Thứ Năm, 27 tháng 9, 2012

Món ngon quê tôi: Cuốn hở

Nguyên liệu:
          -Thịt tai lợn: 2 đến 3 lạng.
          -Hành tươi cả cây, củ nhỏ: 4 lạng. (Nếu củ to thì chẻ đôi).
          -Rau mùi, rau răm, mùi tàu.
          -Cà rốt 1 củ.

          Cách chế biến:

          Thịt tai lợn luộc chín, giòn. Khi để nguội thái con chì.
          Hành bỏ vào luộc. Nước sôi luộc phần củ trước khoảng 1 phút, sau đó nhúng phần lá vào, vừa chín vớt ra. Mục đích để củ chín mà lá không chín kỹ quá, đỡ dai.
          Rau mùi, rau răm, mùi tàu rửa sạch, vẩy khô.
          Cà rốt thái hoa trang trí xung quanh đĩa cho đẹp.
          Pha nước mắm vừa ăn, rắc tiêu (Cũng có người thích nước mắm nguyên chất)
          Khi hành vừa nguội, đặt 1 miếng thịt tai, một ít rau thơm vào cạnh củ hành, đưa phần lá hành cuốn vòng tròn xung quanh vừa chặt.
          Bày lên đĩa đã xếp cà rốt.

          Cảm quan:
          Rau xanh, củ trắng, thịt giòn, cà rốt đỏ trông đẹp mắt. Chấm nước mắm dậy mùi thơm. Đơn giản mà rất thơm ngon.

Kịch ngắn: Cây Chay

Trung Trịnh

Nhân vật:
- Doanh: Kỹ sư công trường.
- Hợp: Công nhân lái máy gạt.
- Đặng: Bộ đội Công binh.
- Bà Mẹ Thính.
- Vai phụ Trần Chiến Thắng trong Video Clip

(Màn mở -video clip- hình ảnh máy ủi, máy xúc đang làm việc. Trên máy là Hợp- Công nhân lái máy. Ngoài sân khấu, Doanh quản đốc công trường tay cầm cặp tài liệu và bản đồ thi công gọi to).
Hợp ơi…tạm dừng một lát xuống đây tớ bảo
Hợp: (Ngồi trên máy nói vọng xuống- Cận cảnh) Có việc gì thế hả xếp Doanh.
Doanh: Cậu không nhìn thấy gì kia à?
(tiếng máy gạt nhỏ dần và tắt hẳn hợp mới xuất hiện trên sân khấu).
Hợp: Nhìn thấy gì thưa xếp?
Doanh: Sát mép đường, cạnh vườn nhà người ta có cây chay như thế kia mà cậu cứ thế gạt, nó vướng vào cành, bật rễ đổ cây thì gay to chứ tưởng;
Hợp: Em cứ tưởng cây chay này là mình đã đền bù xong rồi thưa xếp?
Doanh: Thế thì nói làm quái gì? May mà tớ đến kịp, chậm một tí nữa thôi thì không biết đằng nào mà gỡ?
Cậu xem đây này? (Mở bản đồ chỉ vào vị trí cay chay và nói). Cậu xem! Cây Chay này, nó nằm ở đất nhà người ta, nhưng lại ở sát mép đường, nó không thuộc diện đền bù mà rễ và cành của nó đua ra ngoài, nếu để thì không thể thi công được, nếu gạt đến đó nó mà bật gốc, gãy cành đổ ra là phức tạp đấy.
Hợp: Dạ báo cáo xếp, nếu đoạn đường này mà không giải phóng được cây Chay kia đi thì không thể thi công được, hơn nữa lại sắp đến mùa mưa bão, xếp dự tính thế nào? Máy của em cứ nằm uột ra đây không ngóc ngách gì được, chết em à?
Doanh: (Tay vừa gấp bản đồ vừ nhìn Hợp) Thế tôi mới cần đến cậu!
Hợp: Hay theo em, xếp cứ đến gặp Bà cụ đặt vấn đề liệu có được không?
Doanh: Thế cậu định đặt vấn đề như thế nào?
Hợp: Theo em chẳng có gì là phức tạp cả? Cứ thế “này này”… là xong ngay đấy mà? (Hai ngón tay vê vê vào nhau ra ý xỉa tiền)
Doanh: Hợp này! Tớ thấy Bà cụ mấy ngày nay có điều gì là lạ! Từ hôm Phòng tài nguyên của địa phương xuống đo và cắm mốc địa giới đoạn đường bàn giao cho mình thi công, mình thấy bà cụ ngồi cả ngày bỏm bẻm nhai trầu không nói không rằng, mắt nhìn ra cây Chay, tớ hỏi Bà cụ cũng chẳng trả lời, quay vào lại nhai trầu bỏm bẻm,  hay là ….?
Hợp: Úi dời, già rồi lẩm cẩm đấy mà!
Doanh: Mà Hợp này? Mọi ngày tớ thấy cậu cũng dẻo mỏ, công tác dân vận cũng khớ đấy, theo tớ cậu vào gặp Bà cụ đặt vấn đề xem có cho mình chặt cây Chay đi không?
Hợp: Xếp ơi! Công tác dân vận bây giờ chỉ là một phần thôi, quan trọng là cái này này (tay vê vê ngón tay vào nhau giơ cho Doanh xem), “Tiền, tiền” là Ô văn kê xếp ạ! Dân vận bằng nước dãi không thôi là dân giận ngay.
Doanh: Thế tôi mới gọi cậu ! Thôi được rồi, cứ coi như tớ nhờ cậu đi, tớ dặn trước: vào đặt vấn đề với Bà cụ nhưng không được vung tay quá trán đấy, tiền thì tiền, nhưng không phải vỏ hến đâu, xong việc tớ sẽ đãi cậu một chầu bia.
Hợp: Xếp nhớ đấy nhá!
Doanh: Được rồi, được rồi, cứ xong việc đã.
Hợp: Xếp vào cùng với em cho nó tăng phần quan trọng (Kéo tay, cả hai cùng vào).

CẢNH HAI
(Bà mẹ ngồi bên cái chõng tre, miệng nhai trầu, bên cạnh có hộp đựng trầu, bên góc sân khấu là một ngôi nhà ngói đơn sơ. Doanh và Hợp xuất hiện, Hợp vào trước).
Hợp: Dạ, chúng cháu chào Bà ạ! (Không thấy Bà cụ nói gì!).
Doanh: Da, chúng con chào Bà ạ!
Bà mẹ Thính: Không dám, chào hai chú!
Doanh: Chúng con muốn vào thưa chuyện với Bà về cây Chay của gia đình ta ạ.
Bà mẹ Thính: Chú nói chuyện..., ăn giầu thuốc thì bao giờ chả cay.
(Doanh và Hợp nhìn nhau thất vọng lắc đầu)
Hợp: Dạ không phải như thế đâu Bà ạ.
Bà mẹ Thính: Ừ, trong nhà có ghế đấy cứ lấy ra mà ngồi…
Hợp: Thôi đi tong rồi xếp ạ, Bà cụ điếc lòi điếc lõi như thế này thì có mà vận động đến sáng mai.
Bà mẹ Thính: Mà các chú đến có việc gì, nếu có việc thì các chú phải nói to lên chứ Bà già rồi tai nghễnh ngãng chả nghe được gì đâu.
Hợp (Vừa nói to, vừa ra hiệu): Bà ơi, cây Chay của Bà ở sát mép đường, sau này rễ của nó sẽ ảnh hưởng đến con đường đang làm, Bà để chúng cháu chặt đi, chúng cháu trả tiền cho Bà đàng hoàng Bà nhé!
Bà mẹ Thính: (ngước nhìn cây Chay rồi hỏi) Thế các chú định trả tôi được bao nhiêu?
Hợp: (Đưa tay lên ra hiệu) Chúng cháu trả Bà hẳn một triệu đồng.
Bà mẹ Thính: (lắc đầu không vừa lòng) Nếu vậy, thì các chú về nhà các chú mà chặt, đừng chặt cây của tôi.
Hợp: (liếc nhìn sang Doanh rồi trả lời) Triệu rưỡi được không Bà? Giá chót rồi đấy.
Bà mẹ Thính: (Không nói gì, tỏ vẻ không vừa lòng).
Doanh: (sốt ruột chen vào) Bà ơi, cháu trả Bà hẳn hai triệu…
Hợp: Chỉ có thế thôi, không cao hơn được nữa đâu, Bà ạ.
Bà mẹ Thính: (nhìn Doanh và Hợp trong giây lát không nói gì, đứng dậy đi vào trong nhà)
Doanh: (vẻ tiếc nuối, đi theo Bà mẹ thêm mấy bước và quay ra với vẻ bực tức …mắng Hợp)
Không xong rồi, đấy cậu cứ khoác lác, lẻo mép, cứ tiền, tiền là xong đấy ! Mọi hôm tớ thấy mồm miệng cậu như tôm như tép, hôm nay văn vẻ cục cằn thô lỗ chẳng được cái tích sự gì, thế mà chưa chi đã bia với bọt, bực hết cả mình.
Hợp:  Ơ hay nhỉ, việc này đáng lẽ là của anh, không xong cũng vẫn là việc của anh, em chưa nói xong anh đã đế vào, sao lại còn mắng em?
 (suy nghĩ giây lát, Hợp tiếp lời) À, mà em nghĩ ra rồi!
Doanh: Cậu thì nghĩ được cái trò gì?
Hợp: Ạnh Đặng!
Doanh: Đặng nào?
Hợp: Anh Đặng Bộ đội Công binh ấy!
Doanh: Công binh thì làm sao? Liên quan gì?
Hợp: Chưa nói anh đã chặn. Thì anh em mình tới đó, nhờ anh ấy nói với Bà cụ giúp cho.
Doanh: Tưởng gì? Tay Đặng cù lần ấy thì làm sao nói Bà cụ nghe được.
Hợp: Anh không biết đấy thôi, mấy lần đi làm qua em thấy anh ấy ngồi trò chuyện với Bà cụ thân mật lắm, cứ thử xem, biết đâu anh em mình đến nhờ anh ấy giúp lại thành công thì sao?
Doanh:  Thôi đành vậy, duyệt “cái thử xem” của cậu tác dụng đến mức nào, may ra được thì tốt? Nào chúng ta đi.
Hợp: Vâng, ta đi thôi anh!


CẢNH BA
(Video clíp: Cảnh đơn vị đang tổ chức luyện tập,  Đặng đang duy trì đơn vị tập luyện bài võ thuật có súng, dàn đội hình, thu đội hình; Doanh và Hợp bước vào).

Hợp: Xếp ơi, anh Đặng đang cho đơn vị luyện tập anh ạ.
Doanh: Hợp này, tưởng tay Đặng cù lần, thế mà hôm nay hô hét cứ gọi là răm rắp ấy chứ, oách ra trò.
Hợp: Đấy, em đã nói rồi. (Vẫy vẫy tay gọi to) Anh Đặng ơi!!!
Đặng: (Từ trong đội hình, thoáng nhìn thấy Hợp và Doanh đến, Đặng hô to: Đồng chí Trần Chiến Thắng.
Chiến: có.
Đặng: Đồng chí thay tôi tiếp tục duy trì đơn vị luyện tập.
Chiến: Rõ.)
Đặng:  (Bước ra khỏi khuôn hình, hình ảnh bộ đội luyện tập mờ dần, thay vào đó là pa nô màu đỏ: Vì nhân dân quên mình.Đồng thòi từ trong cánh gà ra sân khấu)
Chào các nhà doanh nghiệp trẻ, sao bảo công việc dạo này bận rộn vất vả, vắt chân lên cổ để kịp tiến độ, thế mà vẫn có thời gian rỗi đến đây chơi với tớ thế này à?
Doanh: (Nói giọng nửa đùa nửa thật) Thủ trưởng ơi, chúng em làm gì có thời gian rỗi mà đi chơi. Hôm nay đến là nhờ Thủ trưởng gỡ cho chúng em quả bom đây!
Đặng: (giật mình) Chết, làm ở chỗ nào mà có bom, nguy hiểm lắm đấy, sao không điện ngay cho tớ.
Doanh: Nguy hiểm thì không, nhưng mà khó nhai lắm, bọn em đã thử gỡ rồi nhưng không làm sao gỡ được.
Đặng: Chết, chết, sao các anh lại động vào bom, thấy bom mìn dù đang làm gì cũng phải sơ tán, kể cả những người ở khu vực xung quanh và lập tức báo ngay cho chúng tôi biết chứ, sao các anh lại liều thế?
Doanh và Hợp (cười phá lên, Doanh nói): Anh ơi, không phải bom của anh, mà  bom là bom của chúng em, nhưng phải nhờ đến anh, mà chỉ có anh mới gỡ được thôi.
Hợp: Đúng vậy đấy anh, anh xem thế nào đến gỡ rối giúp cho chúng em với, không thì gay to anh ạ.
Đặng: Thế mà các cậu làm tớ giật thót cả mình, sao bom mìn thế nào, nói cho tớ nghe xem nào?
Doanh: Thế anh còn nhớ Bà cụ điếc ở ngã ba thôn Hải Xuân không?
Đặng: Thôn Hải Xuân à, à Bà mẹ Thính!
Hợp: Chính xác, Bà cụ điếc lòi điếc lõi thế mà lại tên là “Thính” nhỉ.
Đặng: Các cậu đừng nói thế phải tội, Mẹ là người tốt, thương người và thương Bộ đội lắm đấy.
Doanh: Thế sao Cụ khó thế, có cây Chay ở cạnh mép đường, chúng em đến đề nghị xin Cụ chặt đi và trả tiền Cụ đàng hoàng. Thế mà Cụ dứt khoát không nghe.
Hợp: Đúng vậy đấy anh ạ, anh xem đến giúp cho bọn em với.
Đặng: Các cậu nói thế nào ấy chứ, tớ thấy Mẹ không khó thế đâu, thường thì mẹ lấy rễ cây chay để ăn trầu, nhưng quả thì Mẹ cho khắp xóm kho cá, (Nhắc lại) chứ Mẹ không khó đến thế đâu.
Doanh: Đúng là bà cụ từ chối thật mà, anh xem thế nào đến gỡ giúp cho chúng em không thì gay to, nếu không thì không bảo đảm tiến độ bàn giao công trình cho địa phương, hơn nữa lại sắp đến mùa mưa bão rồi, anh ạ. Cứ nằm ì ra thì chết tiền anh ạ.
Đặng: Thôi được, để tớ vào hỏi ý tứ Mẹ xem thế nào.
Doanh và Hợp: Được thế thì còn gì bằng, vậy ta đi thôi anh.

CẢNH BỐN
(Cảnh  nhà Mẹ Thính)
Đặng (Thấp thoáng trong cánh gà): Mẹ Thính ơi, Mẹ Thính! Mẹ có nhà không ạ!
Bà Mẹ Thính: (Bà Mẹ đi từ trong nhà đi ra tay chống gậy, tay cầm cối giã trầu vừa đi vừa nói) Tiếng ai như tiếng thằng Đặng Bộ đội Công Binh đến ấy nhỉ?... (Đặng xuất hiện) đúng là Đặng phải không con?!
Đặng: Con chào Mẹ, Mẹ vẫn khoẻ chứ ạ?
Bà Mẹ Thính: Mẹ khoẻ, nhà có một mình, mẹ đâu có dám ốm đau gì. Cha bố anh, sao lâu lắm không thấy anh đưa bộ đội đến chơi.
Đặng: Con bận quá Mẹ ạ, đơn vị con đang mùa huấn luyện lại vừa phải rà phá vật cản, bom mìn để làm đường nên con chưa có thời gian tới thăm Mẹ được.
Bà Mẹ Thính: Ừ, bộ đội bận là phải, mấy hôm nay khí hậu oi bức quá, trước nhà, họ đang thi công đoạn đường liên thôn. Gớm, tiếng máy xúc, máy gạt gì mà nó cứ chan chát, cành cạch ầm ĩ suốt cả ngày lẫn đêm làm mẹ không sao mà ngủ được. Ờ nhưng mà mẹ cũng thấy vui tai con ạ.
Đặng: Người ta làm đường thì nó ồn ào một chút, Mẹ cố gắng nhé để rồi có đường mới vừa đẹp, vừa sạch sẽ hơn…
À, Mẹ ơi, sắp đến ngày giỗ anh Tâm rồi Mẹ nhỉ?
Bà Mẹ Thính: Ừ, hôm nào giỗ thằng Tâm con bảo mấy anh em trong đơn vị ra ăn cơm với Mẹ nhé?
Đặng: Mẹ ơi, con xin phép vào thắp cho anh Tâm nén hương Mẹ nhé?
Bà Mẹ Thính: Ừ, con vào đi.
Đặng: (Đặng thắp hương xong đi ra, nhìn bà Mẹ nói …nét nhạc buồn) Mẹ ạ, mỗi lần đến thăm Mẹ như thế này, con như vơi đi nỗi nhớ Mẹ con ở quê, đợt này được nghỉ phép nhất định con sẽ đón Mẹ con ra chơi với Mẹ, có được không Mẹ?
Bà Mẹ Thính: Ừ, con đón Bà cụ ra đây chơi để chị em mẹ biết nhau.
Đặng: Vâng ạ! À, Mẹ này…
Bà Mẹ Thính: Gì thế con?
Đặng: Con đường này làm qua đây sẽ đẹp lắm mẹ nhỉ. Nhưng mà hình như anh em làm đường đến đây lại vướng mất cây chay nhà mình, cây chay lại ở sát mép đường, sau này nó sẽ ảnh hưởng đến con đường.
Mẹ đã kể với con về cây chay này, kỷ niệm còn lại duy nhất của anh Tâm trồng cho mẹ trước khi lên đường nhập ngũ...
Nhưng mà việc lại rất cần, hay là mẹ xem có thể giúp người ta giải quyết vấn đề để làm đường mẹ ạ .... Anh Tâm, Mẹ còn đem cho Đảng, cho Nước được … (Nhạc tâm trạng).
Bà Mẹ Thính: (Nhìn Đặng suy tư chậm dãi nói) Mẹ biết, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, của địa phương về xây dựng nông thôn mới. Mẹ già rồi không làm được gì, mẹ cũng muốn đóng góp một ít công sức với mọi người mà chỉ phiền nỗi sức yếu không làm được.
Nói như con thì đã chẳng có chuyện gì, chứ còn như mấy chú làm đường ấy, sáng nay có đến gặp mẹ, các chú ấy đặt vấn đề mua của mẹ cây chay chặt đi để làm đường. Các chú ấy trả mẹ một triệu, rồi hai triệu.
Mẹ buồn lắm Đặng ạ, sao bây giờ cái gì người ta cũng quy ra tiền bạc? Tiền bạc làm ra là quí. Nhưng một mình mẹ ăn uống là bao, có tiêu pha gì đâu, mẹ có trợ cấp của nhà nước, có xóm làng đùm bọc, có các con giúp đỡ.  Mẹ buồn vì các chú ấy coi thường mẹ quá, mẹ không bằng lòng. (Đứng lên, đi vài bước lên phía trước)
Thằng Tâm - mẹ đứt ruột đẻ ra, ông ấy không may mất sớm, mẹ nuôi nó một mình, nó chưa đầy 18 tuổi đã viết đơn tình nguyện đi giết giặc cứu nước, mẹ không giữ, mẹ đem nó cho Đảng để tham gia kháng chiến, ra chiến trường đánh thằng giặc Mỹ. Vì Tổ quốc nó đã hy sinh, mẹ đau như đứt từng khúc ruột, nhưng vì Nước vì non nên mẹ đau mà không tiếc, thì bây giờ mẹ  tiếc gì cây Chay hả con? Một cây chứ cả mười cây chay mẹ cũng cho.  Mẹ lấy tiền của các chú ấy để làm gì cơ chứ?
Đặng:  (Lặng người đi) Vâng ạ, chúng con đã không hiểu hết tấm lòng của mẹ, bây giờ thì con đã hiểu. Con thay mặt anh em, xin lỗi Mẹ và mong Mẹ tha thứ cho anh em chúng nó.
Mẹ ạ, anh em chúng con còn trẻ chưa nghĩ được gì nhiều đâu.
Doanh và Hợp: (Từ nãy đứng ngoài xa vội mà ngập ngừng bước vào) Mẹ ơi, chúng con đã hiểu cả rồi, chúng con có lớn mà chưa có khôn, chúng con thành thật xin lỗi Mẹ, mong Mẹ tha thứ cho chúng con, mẹ nhé.
Bà Mẹ Thính: (Trầm tư quay vào ghế) Bà con nhân dân mình có nhiều người tốt, cho dân, cho Nước chẳng tiếc gì đâu các con ạ. Kể cả phải hi sinh những điều lớn lao, to tát hơn nhiều ấy chứ.
 Ừ, các con đã nghĩ được như thế là mẹ mừng lắm rồi. Mẹ không tha thứ cho các con thì còn tha thứ cho ai.
Thôi, bây giờ các con ra chặt cây đi để mà làm đường cho kịp bàn giao công trình.
À, mà này, nghe mẹ dặn, rễ cây thì các con mang về đây cho mẹ, để mẹ biếu các bà cụ hàng xóm ăn trầu các con nhé. Đặng, (Đặng: Dạ) Con bứng lấy một đoạn rễ cây chay tốt, ươm vào phía trong vườn giúp mẹ.
Đặng: Chay trồng bằng rễ à mẹ?
Bà Mẹ Thính: Cha bố anh, chay là phải ươm bằng rễ con ạ.
Đặng, Doanh và Hợp: Vâng ạ, chúng con cảm ơn Mẹ, chúng con đi làm ngay đây Mẹ ạ.
(Doanh bắt tay Đặng) Chúng em cũng xin lỗi anh và cảm ơn anh Đặng. Chúng em triển khai ngay đây!
Cùng nhau chào khán giả!

Hạ màn