Thứ Hai, 10 tháng 10, 2011

“Ngày bố mẹ già đi, con hãy cố gắng kiên nhẫn và hiểu cho bố mẹ”.

          Mấy ngày nay, trên các trang mạng xã hội, các diễn đàn xôn xao bàn tán về một bức thư của cha mẹ gửi đến những đứa con thân yêu của mình. Làng Dừa xin trích lại bức thư giản dị này nhưng khiến những người làm con phải nhìn nhận lại chính mình.

         “Ngày bố mẹ già đi, con hãy cố gắng kiên nhẫn và hiểu cho bố mẹ. Nếu như bố mẹ ăn uống rớt vung vãi... Nếu như bố mẹ gặp khó khăn ngay cả đến cái ăn cái mặc... Xin con hãy bao dung!

Con hãy nhớ những ngày, giờ mà bố mẹ đã trải qua với con, để dạy cho con bao điều lúc thuở bé.

Nếu như bố mẹ cứ lập đi lập lại hàng trăm lần mãi một chuyện, thì đừng bao giờ cắt đứt lời bố mẹ... mà hãy lắng nghe!

Khi con còn ấu thơ, con hay muốn bố mẹ đọc đi đọc lại mãi một câu truyện hằng đêm cho đến khi con đi vào trong giấc ngủ... và bố mẹ đã làm vì con.

Nếu như bố mẹ không tự tắm rửa được thường xuyên, thì đừng quở trách bố mẹ và đừng nên cho đó là điều xấu hổ.

Con hãy nhớ... lúc con còn nhỏ, bố mẹ đã phải viện cớ bao lần để vỗ về con trước khi tắm.

Khi con thấy sự ít hiểu biết của bố mẹ trong đời sống văn minh hiện đại ngày hôm nay, đừng thất vọng mà hãy để bố mẹ thời gian để tìm hiểu.

Bố mẹ đã dạy dỗ con bao điều... từ cái ăn, cái mặc cho đến bản thân và phải biết đương đầu với bao thử thách trong cuộc sống.

Nếu như bố mẹ có đãng trí hay không nhớ hết những gì con nói... hãy để bố mẹ đôi chút thời gian để suy ngẫm lại và nhỡ như bố mẹ không tài nào nhớ nổi, đừng vì thế mà con bực mình mà tức giận... vì điều quan trọng nhất đối với bố mẹ là được nhìn con, đưọc gần bên con và được nghe con nói, thế thôi!

Nếu như bố mẹ không muốn ăn, đừng ép bố mẹ!... vì bố mẹ biết khi nào bố mẹ đói hay không.

Khi đôi chân của bố mẹ không còn đứng vững như xưa nữa... hãy giúp bố mẹ, nắm lấy tay bố mẹ như thể ngày nào bố mẹ đã tập tềnh con trẻ những bước đi đầu đời.

Và một ngày như một ngày sẽ đến, bố mẹ sẽ nói với con rằng... bố mẹ không muốn sống, bố mẹ muốn từ biệt ra đi.

Con đừng oán giận và buồn khổ... vì con sẽ hiểu và thông cảm cho bố mẹ khi thời gian sẽ tới với con.

Hãy cố hiểu và chấp nhận, đến khi về già, sống mà không còn hữu ích cho xã hội mà chỉ là gánh nặng cho gia đình!... và sống chỉ là vỏn vẹn hai chữ "sinh tồn".

Một ngày con lớn khôn, con sẽ hiểu rằng, với bao sai lầm ai chẳng vướng phải, bố mẹ vẫn bỏ công xây dựng cho con một con đường đi đầy an lành.

Con đừng nên cảm thấy xót xa buồn đau, đừng cho rằng con bất lực trước sự già nua của bố mẹ.

Con chỉ cần hiện diện bên bố mẹ để chia sẻ những gì bố mẹ đang sống và cảm thông cho bố mẹ, như bố mẹ đã làm cho con tự khi lúc con chào đời.

Hãy giúp bố mẹ trong từng bước đi vào chiều...

Hãy giúp bố mẹ trong phút sống còn lại trong yêu thương và nhẫn nại...

Cách duy nhất còn lại mà bố mẹ muốn cảm ơn con là nụ cười và cả tình thương để lại trong con.

Thương con thật nhiều...

Bố mẹ..."

                                             Tác giả: PIERRE ANTOINE (Việt kiều Pháp)

Thứ Năm, 22 tháng 9, 2011

Cách lọc nước giếng khoan


Nuớc giếng khoan ở độ sâu hàng trăm mét là nuớc suối ngầm, không có chứa nhiều tạp chất bẩn và vi khuẩn nhu ở tầng nuớc mặt tồn tại ở giếng khơi, ao hồ, sông suối. Tuy nhiên nó lại chứa một số o xit kim loại, chủ yếu là o xít sắt. Một số nguời chua biết cách lọc nên cho rằng không dùng đuợc và bỏ phí mất lỗ khoan.

        Cách làm thiết bị lọc rất đơn giản nhu sau:

        Giàn mưa làm bằng ống nhựa, đặt phía trong miệng bể, các cút nối không cần gắn keo để dễ tháo ra, lắp vào, dễ xoay chỉnh dòng nước chảy lên xuống. Dùi lỗ nên dùi thật nhỏ, nhỉnh hơn lỗ kim một chút để nước chảy vọt xa và tơi, tiếp xúc càng nhiều với không khí thì lóng cặn càng nhanh và triệt để. Cố gắng dùi thẳng hàng càng tốt.  Hướng nước chảy từ 4 bên vào trong.

          Do trong nước có lẫn ô xít sắt II (FeO) ở dạng hoà tan. Nếu để nguyên mà lọc thì giống như ta lọc nước đường vậy, không thể lọc được, sau chảy xuống bể dưới nó mới chuyển dần sang dạng oxit sắt III (Fe2O3) lóng cặn và chuyển sang màu nâu đỏ, không dùng được.

          Phun mua là biện pháp làm biến đổi ô xít sắt hai (FeO) thành ô xít sắt ba (Fe2O3) ở thể rắn ngay ở bể trên. ô xít sắt ba màu nâu đỏ (FeO + O2 --> Fe2O3) . Lúc đó ta mới lọc được, ngăn chúng ở lại ở bể trên, còn lại chỉ có nước sạch xuống bể dưới, nhu vậy mới dùng được.

          Nếu cẩn thận, sau khi lọc ta có thể lấy mẫu nước gửi đến các trung tâm môi trường để thử xem độ an toàn của nó.

Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2011

Gốm Chu Đậu

       
Gốm Chu Đậu là một trong những số ít loại gốm nổi tiếng trên thế giới từ rất sớm. Nó được hình thành từ thế kỷ thứ XIII, được hoàn thiện dần trong lịch sử và có chất lượng cao trong thời đại công nghệ hiện đại.
Gốm Chu Đậu được biết đến như một loại gốm bác học, mang tính triết lý cuộc sống, thể hiện Trí – Tâm – Thần – Phật. Đất tạo ra xương cốt, nước tạo ra hình hài, lửa thiêng tạo ra thần thái.
Bình gốm hoa lambình gốm tỳ bà là cặp bình đặc trưng cửa gốm Chu Đậu, nó làm rạng danh nghề gốm cổ truyền Việt Nam.
Chiếc bình gốm hoa lam được chế tác theo mẫu bảo vật lâu đời của Việt Nam. Chiếc bình quí giá này được lưu giữ tại bảo tàng Topkapisaray, thủ đô Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 1980 được mua bảo hiểm trị giá 1 triệu USD, năm 2006 được đấu giá 25 triệu USD. Nó là một trong tứ bảo quốc của Thổ Nhĩ Kỳ.
Dáng bình hình cầu có cổ đứng, men rạn trắng hanh nắng, hoa màu lam, trang trí cánh sen, hoa cúc đại đóa, dây leo cách điệu. Theo quan niệm của Người Việt xưa dáng tròn tượng trưng cho trời đất, hình trụ thẳng đứng là dáng trực tượng trưng cho người quân tử, người đàn ông, phái mạnh, người chồng, người cha trụ cột trong gia đình. Vì thế nó được gọi là bình dương.
Chiếc bình được nghệ nhân Bùi Thị Hí, người Châu Nam Sách vẽ vào năm 1450, trên bình có 13 chữ hán: 太和八年南书州匠人裴氏戏笔 Thái Hòa bát niên Nam Sách Châu tượng nhân Bùi Thị Hí bút (Có nghĩa là: Nghệ nhân Bùi Thị Hí người Châu Nam Sách vẽ vào năm Thái Hoà thứ tám).
Bên cạnh chiếc bình hoa lam là chiếc bình tỳ bà mang tính âm, tượng trưng cho đất, cho mẹ, là hiện thân của người phụ nữ Việt Nam, dáng vẻ hình chiếc đàn tỳ bà, cũng mang dáng vẻ của người phụ nữ thắt đáy lưng ong, vừa khéo chiều chồng, vừa khéo nuôi con.
Họa tiết chủ đạo trên bình là tứ cảnh: Xuân - Hạ - Thu - Đông thể hiện trời có bốn mùa xuân ôn, hạ nhiệt, thu lương, đông hàn; đất có bốn phương đông, tây, nam, bắc; con người có sinh, lão, mệnh, tử. Họa tiết trên miệng bình là lông Chim Lạc thể hiện tính độc lập tự do của dân tộc, cổ bình có họa tiết hoa chanh thể hiện cuộc sống thảnh thơi của miền quê thôn dã, mộc mạc.
Tất cả những điều đó thể hiện sự hi sinh cao cả, tần tảo âm thầm của người phụ nữ dành cho sự nghiệp lớn lao của người quân tử, cho khát vọng hòa bình, độc lập.
         Gốm Chu Đậu đã hội tụ những nét tinh túy nhất về văn hóa và nghệ thuật, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Thứ Tư, 24 tháng 8, 2011

Trần Trung Thắng và MC Minh Hằng


Thắng ngồi thứ 3 từ trái sang

   Ngày 11/12/2009, trong cuộc giao luu giữa các điển hình tiên tiến với chủ đề : “LLVT Quảng Ninh làm theo lời Bác”, MC Đài truyền hình Quảng Ninh trò chuyện với đồng chí Trần Trung Thắng- Trung đội trưởng Công binh- có nhiều đóng góp trong rà phá bom mìn, làm sống lại những miền đất chết đầy nguy hiểm mà chiến tranh còn để lại.

       Thắng là một điển hình thật xứng đáng. Tuy nhiên chỉ được trao đổi trong 3 phút sau khi đã chiếu một phóng sự ngắn về công việc của Thắng và đồng đội. Trong phóng sự đã nêu lên những khó khăn, nhọc nhằn và hiểm nguy của Trung đội công binh khi làm nhiệm vụ, đồng thời nói lên sự đóng góp cao cả của các đồng chí trong sự nghiệp củng cố QP-AN, phát triển KTXH địa phương trong thời bình.

-MC Minh Hằng: Qua phóng sự, chúng tôi được biết công việc của anh và đồng đội, bên cạnh những khó khăn, gian khổ còn rất hiểm nguy. Anh có thể cho khán giả biết những hiểm nguy đó nhu thế nào được không?

-Thắng: Thưa chị, thưa quí khán giả, những loại bom, mìn mà chúng tôi rà phá đều còn lại sau chiến tranh, có từ những năm 1964 đến năm 1987;  có tuổi 22 năm đến 45 năm. Các chốt an toàn bằng thép đều đã gỉ sét, rất dễ đứt, dễ gẫy hoặc đã đứt gãy rồi. Nếu có sự tác động rất có thể sẽ gây nổ.

Bên dưới và xung quanh những quả mìn chính, thường có những quả mìn hoặc lựu đạn gài bẫy, nếu không tỉ mỉ, thận trọng khi gỡ quả mìn chính so su?t làm nổ quả mìn bẫy, rất nguy hiểm.

Những quả bom khi thả khỏi máy bay, hoặc đầu đạn pháo khi bắn khỏi nòng pháo đều tự động giải phóng chốt an toàn. Tất cả những loại vũ khí này chỉ vì một lý do nào đó mà nó chua nổ thôi, độ mất an toàn là rất cao, nếu bị tác động, chúng có thể nổ bất cứ lúc nào.

-MC Minh Hằng: Thế anh có thể cho biết độ an toàn của nó khoảng bao nhiêu % được không?

-Thắng: Không dám chắc được chị ạ. Chúng tôi chỉ biết chú ý nhắc nhau chấp hành nghiêm qui tắc về an toàn và hết sức thận trọng. Nếu không sẽ không bao giờ còn cơ hội để rút kinh nghiệm cho lần sau.

-MC Minh Hằng: Thua quí vị, có lẽ rất nhiều người đến bây giờ mới hiểu, chiến tranh đã lùi xa rất lâu rồi mà vẫn có những người chiến sĩ đối mặt với những hiểm nguy đến nhu vậy trước hậu quả chiến tranh để lại.

Xin hỏi thêm anh Thắng  một điều: Vậy người thân của anh chắc sẽ rất lo lắng khi biết công việc anh và đồng đội làm nguy hiểm nhu vậy?

-Thắng: Thực ra tôi cũng chua bao giờ tâm sự với người thân của mình về những điều này. 

-MC Minh Hằng:  Thế anh không sợ rằng vợ anh sẽ giận khi chị ấy biết anh giấu chị những việc tày đình nhu vậy sao?

-Thắng: Thực ra vợ tôi cũng yêu tôi bởi tính ít nói chị ạ.

Nói vậy thôi chứ, thứ nhất là vì nguyên tắc bí mật quân sự, càng việc tày đình càng cần giữ kín, thứ hai tôi nghĩ cũng không nên tâm sự những điều gì đó để cho người thân của mình phải lo lắng, những người làm vợ bộ đội vốn lo lắng cho con cái ăn học đã là vất vả lắm rồi.

Xin trân trọng cám ơn anh Thắng, quả thật một tấm gương cống hiến thật là đáng khâm phục.! (Vỗ tay)

Thứ Hai, 22 tháng 8, 2011

Mái Đền

Đền Khúc Thừa Dụ - Cúc Bồ, Ninh Giang
                                          Mái Đền Kiếp Bạc

Tết Tân Mão 2011

                                                               6 anh em SN
                                                    Đợi đò bên sông Thái Bình
                                                                Mai, Thơm
                                                             Thuỳ, Thơm
                                                       Nam, Tít
Bến Sông Lô
Thành, Việt, Nam,Cúc, Hoa, Mai, Thơm, Thuỳ

Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2011

Chúc Thọ ông Đoái

Từ phải sang: Ông Ngạch, Ông Ân, Ông Đoái, Mão.
         Tám mươi xuân trọn gần thế kỷ
         Tai tinh, mắt sáng quí gì hơn
          Hàng ngày ăn khỏe, ngủ ngon
   Việc nhà, trông cháu tâm hồn trang thơ.
                                       *
         Được thảnh thơi bây giờ nhớ lại
         Bước vào đời từng trải gian truân
         Đốn công, cuốc mướn đâu ngần
   Đò Cờ, Cốc, Cuối, Nam Am một thời.
         Cuộc xung thiên đổi đời cách mạng
         Nhập dân quân, du kích chống càn.
         Một tay lái chiếc đò ngang
  Chở quân đánh giặc, giúp làng tản cư.
          Bốt Đồn Cao phá tù vượt ngục
          Cảm tử cùng tổ chức thành công
          Quảng Yên đồi núi trập trùng
   Chiến khu Đệ Tứ giữa rừng dưỡng thương.
          Chí trung kiên con đường cách mạng
          Tấm lòng son dạ sắt gan vàng.
          Phố Chũ nhận việc công an
  Ngược miền xứ Lạng giúp dân xóa mù.
                                         *
          Thắng Điện Biên quân thù sạch bóng
           Đường quê hương vẫy gọi thênh thang.
           Hòa bình về với xóm làng,
  Đổi công, hợp tác thênh thang đường cày.
           Với gia đình chung tay xây dựng,
            Nuôi dạy con khôn lớn trưởng thành
            Mẹ già như nến tàn canh
   Sớm hôm săn sóc diệp cành ơn cây.
           Một nồi kê, giấc hòe nhanh quá
           Mới đấy mà đã tám mươi năm
           Thượng thọ cùng với thế gian
   Vẫn còn kém mẹ sáu năm tuổi ngà.
                                       *
            Ngày vui tết, ông bà con cháu
            Chúc thọ già, mừng trẻ hiển vinh
           Tổ Tiên ban phúc gia đình
      Đã hai thế hệ an sinh tuổi vàng.
           Sống trọn nghĩa, xóm làng thơm tiếng
           Giữ cho đời con cháu thênh thang
           Ngôi nhà ấm cúng khang trang
    Bà con lối xóm, họ hàng chung vui.
                 
                                 
             Ngày mùng một Tết Giáp Thân - 2004
                           Nguyễn Quang Ân
(Trong ảnh chụp 2011: Ông Đoái đứng thứ 2, Ông Ân thứ 3, Ông Ngạch thứ 4)

Thứ Năm, 7 tháng 7, 2011

NGÔI NHÀ THÂN THUỘC




Ngôi nhà gắn bó với mỗi người nhiều nhất, ở đó có thật nhiều điều để nhắc và để nhớ.

          Lúc tôi vừa nhận biết được thế giới xung quanh (Khoảng năm 1967 đến 1970 gì đó, tôi khoảng 3 đến 6 tuổi) cho đến những năm 1980 Thầy Bu tôi mới làm lại nhà. Tôi thấy, ngôi nhà tôi quay hướng đông nam, chỉ có 3 gian, một chái phía tây, tường cắm nhứng, trát vách đất, không có ngưỡng, lợp rạ. Thế có nghĩa là không có cột cái, chỉ có cột quân đơn, nhứng cắm xuống nền đất, trát vách đất lên đến mái rạ. Cửa che mành tre, nửa cật, nửa ruột. Thầy tôi thường đan một tấm liếp bằng nứa để khi nào có mưa to, gió lớn thì lại khiêng vào che cửa. Những lần đan liếp như thế lại gọi chú Ngạch và cậu Lê đến cùng làm. Nhà nền bằng đất, nện chặt bằng vồ. Hồi nhỏ tôi đã biết, cứ mỗi lần có mưa đầu mùa, thế nào cũng bị dột, phần vì mái bị mục, cũng có thể do chuột làm tổ mà không biết. Cũng có thể là có chỗ mới dặm lại, rạ chưa ẹp xuống, còn có chỗ để nước lọt vào. Mỗi khi nhà dột, bà tôi và bu tôi thường đem thau đồng, nồi đồng, mâm gỗ và cả bát tô ra hứng vào những chỗ dột. Chỗ nào không có cái hứng thì đất mủn ra và trũng xuống. Mưa ban ngày thì đỡ khổ, mưa ban đêm cứ phải lật chiếu và chạy chỗ ngủ liên tục đến khi ngớt mưa.

          Tôi nhớ, cái nhà bé thế nhưng có năm cũng chỉ có rạ để đánh nóc, có năm lợp một mái, năm sau lại lợp mái bên kia. Những năm ấy còn thừa một ít rạ lại cho nhà ai đó vay. Hai năm lợp mái, một năm đánh nóc thì đến vài năm tiếp theo phải lợp cả hai mái. Rạ lợp nhà phải là rạ vụ mùa, tức là vụ gặt tháng mười. Lúc đó có mấy loại lúa thế này: Chân trâu lùn, quảng, tám xoan, mộc tuyền cao, nếp cái, nếp vải, nếp râu, sau này còn có nông nghiệp tám, nông nghiệp 22, mộc tuyền cổ bằng, X10 ... nhưng rạ lợp nhà thì phải chọn rạ nếp, lúa quảng hoặc ít ra cũng phải lúa mộc tuyền cao thì rạ mới đủ dài. Rạ lợp nhà phải được phơi khô- còn gọi là được nắng - mới thơm và sau này không có mạt.

          Ngày ấy, rơm rạ đều của chung Hợp tác xã. Tôi nhớ lúc đó cả Thôn Gia xuyên được gọi là Hợp tác xã Văn Xuyên. Ruộng chia theo đội, đội chia thành nhóm. Gặt cũng gặt theo nhóm, sau đó rơm rạ đều chia theo nhóm cả. Rơm thì chia ở sân kho, sau khi đã trục, tuốt lúa. Còn rạ thì chia theo từng ruộng ở ngoài đồng. Rạ chia bằng cách, lấy đòn gánh, đòn xóc hoặc đòn càn đo diện tích thửa ruộng, sau đó chia theo đầu lao động của từng gia đình. Đòn gánh thì  làm bằng cây tre chẻ đôi, có mấu; đòn xóc cũng làm bằng cây tre chẻ đôi nhưng đẽo nhọn hai đầu. Còn đòn càn là bằng cả cây tre và phạt nhọn hai đầu. Khi gánh rạ, chỉ có những người to lớn, vạm vỡ có sức khỏe gánh hàng tạ mới phải dùng đến đòn càn. Chia xong, mọi người rẽ thẳng ranh giới của nhà mình rồi đánh dấu phần được chia, chờ rạ khô ra gánh về. Tuy nhiên thì lúc gánh cũng nhiều khi gánh nhầm sang phần của nhà người khác do không nhớ dấu hoặc do bố mẹ đánh dấu, con đi gánh... Tuy nhiên việc đó cũng không quan trọng lắm, vì rạ cũng không được coi là vật quí lắm.

Rạ nhà tôi gánh về thường được đánh đống ngay đầu sân bên bên trái gần cổng, còn rơm thì đánh đống ở đầu sân bên phải. Sau này thầy tôi làm một cái nhà ngang cho bà nội ở bên phải thì rơm rạ đều đánh sang bên trái cả.

Những lần sắp lợp nhà, cả nhà thường tranh thủ làm rạ buổi tối, thường chọn những đêm có trăng, còn ban ngày phải đi làm đồng. Những hôm ấy, ngoài thầy bu tôi, hàng xóm biết là đến làm giúp, thường thì hay có chú Ngạch, bác Hiền, chị Chiến, cậu Lê, dì Nết, chị Nụ ... Nếu đông quá cũng không đủ chỗ để làm, vì thế có năm có người này, có năm lại người khác đến giúp. Rạ ở trong đống đang được xếp gồi nào ra gồi đấy được đem vào sân giũ rối ra thành đống lớn. Trẻ con chúng tôi thường chờ người lớn giũ thành đống to thì bắt đầu leo lên đỉnh nhảy nghịch. nếu nhảy ít thì lúc rút rạ sẽ thành nếp đẹp, nếu nhảy nhiều rạ sẽ bị dí xuống, rút rất nặng và chóng mệt. Nếu nhảy nhiều thế nào chúng tôi cũng bị đuổi "Mấy đứa này, đi xuống, dí hết rồi". Lúc đó chẳng ai mắng chúng tôi là nghịch thì rặm và ngứa cả. Trẻ con hồi đó chẳng có khái niệm phải giữ vệ sinh như ngày nay, da xước đỏ tía lên, rặm ngứa vẫn ngủ tốt.

Sau khi giũ rối đống rạ, nếu cẩn thận thì lấy thau nước vã nhẹ lên mặt đống và xung quanh cho bớt bụi. Người rút rạ, rút từ chân đống, chỗ vừa giũ xong ấy cho đến chỗ giũ lúc ban đầu; nếu rút bên kia đống sẽ gọi là rút ngược, nặng không rút được. Rút đến đâu đặt xuống đất đến đấy, đẩy ra ngoài thành một hàng rạ dài, suôn và đẹp. Lúc rút, tay thuận rút, tay kia vuốt, thân rạ cứng được rút theo ra, còn rờm (tức là áo của rạ đã mủn) thì rụng ra và vương dưới đất và được vuốt ra ngoài. Thứ đó sau này bỏ vào chuồng lợn để làm phân. Người không rút thì lấy dây chuối hoặc thừng đay xếp từng gồi xếp bắt chéo nhau, bó lại. Bó nhỏ thôi, vừa để sau này lấy sào đưa lên mái....

Lúc lợp nhà, thầy tôi thư­ờng mời cậu ruột tôi là Cậu Lê (Những năm ấy cậu còn trẻ chưa lấy vợ) đến làm giúp, vì Cậu lợp nhà đẹp có tiếng trong làng. Cậu Lê bị liệt một chân từ lúc còn nhỏ nên bà ngoại đặt tên là Lê, tuy nhiên cậu rất khoẻ. Khi đi chăn trâu, cậu có thể từ d­ưới đất nhảy phóc một cái lên mình con trâu to lớn y như­ người ta làm xiếc. Lúc lợp nhà, một mình cậu có thể bắc thang nhảy thoăn thoắt lên mái nhà như một con chim chuyền cành vậy.

Lợp nhà nghe thì đơn giản nh­ưng cũng lắm công phu. Ngày lợp nhà cũng phải chọn ngày tạnh ráo, vào tháng mư­ời một âm lịch tr­ước vụ cấy. Khi dỡ mái nhà phải làm từ sớm cho đỡ bụi, vì lúc đó không khí còn ẩm. Những thứ ở trong nhà đều phải lấy chiếu đậy lại cho đỡ bị bụi bẩn rơi xuống, cho nên chúng tôi cũng đ­ược khua dậy từ sớm. Thầy tôi và cậu Lê dỡ rạ cũ ra, đùn xuống sân thành từng đống, thỉnh thoảng trong mái rạ vẫn có một số ổ chuột mới nở, con còn đỏ hỏn, thầy tôi lại nhặt để ra một chỗ chốc nữa gọi những con gà trống, gà mái đến cho chúng một bữa no nê. Rạ cũ th­ường đ­ược bà và bu tôi đánh gọn vào đống để đun bếp. Sau khi dỡ mái rạ, các rui mè đ­ược lấy chổi cau quét sạch bụi và mạng nhện, cả bên trong và bên ngoài. Khi đã sạch, thầy tôi và cậu Lê lấy lạt buộc lại những nút lạt cũ đã đứt, thay những đoạn rui, mè đã mục, mọt. Nút ở rui mè thì buộc lạt ngắn, nút ở đòn tay vào rui thì buộc bằng mây hoặc lạt cật dài (Khâu này, cho đến những năm tôi học cấp hai thì thầy tôi thường gọi tôi lên buộc cùng, một phần để hướng dẫn cho tôi sau này biết mà làm). Vừa làm thầy tôi vừa dặn: Cẩn thận không ngã gãy chân đấy. Rồi ông lại kể ra những trường hợp ở đây, ở đó có trường hợp ngã gãy chân. Lúc buộc lại rui mè thì mặt trời đã lên. Tôi nhớ khoảng tầm ấy thì ông Đào ở xóm ngoài thư­ờng đảo vào xóm tôi chơi, thể nào ông cũng hỏi:

-Năm nay nhà Đoái lợp “tân khoa” cơ à? (Đoái là tên thầy tôi, lợp tân khoa là lợp cả hai mái).

Thầy tôi thế nào cũng chào thay cho câu trả lời:

-Vâng, ông vào trong này đấy ạ, bụi quá chả dám mời ông uống n­ước.

Ông bảo:

-Cứ làm đi thôi, rạ nhà mày năm nay có được không? (ý hỏi là có đủ dài, đủ khô và đủ số l­ượng không)

-Rạ cũng được ông ạ, thiếu một ít phải vay bên bác Hiền mới đủ.

Quê tôi đồng chiêm, ruộng nhiều, cấy nhiều nh­ưng chưa chắc đã có đủ rạ lợp nhà. Nhiều năm nước lũ, gặp gió to lúa bị ngả rạp xuống, gặt xong đánh mô phơi không được nắng, rạ lẫn bùn mục ra hỏng hết, đun bếp còn “khói lòi mắt”. Có năm sâu rầy ăn, vừa không có thóc, vừa không có rạ. Nếu thiếu rạ lợp nhà, thường thì chỉ lợp một mái, năm nay mái này, năm tới mái khác, mái còn lại chỉ dọi những chỗ dột.

Lúc nói chuyện với ông Đào thế thôi như­ng rồi thầy tôi lại bảo cậu Lê giải lao và mời ông Đào (Còn đứng đâu đó bên bể nước bác Hiền hoặc bên bác Chiến) sang uống nư­ớc chè tư­ơi bà nội tôi vừa nấu. Ông Đào vào chơi cũng không bao giờ ngồi, ông chỉ nhìn quanh một tí rồi lại đi ra. Vả lại ông ăn trầu nên cũng không uống nước.

Giải lao thư­ờng ngồi ở cái chiếu được trải trên cái chõng tre hoặc trên hè, lúc đó hè cũng bằng đất nện, mãi đến những năm 1980 gì đó mới tráng một lớp vôi với bồ hóng. Ngoài bát nước chè xanh có thể có thêm rổ khoai lang luộc. Thuốc lào thì cậu Lê không hút, cậu thường hút thuốc lá, mãi sau này lấy mợ tôi rồi cậu mới hút thuốc lào. Thời gian đó, công việc chính của cậu là làm may cho hợp tác xã mua bán ở chợ Măng, cùng với ông Chữ. Có thuốc lá hút là thuộc vào hạng “sành điệu” lúc bấy giờ, tuy nhiên cậu cũng chỉ dám hút mỗi lần nửa điếu thôi (tức là một điếu bẻ đôi).

Sau khi giải lao, việc lợp nhà lại tiếp tục. Đầu tiên là nẹp mái dân. Đây là chỗ thấp nhất của mái nhà, mái gianh là chỗ tạo ra giá đỡ cho phần rạ ở trên và sau khi mái nhà lợp xong người ta cắt bằng, như­ vậy nó còn là chỗ trang trí cho mái nhà. Do vậy, khi nẹp mái dân phải dùng loại rạ cứng, đẹp và xóng, không giũ rối; lúc làm phải thật đều nếu không mái sẽ bị lép, n­ước mư­a sẽ xẻ rãnh, mái gianh sẽ xấu. Nẹp xong mái dân bắt đầu lợp mái. Rạ được người ở dư­ới đưa lên bằng sào cho người ở trên mái bắt, sau đó vứt rải ở trên mái như­ ném mạ trên ruộng cấy vậy. Nếu thuận tay phải thì lợp từ phải sang trái, thuận tay trái thì lợp từ trái sang phải, thư­ờng thì một mái nhà chỉ có một người lợp từ đầu chí cuối. Như­ thế mới đều được. Lợp chéo theo hình bậc thang, gồi rạ sau được chèn trong gồi rạ trước rất cẩn thận và gối nhau, làm như­ vậy, dù các gồi rạ trông rất phẳng phiu như­ng thực chất nó được ghép theo hình vẩy cá, rất kín. Người lợp buộc một nắm lạt ngắn ở thắt lưng để buộc rạ. Không phải gồi rạ nào cũng buộc vào mè mà cứ một đoạn 3, 4 gồi mới buộc một lần. Thư­ờng thì Thầy tôi bảo với cậu Lê lợp mái trước cho đẹp, còn ông nhận lợp mái sau.

Khi lợp lên đến đòn nóc thì phải đánh nóc. Phần đánh nóc rất khó nên phần này người phụ trách chính là cậu Lê còn thầy tôi phụ giúp. Đánh nóc phải đạt yêu cầu: độ cao vừa phải, độ chắc chắn, đều. Nếu cao quá thì mái sẽ dô như­ lư­ng con trâu gầy, nếu lép quá thì mái to, trông lại bèn bẹt, dễ dột. Nếu không chắc chắn lại hay bị đốc khi có giông bão. Còn nếu không đều thì nóc bị xẻ rãnh khi mưa nhiều, nóc sẽ dột.  Nói là đều nhưng dần về phía hai đầu nhà phải cao nhỉnh hơn ở giữa một chút trông mái nhà mới đẹp.

Khâu tiếp theo của việc lợp nhà là xén mái dân. Khâu này thường chỉ có cậu tôi làm. Cậu lấy cái liềm xén lúa, ngồi trên cái ghế hái chè để xén. Mái được xén sát cây đòn tay dưới cùng rất đều, xén đến đâu lại lấy trang cào thóc đẩy những chỗ chưa bằng lắm lên cho thật phẳng. Cây đòn tay dưới cùng cũng cong lên ở hai đầu nhà, vì thế mái dân cũng cong về phía hai đầu trông rất đẹp. Lúc đó cũng là lúc thầy tôi bắc thang ở trong nhà rút những cọng rờm thò xuống ở bên trong nhà làm cho phía trong mái cũng rất gọn và sạch mắt. Việc cuối cùng là mọi người trong nhà quét bụi trên vách, giũ giường chiếu và quét tước cho thật sạch. Ngôi nhà vách đất lợp rạ lúc đó trông rất khang trang và sáng lên rất đẹp.

Nhà tôi tuy có ba gian trát vách nhưng rất ấm cúng. Những khi trời nóng nực, oi bức nhiều bà con trong xóm thường đến nhà, trải chiếu, nilon xuống nền đất nằm cho mát và nói chuyện phiếm hoặc ngủ trưa.

                             Nhà tôi mái rạ ba gian

                   Cửa che liếp nứa, cửa giăng bức mành

                             Khi bão gió, lúc nắng hanh

                   Tay bưng gió bấc, tay dành hứng mưa

                             Nhà tôi nằm giữa làng Dừa

                   Ngại chi giông gió, nắng mưa bão bùng.

                             Bát cơm, manh áo hưởng chung

                   Buồn vui, đau yếu tấm lòng sẻ chia.

          Mùa tháng 6 đến tháng 8 âm lịch là thời điểm hay xảy ra bão gió. Tôi còn nhớ, cứ đêm 30 tết, thầy tôi lại ra đứng nhìn về hướng đông rồi bảo: Năm nay lại nhiều bão đây.

          Tôi hỏi: Sao thầy biết thế?

          Ông bảo: Thầy đếm mống mây phía đông con ạ. Kia kìa, đằng đông năm nay có 10 cái mống mây, trông như những cái cột đen đen ấy, có thể sẽ có đến 10 cơn bão, có thể nó về mình, có thể không về hết nhưng sẽ nhiều đấy.

          Thầy còn giải thích, nếu đêm 30 tết mà trời tối đen như mực là mưa thuận, gió hòa, được mùa; nếu trời sáng là khó làm ăn lắm, thời tiết không thuận lợi, sâu phá lúa. Thế còn xem bão to hay nhỏ thì nhìn vào bụi tre hóa, nếu măng mọc thẳng ra ngoài thì thôi, chứ măng mọc chui hết vào giữa bụi thì thế nào năm ấy cũng có bão to.

          Ngày trước không có thông tin như ngày nay, việc xem các hiện tượng thiên nhiên chỉ dựa vào các hiện tượng của chính thiên nhiên.

Ráng vàng thì gió, ráng đỏ thì mưa, ráng mỡ gà, ai có nhà phải chống.

Cơn đằng đông vừa trông, vừa chạy

Cơn đằng tây mưa giây, gió gật,

Cơn đằng bắc xúc thóc ra phơi ...

Ví như thấy ráng vàng kết hợp với trời oi khó chịu, ao nước tự nhiên chuyển màu đen, sủi bọt, cá ngoi là đang sắp có bão lớn. Nếu thấy kiến tha trứng lũ lượt leo lên cao là có mưa lũ to sắp xảy ra.

          Bên hàng xóm có ông Bát rất hay nói trạng, khi mọi người nói về dự đoán thời tiết, thế nào ông cũng chêm vào một câu cho vui: Có gì đâu, cứ thấy mèo uống nước giọt nhà là mưa to. Thế là mọi người lại cười rúc rích, vì mèo uống nước giọt nhà thì tức là đã mưa to rồi, còn gì phải đoán nữa.

          Mỗi lần sắp có cơn bão to, tất cả người lớn, thanh niên đều tập trung chống bão. Cốt lõi nhất vẫn là giữ cho ngôi nhà không bị đổ. Mất ngôi nhà kể như là mất cả cơ nghiệp. Việc chống bão đầu tiên là kiếm lấy một số cột chống bằng tre bương khỏe chống vào các họng cột trong nhà. Chặt cọc tre đóng bên ngoài sân, sau vườn để ràng bốn góc nhà. Lấy cây mây và chão dừa thật chắc bện vào, một đầu buộc vào kèo nhà, một đầu ràng vào cọc thật chắc. Trên mái thì lấy cây chuối, chặt cho gẫy gập lại và đặt lên nóc chống tốc nóc. Còn mái thì ràng bằng tre hóa dài. Muốn đóng được cọc tre xuống đất sâu phải có vồ sàm (vồ lớn làm bằng những khúc gỗ chắc). Vồ sàm không phải nhà ai cũng có, những nhà không có phải đi mượn. Mấy bà góa hoặc có chồng đi bộ đội xa thì phải nhờ người đến đóng hộ, có người chưa mượn được, chưa có người giúp tủi thân ngồi khóc bất lực như bà Khoảnh, bà Dân. Mọi người xong việc nhà mình thế nào cũng sẽ đến giúp. Thầy tôi và mấy người trong xóm thế nào cũng sang giúp bác Chiến, bác Hiền, Chị Xuyến...

Tôi nhớ, việc chống bão thế nào cũng có sự xuất hiện của Ông Đào. Ông không phải là cán bộ nhưng ông là người có uy tín trong làng, mọi kế sách do ông bày đặt. Vồ sàm ở đâu có, đến chỗ nào mượn. Nhà nào cần bổ sung cái gì là ông bảo ngay. Ông cứ đi đến đâu là ở đó rất yên tâm. Thế rồi đâu cũng vào đấy cả. Không khí chống bão vì thế cứ ồn ã khắp làng trên xóm dưới. Nào là mượn vồ, mượn thuổng, chặt tre, chẻ lạt, be bờ ao, chống chuối Người lớn thì lo sốt vó, ngược lại bọn trẻ con chúng tôi lại thấy vui và chạy khắp xóm để xem chống bão.

          Sau khi bão tan hẳn, vài ngày sau mọi người lại chuyển cột chống xếp ra sau nhà, dỡ cây chuối trên nóc xuống, còn dây ràng vẫn để nguyên, trừ những dây vướng lối đi. Nếu nhà nào không bỏ cây chuối thì rạ ở chỗ đó sẽ bị thối và bị dột khi có mưa.

          Tôi nhớ nhất có một cơn bão lớn vào năm 1968, năm ấy tôi mới được 4 tuổi thôi, nhưng chẳng hiểu sao vẫn nhớ đến tận bây giờ. Đó là cơn bão số 8. Bão đổ bộ vào lúc ban đêm, mỗi ngày gió một mạnh hơn. mặc dù nhà đã được chằng chống kỹ nhưng cứ mỗi lần gió giật, ngôi nhà lại rung lên kêu răng rắc. Ngoài cửa che liếp, từng cơn gió hắt vào kêu ràn rạt. Mấy ngọn đèn hoa kỳ cứ tạt đi, lắc lư  rồi lại bùng lên rất to.  Thầy tôi bảo, không khéo đổ nhà mất. Từ lúc đó tôi rất sợ. Trong nhà ướt hết, chỗ thì dột, chỗ thì hắt, nền nhà không có chỗ nào khô. Thầy tôi lột hết chỉ giường chỉ để bạnh không cho bà nội và anh em chúng tôi ngồi vào trong phòng khi có đổ nhà thì có cái giường nó đỡ. Thầy tôi và anh Bình (anh cả) cứ xoay vần mấy cái cột chống vì sợ nó trượt ra khỏi họng cột. Thỉnh thoảng ông lại ngó ra ngoài xem gió chuyển hướng nào để chống cột tăng cường về hướng ấy. Đến gần sáng thì gió yên, thầy tôi lách cửa ra ngó lên trời, rồi ngó quanh hàng xóm, thông báo một số nhà bị tốc mái. Bu tôi hỏi: Liệu đã tan bão chưa mình? Thầy tôi bảo: Điềm này còn gió nam quật lại nữa, chắc đúng tâm bão rồi. Ông bảo anh Bình chuyển cột chống sang hướng nam, đóng cọc lại. Sau đó, ông bế em tôi là Trình (lúc đó mới một tuổi) và dắt tôi sang gửi nhà bác Hiền cho ngồi vào trong cái bể nước mui vòm đã tháo cạn. ở đấy có bác Chiến, bà Đào, Chị Nụ, Chị Luy (bằng tuổi tôi), Chị Na (cũng 1 tuổi) và ai đó nữa tôi không nhớ rõ.

          Y như lời thầy tôi, chưa đầy năm phút sau gió nam bắt đầu nổi lên, lần này gió giật mạnh ngay từ đầu. Vì ngồi trong bể nên không thấy gió mấy, chỉ thấy mọi người thỉnh thoảng lại sửa chỗ che miệng bể cho nước đỡ vào. Tôi cũng không biết tại sao lúc ấy em Trình và chị Na lại không khóc.

          Đến sáng thì bão tan. Bọn trẻ con chúng tôi tung tăng chạy khắp xóm để xem cảnh tượng sau trận bão, mặc dù trời vẫn mưa nhỏ. Vườn chuối đổ la liệt, những cây cam gẫy cành chỉ còn trơ lá xác xơ, những cây bạch đàn gẫy ngang thân chắn lối đi, những bụi tre gai dốc bồng trơ rễ màu vàng, cái mảng gốc của nó trơ đầy rễ vàng ươm, cao hơn cả đầu người lớn. Ao nào cũng đầy nước và nổi lềnh bềnh đầy lá cây. Cá thả vỡ bờ đi hết. Người lớn thì chắc xót lắm, còn chúng tôi cứ phấn khởi chạy tung tăng. Tôi nghe thấy bảo nhà chú Ngạch đổ nhà, Ngách – em họ tôi bị cột đè vào đùi suýt gẫy. Chúng tôi liền chạy ra xem thấy nhà chú Ngạch mái rạ úp sụp trên nền đất, xiên méo về một bên. Đấy là lần đầu tiên tôi chứng kiến một cái nhà bị đổ. Mọi người đến hỏi thăm, xuýt xoa chia sẻ. Rồi hỏi “Cu Ngách” có làm sao không?

          Sau này tôi thấy mấy anh thanh niên trạc tuổi Ngách (lúc đó khoảng 12, 13 tuổi) ngêu ngao đọc câu vè, chắc là do ông Bát sáng tác:

                   Cơn bão số tám vừa qua

          Làm cho anh Ngách xóm ta rụng rời,

                   Gió to quật đổ nhà rồi

          Cột quân đè dí, Ngách thời dập chân.

          Chắc đây cũng là kỷ niệm nhớ đời của chú Ngách. Vài ngày sau đó, tôi thấy mọi người trong xóm vác tre, đem rạ đến cho chú tôi, mỗi người một ít gom góp để chú tôi dựng lại nhà. Thế rồi cũng những người ấy lại chẻ lạt, buộc nhứng, trát vách, rồi ai lại về nhà nấy ăn cơm mỗi người mỗi việc để ngôi nhà nhanh chóng hoàn thành. Tình làng nghĩa xóm thật sâu đậm.

Phía trước nhà tôi có một cái ao, lúc nhỏ tôi thấy nó to lắm, sau này lớn lên mới thấy nó nhỏ. Xung quanh bờ Thầy tôi trồng tre hóa, tre vân, tre trúc và tre bương. Tre bương thân to nhất, đốt ngắn nhẵn nhụi, màu xanh và không có gai. Lá tre bương rất to, chúng tôi thường lấy lá gấp thuyền rồi thả xuống ao chơi. Thân tre bương thường để làm cột nhà, cây lớn làm cột cái, cây nhỏ làm cột quân. Tre bương còn dùng làm khung vó bè. Có khi còn được dùng làm bắp cày và mõ mạ. Bắp cày thì ai cũng biết, còn cái mõ mạ chính là cái mà khi làm xướng mạ, muốn gieo được mạ đều, ít cỏ, sau nhổ mạ dễ thì phải làm cho ruộng mạ thật phẳng, bằng cách dùng một đoạn tre bương vừa phải, thẳng, đục lỗ cho vừa răng bừa, cắm răng bừa vào đó khi bừa mạ, gọi là mõ mạ. Từ mõ ở đây chính là chỉ mấy cái lỗ trên thân cây tre.

Tre hóa thân thon bằng bắp chân đến bắp tay người lớn, dóng dài khoảng ba tấc, vươn cao, lá nhỏ và có rất nhiều gai. Thân và lá màu hơi vàng. Bụi tre hóa đan ken kín vào nhau. Thân tre hóa thường dùng làm kèo, đòn tay, duỗi và rui, mè mái nhà. Có thể dùng làm gọng vó bè, cây thon nhỏ thì làm gọng vó bẩy. Ngoài ra còn dùng để làm cán cuốc, cán vồ; đan các dụng cụ bằng tre như rổ, rá, rấng, nong , nia, mẹt, thúng, dần, sàng, sọt, bu gà, vây vịt, kên nơm và có thể đan cả thuyền nan. Cây nào bị kiến đục lỗ làm tổ, thủng dọc một bên thân gọi là tre mõ ma, thường dùng làm mõ dậm. Tay tre là những cành mọc dài và to bằng cán dao có thể dùng chẻ lạt buộc nhà, buộc mạ Lúc tay tre còn là cái măng chĩa dài ra, mọi người thường bẻ măng tay tre về nấu với con rươi, nếu là mùa rươi. Món rươi thì ngon tuyệt, nhưng sẽ nói vào một dịp khác vậy.

Kể ra một loạt như vậy nhưng có một số đồ vật giới trẻ sau này không biết đến nữa. Chẳng hạn như cái nong là để đặt xuống đất cót thóc, cái nong đặt dưới đất, trước khi đặt phải rải rơm và lá chuối khô xuống chống ẩm, cái cót quây xung quanh, lấy dây thừng quàng một vòng sau đó đổ thóc vào trong cót; Tôi nhớ có lần bà Cạm ở xóm gần nhà ông Bát, có mấy tờ 2 hào xanh để cẩn thận trong cót thóc, chuột vào ăn thóc công luôn cả tiền làm bà cụ khóc mấy ngày.

Cái nia thì để hứng gạo và trấu dưới cối xay lúa, sau đó để sẩy trấu; sau đó cũng dùng để đựng khi sàng sẩy, dần gạo, rổi sẩy trấu và bổi ra khỏi gạo. Cũng có lúc người ta đem cái nia ra để đặt làm chỗ mổ lợn.

Cái sàng, có hai loại, sàng thưa và sàng dầy. Sàng thưa để sàng gạo ra khỏi trấu. Còn sàng dầy để sàng tấm ra khỏi gạo. Cái mẹt thì để sẩy bổi gạn lấy tấm sau khi dần gạo từ cối giã. Cũng có khi dùng cái mẹt lót lá chuối vào để đựng bánh đúc, có khi đựng cả c[ms, xôi vò. Cái rá thì để vo gạo; cái rấng thì để lọc cua, lọc cáy;.v.v.

Tre vân thì thân nhỏ, thấp, đốt ngắn, lá nhỏ và nhiều từ gốc đến ngọn, trồng làm bờ dậu dọc bờ vườn. Trẻ con hay chặt tre vân dùng làm súng bắn giấy hoặc làm con khăng để chơi. Lá tre vân còn được lấy để làm búi mồi ngâm giá đỗ, làm lá xông mỗi khi bị cảm.

Còn tre trúc thân nhỏ, đốt dài thon từ gốc đến ngọn, màu vàng, lá thưa. Tre trúc thường để già, chọn những cây dài để làm cần câu cá to như cần câu vút câu cá chuối, cá sộp; chọn cây nhỏ làm cần câu cá rô, cá giếc, cá ngạo. Cây đốt dài và to có thể chọn để làm sáo trúc. Tôi cũng đã vài lần được xem anh Khương, chú Trúc nung dùi để khoét sáo.

Bờ vườn, bờ ao nhà tôi, thầy tôi trồng cả những bụi mây, nhà ai cũng có mây cả, vừa dùng để buộc đòn tay nhà, vừa để nức rổ rá, thúng, mẹt, đồ tre đan ... Nhưng trồng thì phải trồng mây khôn, vừa ít gai, vừa dẻo. Cây mây dại nhiều gai, giòn, khhong thể dùng để buộc, nức đươc. Nhưng người ta vẫn trồng vì để rào vườn, chống kẻ gian hoặc lợn gà vào phá. Vì ngày xưa nuôi lợn gà toàn thả rông chứ không nhốt như bây giờ.

Xung quanh ao, bám lên cành tre toàn là cây ràn rạt (Có nơi gọi là cây máu đỉa, vì quả chín màu như máu con đỉa, trông hơi giống quả nho). Cây ràn rạt xõa xuống mặt ao, phủ kín hườm hàm ếch bờ ao, bên dưới tua tủa rễ tre tạo ra chỗ trú của cá và ếch nhái. Con nhái bén thường làm tổ đẻ trứng thành một túm bọt trắng và to, treo lơ lửng, mọi người gọi là trứng bọ ngoác. Những đêm mưa rào, ếch nhái trú ngụ trong đó nhảy ra kêu vang cả mặt ao.

 Ao tuy không rộng nhưng nước trong mát lắm. Cầu ao bắc đầy đá cuội. Thầy tôi và chú Ngạch chiều đến hễ đi làm đồng về thể nào cũng xuống tắm.

          Tôi nhớ hồi còn chưa biết bơi, chắc khoảng 5 tuổi gì đó, có một lần tôi xuống ao tắm cùng với chị Tiến, có cả Hợi – em họ tôi, con chú Ngạch (Cả 2 đều sinh năm 1959), lần ấy tôi bị tụt xuống chỗ sâu, tôi sặc nước, chới với và rất sợ. Một lúc sau thì chị Tiến trông thấy và túm tay tôi kéo lên. Chậm một tí nữa là có thể tôi bị chết đuối rồi. Mãi đến năm tôi lên bảy tuổi mới bơi được qua ao.

Cái ao ấy, sau này các chú thương binh về quê tôi an dưỡng cũng tắm ở đó, ở nhà tôi có chú Nhận, chú Thi, các chú trọ ở hàng xóm cũng sang tắm, chúng tôi thường xem các chú tắm vì có một số chú cụt tay, cụt chân. Có lần chú Biều cụt một tay, thấy chúng tôi xem, chú ấy đưa cả chỗ tay cụt ra dọa làm chúng tôi chạy tán loạn.

Ngay cạnh bờ ao Thầy tôi trồng một cây khế ngọt, ông xin giống tận nhà ông Vọng, bạn cùng ở Bắc Giang với Thầy tôi bên Hòa Ung, Ninh Giang. Cây khế năm nào cũng sai trĩu hoa và đỗ nhiều quả. Quả khế ngọt khi lớn đẫy rất to, không nhỏ như khế chua. Khi quả mới ra, lúc mới bằng quả nhót to, thừa lúc người lớn vắng nhà, chúng tôi lén đã ra vườn vạt ăn, nhưng khế non đắng ngắt không ăn được đành vứt xuống ao. Sau này, những quả chín đầu mùa, Bu tôi lấy xuống và xẻ từng múi cho chúng tôi ăn thử, lúc đó cái gì mà chẳng ngon, nhưng vị ngọt của quả khế thì không thể nào quên được. Do cây khế chỉ cách đường đi một cái bếp, các anh chi đi học rất hay chui rào vào hái trộm. Ngày nay trẻ con không còn lấy trộm hoa quả nữa, chứ ngày ấy, việc vặt trộm cam, bưởi, chuối, khế là chuyện bình thường ...

Sau nhà Thầy tôi trồng mấy cây xoan, lúc nhỏ thì tôi không để ý, khi cây xoan đã cao, chúng tôi hay trèo lên chặt cái cành xoan to bằng cán cuốc xuống để làm con khăng. Thầy tôi bảo, thầy trồng mấy cây này để sau làm xà nhà. Tôi nghĩ, nó bé thế thì đến bao giờ mới to mà làm được, Ông bảo, thế mà không mấy đâu. Cây xoan thân thẳng, mau lớn thật, chỉ mấy năm đã cao năm sáu mét. Muốn cho cây xoan cao, thẳng mà sau làm được xà phải để nó lên thật thẳng, không được để gẫy ngọn lúc còn nhỏ, khi cành ngang mọc ra phải róc đi, để 1 thân thôi, nếu để cành to mới róc thì một là vẹo, hai là sầu; khi nào đạt hơn 4 m mới để xòe cành ra, nếu không nó sẽ cong. Cây xoan đến mùa ra hoa thì thật đẹp, hoa xoan màu xanh xanh và tim tím, lẫn với màu trời trắng đục của mùa xuân mang màu sắc mơ màng ... Thế mà sau này mấy cây xoan to, thầy tôi chặt xuống ngâm xuống bùn, sau này làm được xà nhà thật.

Không thể nào kể hết được những kỷ niệm êm đềm quanh ngôi nhà thân thuộc của mình. Những bờ tre, gốc vải, đống rơm, đống rạ, cây cau, cây dừa, cây khế, cây cam, cây mít, tiếng chim...

Tất cả những hình ảnh, những âm thanh thánh thót cua gió, của mưa, của nắng, của nước, của lũy tre, hàng dừa, sáo diều hòa với âm thanh tiếng trẻ thơ vẫn còn rộn rã trong ký ức, cứ ùa về như tuổi thơ vẫn còn quanh quẩn đâu đây thôi.

CỐI XAY, CỐI GIÃ

Nhà tôi cũng như mọi nhà trong xóm đều có một các cối xay lúa. Thầy tôi thường để ở chái nhà hướng đông.
Cối xay có thớt dưới, thớt trên, váy cối, chân cối, ngõng cối nằm ở thớt dưới, tai cối, cổ áo cối nằm ở thớt trên và  cái để xay là giàng xay có dây treo.
Lúc bà nội tôi còn khoẻ, bà vẫn thường hay ở nhà xay lúa, sàng xẩy. Sau này chị Tiến và anh em tôi cũng đều biết xay lúa cả. Tuy nhiên xay lúa cũng phải biết cách, xay vừa phải, đều tay thì hạt chín nhiều (hạt vỡ trấu) nếu vội mà xay nhanh, nhất là vớ phải cái cối lồng lên sồng sộc thì sống hết. Sống nhiều thì sàng xong, bốc ra phải xay lại, lúc đó gạo sẽ bị nát thành tấm. Lúc xay lúa một mình, bọn gà trống, gà mái hay vào xốc trộm thóc, đuổi chúng không chạy; thế là lại phải lấy một tàu chuối khô buộc vào một bên tai cối để đuổi lũ gà. Ngày bé tôi còn thấy bà tôi lấy cái áo tơi rách buộc vào đó mỗi khi bà xay lúa, đấy là lần cuối cùng tôi nhìn thấy chiếc áo tơi, vì sau này mọi người đều dùng nilon để khoác trời mưa nên áo tơi không còn tồn tại ở quê tôi nữa.
 Tuổi thọ của cối xay phụ thuộc vào chất lượng cối và lượng xay nhiều hay ít. Có nghĩa là chất đất sét, dăm cối và tay nghề thợ đóng cối. Nhà nhiều người thì năng phải đóng lại hơn. Thường cứ một đến hai năm lại đóng lại một lần. Dăm cối thường do thợ đóng cối mang đến, thường là bằng gỗ nghiến, nhưng cũng có khi do gia đình đã chuẩn bị sẵn một ít gỗ nhãn, gỗ vải, thợ đến lại thêm một khâu chẻ dăm rồi mới vào việc được. Mỗi làng thường có một ông thợ đóng cối, nhưng hình như ở làng Dừa lại không có, vì tôi thấy thầy tôi hay mời ông thợ ở Thanh Kỳ hoặc ở Minh Đức sang đóng. Ngày ấy thợ đóng cối thường đến nửa buổi sớm, làm đến trưa ăn cơm qua quít với gia chủ, đến bữa tối thì cơm nước mới thịnh soạn hơn, có con gà, con cá, chai rượu gọi là làm vui. Thợ đi đóng cối cũng chỉ đi kiếm cơm vậy thôi, ngoài tiền dăm cối thì công sá cũng chẳng là bao, chỉ vài đồng bạc.
Tuy thế, nếu nhà có thợ đóng cối cũng vui ra phết. Chúng tôi thường xúm xít xung quanh ông thợ, xem thợ ra nan, vót tre, đan lồng cối. Nếu cối cũ quá thì phải đan tân khoa, việc này hơi lâu, tuy nhiên nếu được gia chủ đồng ý thì ông thợ đan sẵn ở nhà rồi mang đến đóng luôn. Nếu gia chủ không có nhiều tiền thì ông thợ phải chặt tre, ra nan, đan lồng tại gia chủ, tất nhiên tiền công đóng tân khoa sẽ nhiều hơn. Bọn trẻ chúng tôi thường tò mò xem ông thợ lôi ra từng thứ đồ nghề, trong đó có cưa, vồ to, vồ nhỏ, đòn quai bằng lim (Trông như cây thiết bản của Tôn Ngộ Không), nêm to, nêm nhỏ, mỏng dầy khác nhau, liềm vét đất, thích nhất là cái gọi là chân chó. Gọi là các chân chó vì nó giống hệt các chân chó, ông thợ dùng để miết đất cho nhẵn và để đóng vào những chỗ ngóc ngách của cối mà vồ không thể làm được.
Sau khi đan hoặc dặm lồng cối, ông thợ xem ngõng cối còn dùng được không, nếu đã mòn quá thì thay cái ngõng mới, nếu không khi xay một là gẫy, hai là lồng. Ngõng thường làm bằng gỗ tốt để được lâu, những cái ngõng cối mòn, chỗ tiếp xúc thắt ngẫng lại rất nhẵn và đẹp, chúng tôi thường lấy để chơi. Qui trình đóng cối nếu tả lại tỉ mỉ thì nhiều khâu lắm. Tóm lại là thế này: Đem đất sét khô ra đập nhỏ, rảy nước cho ẩm đều, cho vào lồng cối để nhồi nện cho chặt. Thớt dưới thì cấy ngõng cối, đặt chân ngõng phải thật chính xác vào chính giữa, đầu ngõng cũng phải cách đều xung quang nên phải đo đi, đo lại nhiều lần trong quá trình nhồi đất. Thớt trên thì phải đặt cổ áo cối và cũng phải làm tương tự như đặt ngõng cối. Khi lượng đất đã đủ và chặt, lật ngược thớt trên để đóng dăm, thớt dưới để nguyên và đóng dăm. Mỗi thớt đều có 8 múi dăm, cùng chạy hình lược theo ngược chiều kim đồng hồ, chính vì thế khi lật thớt trên ngược lại, các múi dăm lại chạy giao nhau, ta xay ngược chiều kim đồng hồ, các mặt dăm xiết vào nhau và kéo gạo và trấu từ trong ra ngoài. Đóng dăm xong, ông thợ lấy cái chân chó đục đất ở thớt trên cho thủng xuống tận cổ áo cối, lấy cái liềm vét đất thành cái phễu thật dốc, đều và nhẵn, lấy chân chó nêm chặt những chỗ gấp khúc mà vồ và đòn không thể với tới. Đây là chỗ để đổ thóc vào xay. Sau đó ông thợ lại úp thớt trên xuống, đem thớt dưới úp ngược vào thớt trên, đoạn nền chặt thêm đáy thớt dưới, lấy liềm vét bằng cho đẹp rồi để chân cối lên đóng 4 cọc vào để giữ chân cối. Thế là công việc gần như hoàn tất. Bây giờ chỉ việc lật cối lên, xay thử xem sống chín, lồng em thế nào, lấy nêm sửa lại một chút nữa, thế là xong.
Sở dĩ tôi tả được tỉ mỉ thế này là vì, đến năm 16 tuổi tôi đã tự mình đập cối ra đóng. Do rất hiểu về độ cân bằng, độ nghiêng của dăm cối ở 2 thớt, tôi đóng xong, dù là tác phẩm đầu tay nhưng không hề phải sửa một chút nào mà xay lúa vẫn rất chín. Tôi nhớ bên hàng xóm ai cũng trầm trồ, có chị Xuyến là chị dâu họ thì cứ xuýt xoa không ngớt: Sao lại không học ở đâu mà đóng đước cối mới tài chứ. Thực ra chúng tôi đã học từ những lần xem đóng cối từ nhỏ rồi, sau này có kiến thức thi việc đó cũng không khó gì cho lắm, có ai không học mà làm được đâu.
Nói cối xay lại phải nói thêm đến cối giã gạo. Cả xóm tôi hàng mấy chục nhà mà cũng chỉ có nhà tôi và nhà ông Bát có cối giã gạo. Tôi cũng không biết có từ bao giờ, nhưng tuổi thọ chắc đã rất lâu vì đát cối đã thủng một lỗ bằng miệng bát, đã phải tré bằng xi măng. Xóm trên có nhà ông Kham, ông Chử, xóm ngoài có Bà Tựa có cối. Cối giã gạo nó gần như một tài sản văn hoá cộng đồng vậy. Chẳng phải nhà nào có cối giã gạo người ta cũng đến giã đâu, phải là gia đình tử tế, sạch sẽ, ân cần, dễ tính.
Cối giã gạo gồm có cần cối, chày, cối đá, tai cối, bệ đứng, tay vịn và chống cối. Chày thường được bịt thép và có đóng dăm bằng gang lưỡi cày gọi là mỏ cối. Cối đá thường được chôn dưới đất, miệng bằng mặt đất. Xung quang miệng cối phải đầm, láng thật nhẵn và sạch để quét gạo và cám trở lại khi giã nó bắn lên. Cần cối là một cây gỗ to, đẽo vuông, dài khoảng hơn 3 m, nặng, đầu to hơn đuôi. Tai cối thường đục 1/3 phía đuôi cần. Bệ đứng thường liền với bệ đỡ tai cối, đặt và chốt cố định, chắc chắn trên mặt đất, cao hơn mặt đất chừng 10 đến 15 phân để đứng giã, ở trong lòng đào lỗ sâu để đuôi cần cối nhún xuống khi bẩy cần cối lên.
Cối nhà tôi đặt ở dưới bếp, người đến giã gạo thường đem gạo xay đến, dù có người hay không có người ở nhà thì cũng nói to lên một câu: Tôi giã nhờ cả nhà cối gạo nhá. Nếu bà tôi ở nhà thế nào cũng nói: Vâng, ai đới? Họ lại bảo: Cháu đơi. Chỉ nghe tiếng bà đã có thể biết chính xác đấy là ai. Giã gạo là giã nhờ thực sự chứ không như thời bây giờ cái gì cũng dịch vụ nên không bao giờ nghĩ đến phải trả công sá gì. Thời điểm người ta đến giã gạo là lúc sau giờ nấu cơm chiều hoặc buổi tối sau khi ăn cơm tối, hoạ hoằn cũng có người đến giã vào ban sáng và ban trưa. Không có ai lại đem giã gạo vào lúc nấu cơm vì khói không giã được, với lại lúc đó nhà ai cũng bận nấu nướng, không có người giã gạo. Dịp gần tết là nhộn nhịp nhất, nhà nào cũng giã hai ba cối liền lúc vì nào là gạo ăn, nấu xôi lại còn gói bánh nữa.
Quanh cái cối giã gạo cũng nhiều chuyện hay ra phết. Mỗi khi giã gạo thường có 2 đến 3 người, hoặc là cùng giã, hoặc là thay nhau. Mỗi cối gạo giã khoảng 1000 chày là được. Nếu là người lớn đến giã thì thường nói chuyện thời tiết, mùa màng, mạ mộng, kinh nghiệm trồng cấy hoặc thông tin chuyện trong làng ngoài xã. Thời chống Mỹ thì nói những chuyện nghe được trên đài truyền thanh hoặc nghe mấy bác cán bộ kháo nhau về ta thắng ở đâu, bắn rơi máy bay Mỹ bao nhiêu chiếc.
 Mùa đông giã gạo thì ấm chứ mùa hè nóng nực nhễ nhại mồ hôi chẳng ai thích. Nhà nào mà có mấy anh chị em rãu rãu cùng nhau giã thì thế nào cũng cãi nhau chõm choẹ. Thứ nhất là tranh nhau đứng trên cho nhẹ, không bị mỏi chân, chẳng đứa nào muốn đứng dưới cùng vì nặng và mỏi chân nhất. Nếu không phân giải được thì chia, đứa lớn thì đảm nhiệm hết thời gian và đứng sau, còn hai đứa bé mỗi đứa 500 chày, lại đến đận tranh nhau giã trước cho nhẹ vì lúc đó còn trấu, chày nó nẩy, về sau nó mút chày nặng hơn. Đã thế lại đếm ăn gian nóng mốt nóng hai, có khi mới 400 chày đứa trước đã bảo hết phần mình chạy ra, thế là lại chõm choẹ lần nữa. Đến cuối buổi có khi chỉ còn mỗi đứa lớn đảm nhiệm vì không bảo được hai em, hơn nữa cũng đỡ điếc tai. Trường hợp này hay xảy ra ở anh em nhà chị Thu, anh Đông, chị Xuân hoặc Anh Tuyên, Chị Mây và Hưng.
Cạnh nhà tôi có vợ chồng anh Chư, chị Xuyến sinh được toàn con gái, lúc tôi 16, 17 tuổi thì cũng chỉ mới có đứa lớn là đi giã gạo với bố mẹ được. Anh Chư là bộ đội phục viên, cũng rất hài hước. Khi bắt đầu giã gạo anh thường bảo với con gái: Cuộc hành quân thần tốc không di chuyển vị trí của bố con ta bắt đầu. Có hôm vừa giã gạo, anh vừa giảng giải cho con gái lớn cách dỗ em rất qui lát:
-Thế này nhé, khi bố mẹ vắng nhà, nếu trông em mà thấy em khóc thì có một trong ba nguyên nhân sau đây:
Thứ nhất là đói, lập tức lấy cơm nguội cho em ăn, nghe chưa?
Thứ hai, nếu vẫn khóc thì có thể nóng quá hoặc lạnh quá: Nóng thì quạt, lạnh thì ủ ấm thêm;
Thứ ba, nếu vẫn tiếp tục khóc thì đích thị là ốm, lập tức bế em sang hàng xóm nhờ xem hộ ngay.
Nhớ chưa?
Đứa con thì vâng ạ còn chị Xuyến thì cứ cười ngặt cười nghẽo nghẽo vì cách nói hài hước quân sự của chồng.
Giã gạo mà nên thơ nhất là có đôi nào thích nhau, tối mùa đông mà theo nhau đi giã gạo thì cứ gọi là yên thít, chỉ thấy tiềng chày lúc khoan, lúc nhặt lẫn với tiếng trêu ghẹo nhau khúc khích thôi. Nếu gặp cô nào xinh thì thế nào cũng có vài anh đi theo tranh nhau giã cùng.
Chính vì những lý do này mà tôi nói, cái cối giã gạo giống như một tài sản văn hoá cộng đồng vậy.
Đến những năm 1991, 1992 gì đó thì nhà tôi và nhà chú Ân có mua chung một cái máy xát gạo, xát thuê cho hàng xóm. Lúc đó chưa có điện, máy xát phải chạy bằng một cái máy diezen 15 mã lực, inh cả tai. Máy do Tú con chú Ân, và Trường em trai tôi vận hành. Lúc đó tôi học ở Học viện Chính trị, những ngày nghỉ hè thỉnh thoảng cũng đứng máy thay cho các em. Có một lần máy chạy long lên sòng sọc, rung bần bật không thể nào xát được gạo, nếu tiếp tục chạy nó sẽ phá tan cả máy nổ và máy xát. Không ai biết nguyên nhân tại sao. Tôi lấy sơ đồ tổng thành của máy ra đọc, thuyết minh toàn bằng chữ Trung Quốc, nhưng tôi bập bõng đọc được. Cộng với kiến thức về máy của xe tăng đã học trước đó, tôi đưa ra nhận định:
-Có thể máy bị gãy trục của quả đối trọng.
Tú lúc đó mới bảo:
-À đúng rồi anh ạ, nó là quả văng anh ạ (Tú cũng đi thuyền và cũng biết về máy nổ nên gọi nó là quả văng)
Thế là tôi và Tú tháo máy ra kiểm tra, đúng như dự đoán, máy bị gãy trục quả đối trọng -“Quả văng”.  Tôi bảo Tú lên huyện mua quả đối trọng về để thay, tôi và Tú hì hục tháo ra thay quả mới vào. Có rất nhiều các điểm dấu trên các bánh xe, trục cam cần ghi nhớ, nếu lắp sai máy sẽ không nổ, điều ấy tôi đã để ý và học được trong lần tháo máy này. Khi lắp xong, máy lại chạy êm ru. Đấy là lần đầu tôi sửa máy Diezen và đã thành công. Sau này có điện, máy xát chạy bằng moter điện, tiện lợi hơn nhiều. Nhưng cũng từ đây, cái cối xay lúa và cái cối giã gạo mỗi ngày một vắng bóng đi rồi mất hẳn. Nhưng trong lòng vẫn nhớ như in hình ảnh của nó.