Thứ Ba, 31 tháng 7, 2012

Hãy hỏi tôi trước khi nói hộ


Tôi suýt nhảy dựng lên khi đọc thấy tên mình trên mặt báo.
Nhà báo hoàn toàn có ý tốt khi lấy tên tôi để mở đầu cho một đoạn văn rất nghiêm trang. Thế nhưng tôi lại chẳng yên tâm chút nào khi người viết dùng văn chưa thật đúng cho một vấn đề rất đáng được trân trọng.
Trong tờ QN cuối tuần ngày 29/7/2012, khi nói về chuyến thăm của Đoàn cán bộ chúng tôi đến viếng các Liệt sĩ tại Nghĩa trang Trường Sơn và Nghĩa trang Đường 9 có viết: Đồng chí Nguyễn Tr …. Phó Chính ủy ngẹn ngào nói: “ … có những trận đánh chiến sĩ ta hi sinh gần hết, xác chồng lên xác”.
Câu văn ấy làm cho tôi không thấy yên lòng.
Thứ nhất: Không có một người phó chính ủy nào khi nói về đồng đội hi sinh lại tả bằng một giọng ngẹn ngào. Bởi đây là những cái hi sinh bi tráng không phải bi thương, sự hi sinh của các liệt sĩ là sự oanh liệt và đáng giá cho một nền hòa bình độc lập của Dân tộc. Là người cán bộ của thế hệ sau này nhưng cũng đã từng kinh qua một thời bom đạn, chứng kiến những hi sinh, mất mát trên chiến trường, có chăng khi nói về những hi sinh, mất mát đó phải nói bằng một giọng rất nghiêm trang và trầm xuống. Đó là một cái khóc trong sâu thẳm tâm can gang thép của người lính.
Thứ hai: Khi nói về sự hi sinh của đồng đội mình, không thể nào nói xác chồng lên xác được. Mỗi một cái chết của người chiến sĩ trên mặt trận đều mang một chiến công, một dáng dấp, đó là những hi sinh vô cùng lớn lao, cao cả. Họ hi sinh trong khi đang chiến đấu, hi sinh bên nhau nhưng là trong sự hiệp đồng, có thể họ che chở cho nhau, hứng bom đạn cho nhau và lớn lao hơn là cho Tổ Quốc, cho Dân tộc. Khi nói về họ, nếu là tôi nói, tôi sẽ nói rằng, thi thể của họ ngã xuống dầy đặc đất này, lẫn vào lòng Tổ quốc và vun xới cho màu xanh của mặt đất, bầu trời hòa bình, độc lập hôm nay.
Xin cám ơn nhà báo đã có ý tốt, nhưng nếu cho tôi nói hãy hỏi tôi nói gì thì tốt hơn là nói hộ.