Thứ Ba, 23 tháng 5, 2017

CÁI CỐI GẠO



           Nhà tôi cũng như mọi nhà trong xóm đều có một các cối xay lúa. Thầy tôi thường để ở chái nhà hướng đông.
Cối xay có thớt dưới, thớt trên, váy cối, chân cối, ngõng cối nằm ở thớt dưới, tai cối, cổ áo cối nằm ở thớt trên và  cái để xay là giàng xay có dây treo.
Lúc bà nội tôi còn khoẻ, bà vẫn thường hay ở nhà xay lúa, sàng xẩy. Sau này chị Tiến và anh em tôi cũng đều biết xay lúa cả. Tuy nhiên xay lúa cũng phải biết cách, xay vừa phải, đều tay thì hạt chín nhiều (hạt vỡ trấu) nếu vội mà xay nhanh, nhất là vớ phải cái cối lồng lên sồng sộc thì sống hết. Sống nhiều thì sàng xong, bốc ra phải xay lại, lúc đó gạo sẽ bị nát thành tấm. Lúc xay lúa một mình, bọn gà trống, gà mái hay vào xốc trộm thóc, đuổi chúng không chạy; thế là lại phải lấy một tàu chuối khô buộc vào một bên tai cối để đuổi lũ gà. Ngày bé tôi còn thấy bà tôi lấy cái áo tơi rách buộc vào đó mỗi khi bà xay lúa, đấy là lần cuối cùng tôi nhìn thấy chiếc áo tơi, vì sau này mọi người đều dùng nilon để khoác trời mưa nên áo tơi không còn tồn tại ở quê tôi nữa.
Cối xay lúa
          Tuổi thọ của cối xay phụ thuộc vào chất lượng cối và lượng xay nhiều hay ít. Có nghĩa là chất đất sét, dăm cối và tay nghề thợ đóng cối. Nhà nhiều người thì năng phải đóng lại hơn. Thường cứ một đến hai năm lại đóng lại một lần. Dăm cối thường do thợ đóng cối mang đến, thường là bằng gỗ nghiến, nhưng cũng có khi do gia đình đã chuẩn bị sẵn một ít gỗ nhãn, gỗ vải, thợ đến lại thêm một khâu chẻ dăm rồi mới vào việc được. Mỗi làng thường có một ông thợ đóng cối, nhưng hình như ở làng Dừa lại không có, vì tôi thấy thầy tôi hay mời ông thợ ở Thanh Kỳ hoặc ở Minh Đức sang đóng. Ngày ấy thợ đóng cối thường đến nửa buổi sớm, làm đến trưa ăn cơm qua quít với gia chủ, đến bữa tối thì cơm nước mới thịnh soạn hơn, có con gà, con cá, chai rượu gọi là làm vui. Thợ đi đóng cối cũng chỉ đi kiếm cơm vậy thôi, ngoài tiền dăm cối thì công sá cũng chẳng là bao, chỉ vài đồng bạc.
Tuy thế, nếu nhà có thợ đóng cối cũng vui ra phết. Chúng tôi thường xúm xít xung quanh ông thợ, xem thợ ra nan, vót tre, đan lồng cối. Nếu cối cũ quá thì phải đan tân khoa, việc này hơi lâu, tuy nhiên nếu được gia chủ đồng ý thì ông thợ đan sẵn ở nhà rồi mang đến đóng luôn. Nếu gia chủ không có nhiều tiền thì ông thợ phải chặt tre, ra nan, đan lồng tại gia chủ, tất nhiên tiền công đóng tân khoa sẽ nhiều hơn. Bọn trẻ chúng tôi thường tò mò xem ông thợ lôi ra từng thứ đồ nghề, trong đó có cưa, vồ to, vồ nhỏ, đòn quai bằng lim (Trông như cây thiết bản của Tôn Ngộ Không), nêm to, nêm nhỏ, mỏng dầy khác nhau, liềm vét đất, thích nhất là cái gọi là chân chó. Gọi là các chân chó vì nó giống hệt cái chân chó, ông thợ dùng để miết đất cho nhẵn và để đóng vào những chỗ ngóc ngách của cối mà vồ không thể làm được.
Sau khi đan hoặc dặm lồng cối, ông thợ xem ngõng cối còn dùng được không, nếu đã mòn quá thì thay cái ngõng mới, nếu không khi xay một là gẫy, hai là lồng. Ngõng thường làm bằng gỗ tốt để được lâu, những cái ngõng cối mòn, chỗ tiếp xúc thắt ngẫng lại rất nhẵn và đẹp, chúng tôi thường lấy để chơi.
Qui trình đóng cối nếu tả lại tỉ mỉ thì nhiều khâu lắm. Tóm lại là thế này: Đem đất sét khô ra đập nhỏ, rảy nước cho ẩm đều, cho vào lồng cối để nhồi nện cho chặt. Thớt dưới thì cấy ngõng cối, đặt chân ngõng phải thật chính xác vào chính giữa, đầu ngõng cũng phải cách đều xung quang nên phải đo đi, đo lại nhiều lần trong quá trình nhồi đất. Thớt trên thì phải đặt cổ áo cối và cũng phải làm tương tự như đặt ngõng cối. Khi lượng đất đã đủ và chặt, lật ngược thớt trên để đóng dăm, thớt dưới để nguyên và đóng dăm. Mỗi thớt đều có 8 múi dăm, cùng chạy hình lược theo ngược chiều kim đồng hồ, chính vì thế khi lật thớt trên ngược lại, các múi dăm lại chạy giao nhau, ta xay ngược chiều kim đồng hồ, các mặt dăm xiết vào nhau và kéo gạo và trấu từ trong ra ngoài. Đóng dăm xong, đến khâu nêm. Đầu tiên là dùng nêm mỏng, đóng nêm thật sâu cho chắc dần. Tiếp theo nêm vừa vừa. Cuối cùng là nêm dày nhất, lúc đó đất đã chắc lên đến tận mặt nêm. Quá trình nêm là quá trình người thợ thường xuyên ngắm để chỉnh mặt dăm cho thật phẳng và đều, chỗ nào còn nhô lên lại lấy vồ gõ vào đó cho tụt xuống một chút. Nếu đất chắc rồi, gõ không xuống nữa hoặc sợ long dăm thì ông thợ sẽ lấy dao sắc để gọt, chỉnh cho bằng. Xong khâu đóng dăm, ông thợ lấy cái chân chó đục đất ở thớt trên cho thủng xuống tận cổ áo cối, lấy cái liềm vét đất thành cái phễu thật dốc, đều và nhẵn, lấy chân chó nêm chặt những chỗ gấp khúc mà vồ và đòn không thể với tới. Đây là chỗ để đổ thóc vào xay. Sau đó ông thợ lại úp thớt trên xuống, đem thớt dưới úp ngược vào thớt trên, đoạn nện chặt thêm đáy thớt dưới, lấy liềm vét bằng cho đẹp rồi để chân cối lên đóng 4 cọc vào để giữ chân cối. Thế là công việc gần như hoàn tất. Bây giờ chỉ việc lật cối lên, xay thử xem sống chín, lồng êm thế nào, lấy nêm sửa lại một chút nữa, khi thóc xay chín thế là xong.
Nếu xay thử vẫn sống, (tức là còn nhiều thóc chưa vỡ) thì ông thợ lại bảo: Mấy hôm nữa nó mòn đều dăm rồi nó sẽ chín. Cũng có khi là đúng như thế, cũng có khi không phải thế vì ông thợ chỉ vụng chèo, khéo chống thôi.
Trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước, đàn ông, trai tráng đều đi tham gia đánh Mỹ, ở lại hậu phương còn toàn là các cô, các thím, các chị. Có nhiều trai tráng, trong đó có những người chồng, người cha đã hi sinh ngoài mặt trận, các cô các thím ở nha bỗng dưng trở thành góa phụ, có người còn chưa có con cái rất cám cảnh.
Đóng cối cho mấy bà góa, mấy ông thợ đóng cối thường làm rầy rà nhất. Khi đến nhà cũng bày trò đến muộn để mong ngủ trọ lại một đêm. Lúc đóng cối xong còn cố ý để cối sống, cối lồng để mấy hôm sau quay lại sửa. Mục đích của mấy ông này là để trêu ghẹo, lạm dụng tình cảm của mấy bà góa phụ mà thôi, nên mới nghĩ ra chiêu trò ấy. Tuy nhiên không phải ai cũng cắn câu. Có bà ý tứ đem ông đóng cối sang gửi ngủ nhờ bên hàng xóm, nhà có đàn ông để đỡ mang tiếng, dư luận xì xầm. Ai cũng hiểu chiêu trò này của mấy ông thợ đóng cối tham tình, tham ngãi. Chính vì thế người ta hay trêu mấy bà góa: Thấy bảo hôm nay bên nhà bà có phó cối hử? Phấn khởi nhỉ. Thế là mấy bà lại cười ngặt nghẽo bảo: Báu lắm đấy.
Đóng cối nghe có vẻ rất khó, thế nhưng nếu nhanh ý và quan sát tỉ mỉ một chút cũng có thể làm được. Đến năm 16, 17 tuổi gì đó tôi đã tự mình đập cối nhà mình ra đóng. Do rất hiểu về độ cân bằng, độ nghiêng của dăm cối ở hai thớt cối, tôi đóng xong, dù là tác phẩm đầu tay nhưng không hề phải sửa một chút nào mà xay lúa vẫn rất chín. Tôi nhớ bên hàng xóm ai cũng trầm trồ, có chị Xuyến là chị dâu họ thì cứ xuýt xoa không ngớt: Sao lại không học ở đâu mà đóng đước cối mới tài chứ. Thực ra chúng tôi đã học từ những lần xem đóng cối từ nhỏ rồi, sau này có kiến thức thi việc đó cũng không khó gì cho lắm, có ai không học mà làm được đâu.
Nói cối xay lại phải nói thêm đến cối giã gạo. Cả xóm tôi hàng mấy chục nhà mà cũng chỉ có nhà tôi và nhà ông Bát có cối giã gạo. Tôi cũng không biết có từ bao giờ, nhưng tuổi thọ chắc đã rất lâu vì đát cối đã thủng một lỗ bằng miệng bát, đã phải tré bằng xi măng. Xóm trên có nhà ông Kham, ông Chử, xóm ngoài có Bà Tựa có cối. Cối giã gạo nó gần như một tài sản văn hoá cộng đồng vậy. Chẳng phải nhà nào có cối giã gạo người ta cũng đến giã đâu, phải là gia đình tử tế, sạch sẽ, ân cần, dễ tính.
Cối giã gạo
Cối giã gạo gồm có cần cối, chày, cối đá, tai cối, bệ đứng, tay vịn và chống cối. Chày thường được bịt thép và có đóng dăm bằng gang lưỡi cày gọi là mỏ cối. Cối đá thường được chôn dưới đất, miệng bằng mặt đất. Xung quang miệng cối phải đầm, láng thật nhẵn và sạch để quét gạo và cám trở lại khi giã nó bắn lên. Cần cối là một cây gỗ to, đẽo vuông, dài khoảng hơn 2 m, nặng, đầu to hơn đuôi. Cần cối nhà tôi làm bằng gỗ lim, cây gỗ này nghe đâu do bác Thiện (Bố anh Tranh) mò cái cột đình ở cầu đá mang về. Tai cối thường đục 1/3 phía đuôi cần. Bệ đứng thường liền với bệ đỡ tai cối, đặt và chốt cố định, chắc chắn trên mặt đất, cao hơn mặt đất chừng 10 đến 15 phân để đứng giã, ở trong lòng đào lỗ sâu để đuôi cần cối nhún xuống khi bẩy cần cối lên.
Cối nhà tôi đặt ở dưới bếp, thực ra trước đây là cối nhà bác Thiện, nhưng vì chái nhà bác mưa hắt nên bác đem qua bếp nhà tôi. Người đến giã gạo thường đem gạo xay đến, dù có người hay không có người ở nhà thì cũng nói to lên một câu: Tôi giã nhờ cả nhà cối gạo nhá. Nếu bà tôi ở nhà thế nào cũng nói: Vâng, ai đới? Họ lại bảo: Cháu đơi. Chỉ nghe tiếng bà đã có thể biết chính xác đấy là ai. Giã gạo là giã nhờ thực sự chứ không như thời bây giờ cái gì cũng dịch vụ nên không bao giờ nghĩ đến phải trả công sá gì. Thời điểm người ta đến giã gạo là lúc sau giờ nấu cơm chiều hoặc buổi tối sau khi ăn cơm tối, hoạ hoằn cũng có người đến giã vào ban sáng và ban trưa. Không có ai lại đem giã gạo vào lúc nấu cơm vì khói không giã được, với lại lúc đó nhà ai cũng bận nấu nướng, không có người giã gạo. Dịp gần tết là nhộn nhịp nhất, nhà nào cũng giã hai ba cối liền lúc vì nào là gạo ăn, nấu xôi lại còn gói bánh nữa.
Quanh cái cối giã gạo cũng nhiều chuyện hay ra phết. Mỗi khi giã gạo thường có 2 đến 3 người, hoặc là cùng giã, hoặc là thay nhau. Mỗi cối gạo giã khoảng một nghìn chày là được. Nếu là người lớn đến giã thì thường nói chuyện thời tiết, mùa màng, mạ mộng, kinh nghiệm trồng cấy hoặc thông tin chuyện trong làng ngoài xã. Thời chống Mỹ thì nói những chuyện nghe được trên đài truyền thanh hoặc nghe mấy bác cán bộ kháo nhau về ta thắng ở đâu, bắn rơi máy bay Mỹ bao nhiêu chiếc.
 Mùa đông giã gạo thì ấm chứ mùa hè nóng nực nhễ nhại mồ hôi chẳng ai thích. Nhà nào mà có mấy anh chị em rãu rãu cùng nhau giã thì thế nào cũng cãi nhau chõm choẹ. Thứ nhất là tranh nhau đứng trên cho nhẹ, không bị mỏi chân, chẳng đứa nào muốn đứng dưới cùng vì nặng và mỏi chân nhất. Nếu không phân giải được thì chia, đứa lớn thì đảm nhiệm hết thời gian và đứng sau, còn hai đứa bé mỗi đứa 500 chày, lại đến đận tranh nhau giã trước cho nhẹ vì lúc đó còn trấu, chày nó nẩy, về sau nó mút chày nặng hơn. Đã thế lại đếm ăn gian nóng mốt nóng hai, có khi mới 400 chày đứa trước đã bảo hết phần mình chạy ra, thế là lại chõm choẹ lần nữa. Đến cuối buổi có khi chỉ còn mỗi đứa lớn đảm nhiệm vì không bảo được hai em, hơn nữa cũng đỡ điếc tai. Trường hợp này hay xảy ra ở anh em nhà chị Thu, anh Đông, chị Xuân hoặc Anh Tuyên, Chị Mây và Hưng.
Cạnh nhà tôi có vợ chồng anh Chư, chị Xuyến sinh được toàn con gái, lúc tôi 16, 17 tuổi thì cũng chỉ mới có đứa lớn là đi giã gạo với bố mẹ được. Anh Chư là bộ đội phục viên, cũng rất hài hước. Khi bắt đầu giã gạo anh thường bảo với con gái: Cuộc hành quân thần tốc không di chuyển vị trí của bố con ta bắt đầu. Có hôm vừa giã gạo, anh vừa giảng giải cho con gái lớn cách dỗ em rất qui lát:
-Thế này nhé, khi bố mẹ vắng nhà, nếu trông em mà thấy em khóc thì có một trong ba nguyên nhân sau đây:
Thứ nhất là đói, lập tức lấy cơm nguội cho em ăn, nghe chưa?
Thứ hai, nếu vẫn khóc thì có thể nóng quá hoặc lạnh quá: Nóng thì quạt, lạnh thì ủ ấm thêm;
Thứ ba, nếu vẫn tiếp tục khóc thì đích thị là ốm, lập tức bế em sang hàng xóm nhờ xem hộ ngay.
Nhớ chưa?
Đứa con thì vâng ạ còn chị Xuyến thì cứ cười ngặt cười nghẽo nghẽo vì cách nói hài hước quân sự của chồng.
Giã gạo mà nên thơ nhất là có đôi nào thích nhau, tối mùa đông mà theo nhau đi giã gạo thì cứ gọi là yên thít, chỉ thấy tiềng chày lúc khoan, lúc nhặt lẫn với tiếng trêu ghẹo nhau khúc khích thôi. Nếu gặp cô nào xinh thì thế nào cũng có vài anh đi theo tranh nhau giã cùng.
Chính vì những lý do này mà tôi nói, cái cối giã gạo giống như một tài sản văn hoá cộng đồng vậy.
Đến những năm 1991, 1992 gì đó thì nhà tôi và nhà chú Ân có mua chung một cái máy xát gạo, xát thuê cho hàng xóm. Lúc đó chưa có điện, máy xát phải chạy bằng một cái máy diezen 15 mã lực, inh cả tai. Máy do Tú con chú Ân, và Trường em trai tôi vận hành. Lúc đó tôi học ở Học viện Chính trị, những ngày nghỉ hè thỉnh thoảng cũng đứng máy thay cho các em. Có một lần máy chạy long lên sòng sọc, rung bần bật không thể nào xát được gạo, nếu tiếp tục chạy nó sẽ phá tan cả máy nổ và máy xát. Không ai biết nguyên nhân tại sao. Tôi lấy sơ đồ tổng thành của máy ra đọc, thuyết minh toàn bằng chữ Trung Quốc, nhưng tôi bập bõng đọc được. Cộng với kiến thức về máy của xe tăng đã học trước đó, tôi đưa ra nhận định:
-Có thể máy bị gãy trục của quả đối trọng.
Tú lúc đó mới bảo:
-À đúng rồi anh ạ, nó là quả văng anh ạ (Tú cũng đi thuyền và cũng biết về máy nổ nên gọi nó là quả văng)
Thế là tôi và Tú tháo máy ra kiểm tra, đúng như dự đoán, máy bị gãy trục quả đối trọng -“Quả văng”.  Tôi bảo Tú lên huyện mua quả đối trọng về để thay, tôi và Tú hì hục tháo ra thay quả mới vào. Có rất nhiều các điểm dấu trên các bánh xe, trục cam cần ghi nhớ, nếu lắp sai máy sẽ không nổ, điều ấy tôi đã để ý và học được trong lần tháo máy này. Khi lắp xong, máy lại chạy êm ru. Đấy là lần đầu tôi sửa máy Diezen và đã thành công. Sau này có điện, máy xát chạy bằng moter điện, tiện lợi hơn nhiều. Nhưng cũng từ đây, cái cối xay lúa và cái cối giã gạo mỗi ngày một vắng bóng đi rồi mất hẳn. Nhưng trong lòng vẫn nhớ như in hình ảnh của nó.