải chi phí nhất định cho việc đi lại. Người xa thì tốn nhiều, người gần hơn thì tốn ít. Lâu lâu mới về thì thế nào cũng sắm tí quà bánh biếu cụ già, cho con trẻ. Nếu lâu hơn nữa mới về một lần thì cũng thể hiện một chút, mời ông bà, cha mẹ, anh em, bè bạn đến nhà chung vui hớp trà, chén rượu; âu cũng là tình cảm, cũng phải sắm sanh “vài mâm coi được” gọi là, đấy cũng là khoản phải chi phí cho dù là nghĩa, là tình.

Hôm nọ, có mấy anh xa nhà khi nghe được ý này cũng góp chuyện: Mình ở xa nhà, nếu làng xã, khu phố có việc gì cần đóng góp như đường sá, trường trạm, đình chùa, khuyến học, khuyến tài   các bác ở gần đóng theo định suất, còn lính xa nhà ngoài định suất ra có khi lại phải thêm một phần kêu gọi tài trợ, gọi là có công lao của người xa quê trở về.

Một anh khác cũng thêm ý kiến: Khi ở cơ quan, các bác gần nhà tối về cơm với vợ, bảo con học hành hoặc gác chân xem TV, xa nhà trống trải lại hò nhau đi quán, vại bia, con ốc, hạt lạc tìm vui. Vui thì có vui bạn, vui bè nhưng cũng lại hại sức khoẻ, tốn tiền bạc. Nếu có khách, các bác gần nhà đem khách về nhà nhờ vợ đi chợ, làm cơm, dù đạm bạc cũng vui vầy ấm cúng mà tiết kiệm. Mấy kẻ xa nhà có khách thì mời khách ra quán, có tiền thì quán sang, ít tiền cũng phải vầy vậy chứ ai dám ngồi nơi “bụi bặm”. Nếu quán sang thì giá trên trời, một suất ăn bằng cả mâm cơm ở nhà, tháng lương bay vèo trong chốc nhát. Có lưng túi còn đỡ, khổ nhất là túi hết tiền biết xử làm sao? Mấy bác gần nhà có nhỡ quá chén còn có vợ con chăm lo cho quả cam, cái quýt, mắc màn, đuổi muỗi; Mấy anh xa nhà có khi quá chén ngủ để cả dày, muỗi đốt no mòng không biết, nửa đêm ruột nóng như lửa, khát khô cổ họng tìm ấm nước có khi "rắn ráo" đã bò quanh.

Có khách cấp trên, chức nhỏ thì không liên quan, chức vừa vừa thể nào mấy anh xa nhà cũng được giao tiếp khách. Mấy bác gần nhà viện cớ này kia trốn mất, mấy anh xa nhà lại đóng Lê Lai, cứ thế vừa hại sức khỏe lại có khi mang tiếng hay rượu, hay chè lúc nào chẳng biết. Cơm xong, nếu khách có nhu cầu cà phê, cà pháo - thời nay thì cũng là nhu cầu lành mạnh- ấy vậy là vui vẻ mà đãi khách, hiếu khách chẳng ai lại tiếc mấy đồng lẻ làm gì. Ai còn báo cáo cơ quan chi khoản ấy để bị coi là hẹp hòi.

Cứ như thế, nhỏ góp thành to, mấy anh lính xa nhà nghe ra cũng tốn kém lắm, phiền phức lắm. Chả thế mà mấy chị vợ lính xa nhà khi được hỏi han, thế nào cũng có câu khoe: Nhà em, anh ấy có đồng lương rắc đường hết, khó khăn lắm bác ạ. Cũng có chị thì thào bảo: Hay là lại cho cô nào hết, chứ về túi chẳng thấy có dính đồng tiền bao giờ.

Thứ hai, nói về chăm lo cho gia đình, người thân thì quả thật ai cũng nhìn thấy rõ khổ cho cảnh lính xa nhà.

Người ta hay nói hài hước là: Mấy anh bộ đội xa nhà thì “nuôi con bằng kẹo, dạy con bằng thư”. Quả cũng đúng thật. Lâu lâu bố về, con nhỏ thì có cái bánh, cái kẹo, con lớn có khi chẳng có cũng không sao, ấy là nuôi con bằng kẹo. Ngày xưa thì thi thoảng biên thư cho vợ, tiện thể dạy con; ngày nay có điện thoại thì tiện thể gặp con dặn dò con học hành chăm chỉ, ngoan ngoãn. Con nó nghe còn may, đứa được ông bà hoặc mẹ nó nuông chiều, nó vâng cho qua quýt rồi vẫn chát chit, game online bỏ học như thường, rồi dối quanh nhiều lần thành quen miệng, bố chẳng biết đấy là đâu. Khi về tranh thủ vài ngày chẳng lẽ lôi con ra mắng mỏ; nhắc nhẹ thì con chẳng nghe, quát tháo, roi vọt sợ mất tình cha con phỏng có ích gì.

Con cái học hành thế nào cũng chưa chắc đã biết, lúc họp phụ huynh đã đành vắng bố thì có mẹ. Cũng có anh vợ phải đi làm ca làm kíp, ông bà thì già cả, đành thuê bác xe ôm đóng giả làm bố đi họp cho con. Cũng may thầy cô không nhớ hết mặt phụ huynh, nếu không lại hỏi sao mỗi lần một ông bố khác nhau. Ông hoặc bà còn khỏe đi họp thay, khi về mẹ cháu hỏi điểm rả của cháu ra sao thì ông (bà) lại bảo: Nghe mãi chả thấy đọc đến tên cu Tít nhà mình. Mẹ cháu ngớ người một lúc mới hiểu ra: Thôi chết, con quên không dặn ông (bà), Cu Tít là tên ở nhà, đến trường cháu tên là Nam cơ mà ông (bà) ạ.

Trong một năm, vợ và con thể nào chẳng có vài ba ngày sinh nhật, chưa kể đến ngày cưới, tết trung thu, ngày lễ lạt của chị em, những ngày đó rất quan trọng để củng cố tình cảm gia đình nhưng nó đâu có chọn cả vào ngày nghỉ hay ngày phép, gặp thì may, chứ thường xuyên xuất hiện hai từ: Vắng bố. Có khi hứa với con sẽ về mua quà có khi hóa ra nói dối trẻ con. Cho nên mới có câu:

“Vắng bố không quà cũng không hoa

Trăng rằm tròn mấy cũng rất xa

Xưa bố treo trăng nơi đầu súng

Nay trăng theo bố lại vắng nhà

Lỡ hứa bố bỗng thành chú Cuội

Đèn lồng đành để dưới gốc đa

Chỉ trách chị Hằng sao vụng thế

Chẳng đến mang trăng ghé qua nhà”

Có lần anh bạn tôi bảo, đơn vị có hộp bánh trung thu mua tặng con ở nhà, nhưng một bác gần nhà (chắc cũng vụng như chị Hằng) lại bảo: Cậu trực nhé. Thế là "trung thu" lại tiện tay cho vào ngăn kéo (tưởng rằng kín), quên bẵng đi, hôm sau lôi ra định bụng tặng cho con mấy anh bạn gần nhà thì chuột đã xơi mất mỗi chiếc một góc rồi, thế là trăng khuyết.

Còn chuyện tình cảm, ai mà chẳng muốn gần gũi vợ chồng. Cảnh lính xa nhà quanh năm chăn đơn gối chiếc, vợ nhớ chồng ôm con thút thít, chồng nhớ vợ lấy việc làm vui, nếu không thì lại tìm bạn uống trà, đánh cờ chí chát thâu đêm. Có mấy anh đi tranh thủ, khi về đơn vị, người ta hỏi vui chuyện vợ, chuyện chồng thì cứ lắc đầu cười nghẹo cả cổ: Vợ treo cờ trắng ra hàng ông ạ, chẳng biết đến hôm nào mới lại được về.

Cả thời tuổi trẻ muốn gần gũi thì luôn cách trở, khi nghỉ hưu thì chả mấy thành ông bà lão cả rồi. Con cái nó bắt đi bế cháu, thế là con nó lấy vợ là mình mất con, con nó có con là mình mất vợ, một lần nữa chồng lại mất vợ, vợ lại mất chồng.

 Trong đời sống hàng ngày, ôi thôi biết bao thứ trong gia đình phải có người đàn ông mới lo được, như là: Cái máy bơm hỏng, ổ điện chập, ống nước tắc, van nước hở, hoặc có cái giấy cái tờ liên quan với xã, với phường… mấy anh gần nhà tranh thủ về xử lý được ngay, đằng này mấy anh xa nhà thì mọi thứ đổ lên vai người phụ nữ, không biết thì đợi chồng về hoặc nhờ hàng xóm. Người ta nói: “Vắng đàn ông quạnh nhà, vắng đàn bà quạnh bếp” quả không sai. Ấy là chưa nói đến những đôi chẳng may, vợ ở nhà nhờ anh hàng xóm sửa hộ máy bơm, ổ điện, van nước, dần dà thành quen, thiếu kiên trì tặc lưỡi không giữ được chung tình, đồ sửa được nhưng người đâm ra hỏng, từ đó vợ chồng mai một, gia đình li tán. Chưa nói đến việc anh chồng biền biệt xa quê, nhớ vợ không kiên trì gìn giữ rồi dẫn đến quên tình, gửi gắm nhân ngãi chỗ này, chỗ khác, vợ mất chồng, chồng mất vợ, bố mất con lại còn lĩnh án kỷ luật, sự nghiệp dở dang, cuộc đời dang d.

Đã ngẫm thì hay ngẫm đến tận cùng. Gần nhà nếu có vợ con, ông bà, tứ thân phụ mẫu ốm đau, dù cấp chức có nho nhỏ thì cơ quan cũng sắm chút quà tới thăm nom đầy đủ. ở xa nhà, phải là trường hợp có vai có vế một chút thì hoạ may thăm nom chu đáo được, chứ chức tước tầm tầm hoặc con con, ti tí thì cũng chẳng nói với cơ quan, đơn vị, đồng đội làm gì, cho nên lẽ thường cũng khó mà cơ quan, đơn v cất công đến thăm nom được. Khi còn công tác, chuyện hiếu hỉ, giỗ chạp của người ta thì đến không thiếu cuộc nào, quà cáp, lễ lạt tinh tươm; mấy anh xa nhà đến khi về nghỉ, nhà có việc, cơ quan chẳng có một ai, bởi xa quá muốn báo cũng ngại, báo thì thực tế người ta cũng không về được, thành thử việc buồn, việc vui cũng đều gọi là “giấu diếm” cả.

Nói về công việc: Gần nhà các bác vào làm việc sớm một chút buổi sáng thì được coi là tích cực, có bác lại còn khoe thành tích: Ngày nào tớ cũng vào sớm. Xa nhà ở cơ quan làm việc thâu đêm chẳng ai biết đấy là đâu. Xin tiết lộ là quân địa phương thì chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện xin nghỉ phép, cũng chẳng phải vi phạm qui định gì đâu, đơn giản vì công việc lu bù quanh năm suốt tháng thôi, hơn nữa mấy bác gần nhà có nghỉ phép đâu mà mình ngh. Mấy anh gần nhà được linh động cho về ăn cơm với vợ, lâu ngày thành quen cứ tưởng rằng đó là chế đ đương nhiên, thế là bốn giờ, bốn rưỡi chiều là "tút" mất, không cần hỏi ai, thậm chí có về đến nhà hay không đôi khi cũng còn chưa biết. Mấy anh xa nhà cứ đi khỏi doanh trại là phải xin phép cấp trên, đó là qui định, không hỏi sẽ bị phê bình; Loanh quanh trong đơn vị mà ít chơi thể thao thì được coi là lười, đi ăn cơm đúng giờ thì bị coi là "ngậm tăm" sớm.

Gần nhà ngủ đến sáu giờ, sáu rưỡi, bẩy giờ kém mười túc tắc vào đơn vị, chẳng ai nói gì, thậm chí đã có người quétớc tinh tươm, pha trà sẵn rồi chỉ việc uống. Mấy bác xa nhà dậy từ 5 giờ sáng, tập thể dục, dọn vệ sinh; ấy thế mà mà hôm nào yếu người không ra tập được là trực ban ghi tên ngay, giao ban cuối tuần thế nào cũng được nêu gương. Tự nhiên thành ra người không gương mẫu.

Bộ đội thì lẽ thường tình là phân công công tác ở đâu, làm gì là tuyệt đối chấp hành, có lệnh là đi, tư thế sẵn sàng. Mấy anh xa nhà, cấp trên điều đi đâu cũng sẵn sàng, vui vẻ bởi đã xa rồi có xa nữa cũng chẳng sao (lợi nhất cái này); ấy vậy nhưng có một số bác gần nhà, hễ nghe điều đi hơi xa một tí, nếu bổ lên chức thì nhận, nhưng cũng vẫn lăn tăn, kể bổ cho mình ở gần gần được thì tốt. Thế còn nếu điều ngang thì nháo nhào cả lên như chạy lụt, cạy cục, nhờ cậy, điện đóm, khóc từ dưới khóc lên, ép từ trên ép xuống, ôi thôi thì đủ sách hoãn binh, đưa cả vđến để khóc hộ mình với thủ trưởng.

Gần nhà về ngủ với vợ cả tháng chẳng sao, xa nhà về tranh thủ chủ nhật một tháng đôi lần thì được coi là “chú ấy hay về lắm”. Ấy là mấy anh “địa phương quân” chứ nếu ở đơn vị chủ lực thì phải vài ba tháng mới được tranh thủ một lần, mỗi lần chỉ được 3 ngày, nếu lên đến bốn, năm ngày sẽ trừ vào phép năm. Cũng có anh sĩ quan trẻ tâm sự: đơn vị, mình tích cực là thế, đêm đêm có lệnh là đi, tư thế sẵn sàng, chữa cháy rừng, chống lụt, cứu nạn cho dân lúc nào cũng lên đường trước tiên, nhưng hễ cứ mỗi lần lên xin đi tranh thủ là y như rằng thấy thái độ của chỉ huy không thích lắm, nhất là mấy thủ trưởng gần nhà. Chỉ mỗi cái tội ấy thôi mà chẳng mấy khi được coi là hoàn thành tốt nhiệm vụ. y là chưa nói có một số bác gần nhà lại còn bày ra cái sách giao ban vào 15 giờ ngày cuối tuần cho trọn vẹn. Thế là mấy chú được về tranh thủ thăm vợ, hạ cánh tại quê nhà tận nửa đêm, vợ đợi chồng cơm canh nguội ngắt, con đợi bố ngủ ngặt trên tay. Chưa nói có bác gần nhà “không có việc làm hay sao ấy” lại bày ra họp hành vào chiều thứ bảy hoặc sáng chủ nhật cho nó rộng dài, mấy anh xa nhà vướng vào sách ấy cứ ngậm bồ hòn mà không dám kêu đắng, có cho v cũng chẳng dám về, về rồi thì bị gọi giật ngược trở lại. Nghĩ mà thương thật.

Khi tâm sự, cũng nhiều thủ trưởng hiểu hoàn cảnh và cảm thông với mấy anh lính xa vợ, xa con, quan tâm, động viên, an ủi. Tuy thế, cũng có người vô tình khi nghe mấy anh xa nhà tâm sự thì cho là kêu ca rồi buông câu xanh rờn: “Sao các ông không chuyển vợ con ra đây mà ở cho gần”.

Đành rằng là thế, ở các đơn vị cũng có nhiều sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp hợp lý hoá được nơi ở cho gia đình nên xa đã trở thành gần. Nhưng hoạ ra có “địa phương quân” thôi, chứ đơn vị chủ lực, rày đây, mai đó biết có ổn định không mà hợp lý hoá. Hơn nữa, nơi đóng quân thì thường ở những vùng heo hút núi đồi, điều kiện mọi mặt đều khó khăn, thiếu thốn, ai dám bỏ chỗ này thay chỗ khác. Vả lại, kể cả ở địa phương quân cũng có người có điều kiện một chút mới chuyển được, có người lực bất tòng tâm, vợ bìu con ríu, tiền bạc trông cả vào đồng lương ít ỏi, bán nhà ở quê chỉ mua được một vài mét vuông đất thị thành, lo chỗ học cho con còn khó, lo việc cho vợ liệu có được không, hay lại cảnh bớ bíu rồi đi mắc núi, trở lại mắc sông, ảnh hưởng đến công việc thêm phiền.

Trong cuộc đời quân ngũ, nếu mấy bác “bàn chải” phải cố gắng một thì mấy anh “chăn đơn” phải cố gắng mười. Thế nhưng, cho dù biết “gần nhà bằng 3 ông tướng” mấy anh mang kiếp xa nhà cũng cứ chào thua.

Tôi viết mấy dòng này chỉ mong rằng những ai làm lãnh đạo, chỉ huy hãy thực sự hiểu tận tường mọi nhẽ để xử lý mọi việc cho cân, còn mấy bác gần nhà cũng thông cảm, thấu hiểu mà sẻ chia, sống có nghĩa, có tình với những người lính xa nhà với nhé. Tuy nhiên nói là nói thế để chia sẻ cái nhọc nhằn cho văn nghệ tí chút mà thôi, mấy anh lính xa nhà cũng đừng vì thế mà so bì, tị nạnh, đòi hỏi mà nó mất cái thiêng liêng của người lính chúng ta đi. Sống phải biết chấp nhận thực tế, quảng đại, nỗ lực để vươn lên.


*Sĩ quan bàn chải: Cách nói hơi tế nhị một chút đặt cho mấy anh hay được ngủ cạnh vợ.