Chẳng là, rằm tháng tám
năm Kỷ Sửu – 2009, tôi không về vui Trung thu cùng hai con được, mặc dù hôm đó
là thứ bảy. Cũng là câu chuyện thường tình của người lính. Tôi rất áy náy vì đã
trót hứa là sẽ về với hai con, bởi đã biết trước hôm đó không phải là lịch
trực của mình. Bất ngờ tôi lại được phân công trực.
Thế là đã mấy trung thu tôi đều vắng nhà. Cuộc đời bộ đội, cống hiến suốt đời là để giữ lấy
nền hoà bình cho Tổ quốc, cho mọi người, trong đó có cả những đêm trung thu yên
bình cho con trẻ, có bố, có mẹ cùng ngắm trăng thu. Vậy mà nay trong hoà bình
con mình vẫn chưa được hưởng một điều tưởng như đơn giản ấy. Nếu có ai đó hiểu
biết và cảm thông một chút sẽ không để điều này xảy ra, bởi có nhiều người ở rất gần doanh
trại, còn chúng tôi quanh năm xa nhà. Trong lòng cũng thầm trách cái vô tình
ấy. Tức cảnh tôi mới làm một đoạn văn vần và có đính kèm một bức tranh chị Hằng
Nga (hai câu cuối trong tranh có khác) gửi mail cho 2 con trai:
Bức tranh Chị Hằng Nga |
Vắng bố
không quà, cũng không hoa
Trăng rằm
tròn mấy cũng rất xa
Xưa bố treo
trăng trên đầu súng
Nay trăng
theo bố lại vắng nhà.
Lỡ hứa bố
bỗng thành chú cuội
Đèn lồng
đành để dưới gốc đa.
Chỉ trách
“Chị Hằng” sao vụng thế?!
Chẳng đến
mang trăng ghé qua nhà.
Nhận được mail tôi gửi, cháu chữa lại thế này:
Vắng bố, mẹ
thay bố mua quà
Trăng rằm
tròn mắt bởi nhớ cha
Xưa bố treo
trăng trên đầu súng
Nay
trăng bố gửi đã đến nhà.
Hay đùa nên
bố thành chú cuội
Đèn lồng bố
gửi chị Hằng Nga.
Chỉ trách
chị Hằng đi chậm quá!
Bởi thế nên
trăng mới khóc oà.
Mấy hôm sau đọc lại, tôi thấy cũng buồn cười cho mình.
Bố tâm sự về trăng rằm có phần sâu xa, còn con trẻ lại hiểu mọi điều vô cùng
trong sáng. Lòng tôi thầm nghĩ, hãy để cho tâm hồn trẻ thơ mãi trong sáng như
trăng rằm thế. Rồi mai đây, khi cháu chuẩn bị bước vào đời, tôi sẽ nói với cháu
những điều sâu xa này, để cháu giữ được tấm lòng trong sáng khi đã trở thành
người lớn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét