Thứ Năm, 2 tháng 7, 2015

BÁO CÁO ĐIỂN HÌNH CỦA LLVT QUẢNG NINH

          Ngày 01 tháng 7 năm 2015, tại Thủ đô Hà Nội diễn ra Đại hội Thi đua quyết thắng toàn quân lần thứ IX.
          Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh là một đơn vị điển hình tiên tiến của Quân Khu 3 được vinh dự báo cáo tại Đại hội. Thành tích của LLVT Quảng ninh rất toàn diện nhưng Ban tổ chức Đại hội chọn Quảng Ninh báo cáo về kết quả, kinh nghiệm phong trào thi đua "Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới" do Đại tá: Nguyễn Trung Trịnh Chính ủy, Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh báo cáo.
          Trước đó, 16 giờ chiều ngày 26/6/2015, Đoàn đại biểu điển hình tiên tiến được gặp Chủ tịch nước Trương Tân Sang tại Phủ Chủ tịch. Sáng ngày 30/6/2015 vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, được tham quan Nhà Quốc hội và được gặp Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng.
          Cũng chiều ngày 30/6/2015, Ban Thi đua khen thưởng Trung ương họp dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng ban Thi đua khen thưởng Trung ương đã bỏ phiếu tán thành công nhận Danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho LLVT Quảng Ninh. Quả thật một niềm vui lớn.
          Dưới đây là Báo cáo trong Đại hội:

Kính thưa: Đoàn Chủ tịch, kính thưa các đồng chí Đại biểu.
Kính thưa toàn thể Đại hội!
Quảng Ninh là tỉnh miền núi, biên giới, biển đảo đông bắc của Tổ quốc; có vị trí chiến lược về Quốc phòng -An ninh. Trong những năm qua, Cán bộ, chiến sỹ LLVT tỉnh đã thể hiện rõ tính tích cực, sáng tạo, đoàn kết, dũng cảm, vượt qua khó khăn, gian khổ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Từ năm 2012, cùng với các đơn vị trong toàn quân, LLVT tỉnh thực hiện phong trào thi đua "Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới" đạt được một số  kết quả, tuy còn rất khiêm tốn nhưng hôm nay rất vinh dự được báo cáo trước Đại hội.
Ngay từ đầu, Đảng ủy, Chỉ huy đã xác định, quá trình thực hiện phong trào sẽ gặp rất  nhiều khó khăn, bởi vì:
Nông thôn của Quảng Ninh, chủ yếu là vùng dân tộc miền núi, vùng sâu biên giới, biển đảo, dân cư thưa thớt, mặt bằng kinh tế, xã hội, nhất là các chỉ tiêu về đường giao thông, nước sạch, hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa còn rất thấp; tỉ lệ hộ nghèo đầu năm 2011 chiếm 7,68%; có nơi điện lưới còn chưa đến được với đồng bào như ở huyện đảo Cô Tô, Vân Đồn. Xây dựng nông thôn mới phải cần đến nguồn kinh phí và công sức rất lớn mới có thể đạt được.
Tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu phấn đấu rất cao: Cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới vào năm 2015, trước so với cả nước 5 năm. LLVT được lãnh đạo tin tưởng xác định là một mũi nhọn tham gia.
Đảng ủy, chỉ huy rất trăn trở: Làm thế nào, bắt đầu từ đâu, lộ trình ra sao để thực hiện?
Chúng tôi ý thức rất sâu sắc rằng: Nông thôn là căn cứ địa Cách mạng trong kháng chiến, là hậu phương lớn trong công cuộc đấu tranh giải phóng Dân tộc và trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nếu để nông thôn còn nghèo khó, lạc hậu là mình có lỗi với bà con.
Xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng, là mục tiêu quốc gia. Xây dựng nông thôn mới còn là nhiệm vụ củng cố một bước về thế trận Quốc phòng – An ninh trong khu vực phòng thủ. Chúng tôi nhận thức rõ đây là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng, dù khó khăn đến mấy cũng phải thực hiện cho bằng được.
Trước tình hình đó, Đảng ủy, chỉ huy đánh giá:
LLVT tỉnh, ngoài đơn vị thường trực, còn có biên chế các tiểu đoàn, đại đội tự vệ với hàng vạn cán bộ, chiến sỹ; Lực lượng dự bị động viên với trên 10 vạn quân. Trên địa bàn có tới 43 đơn vị chủ lực, kho, trạm, bộ đội biên phòng, doanh nghiệp Quân đội đóng quân với quân số khá lớn. Các đơn vị LLVT trên địa bàn có kinh nghiệm trong tổ chức các hoạt động công tác dân vận.
Chúng tôi xác định, nhân dân sẽ là nguồn sức mạnh chủ yếu, là chỗ dựa quan trọng của LLVT trong thực hiện nhiệm vụ.
Đây là những yếu tố thuận lợi để có thể huy động lực lượng và nguồn kinh phí hỗ trợ.
Sau khi phát động phong trào, Đảng ủy, chỉ huy đã tham mưu cho tỉnh xây dựng một đề án riêng cho LLVT; chỉ đạo Ban CHQS cấp huyện tham mưu cho địa phương xây dựng kế hoạch tổng thể và kế hoạch của từng năm. Phân định rõ nhiệm vụ, công việc của từng cơ quan, tổ chức như: quân sự, công an, Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể... Riêng Ban CHQS được xác định là trung tâm hiệp đồng “kết nối” giữa LLVT với các lực lượng, với các địa phương, cơ sở.
Đảng ủy, chỉ huy đã trao đổi, hiệp đồng trực tiếp với các đơn vị quân đội, các doanh nghiệp trên địa bàn. Trực tiếp đề nghị Thủ trưởng Quân khu, Bộ tư lệnh Biên phòng, các quân, binh chủng tạo điều kiện để các đơn vị thuộc quyền kết hợp hành quân giã ngoại với lao động giúp dân.
Chúng tôi đã phối hợp với Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, chỉ đạo các đơn vị tự vệ ngành Than giúp 5 huyện khó khăn nhất là: Ba Chẽ, Tiên Yên, Bình Liêu, Hải Hà, Đầm Hà. Sau đó đã mời ban giám đốc các doanh nghiệp trực tiếp đến khảo sát tận các thôn, khe, bản để họ chứng kiến, thấu hiểu đời sống của đồng bào ở những vùng sâu khó khăn, cần được giúp đỡ. Sau khi chứng kiến, họ đã xung phong hỗ trợ một cách rất tích cực, kể cả kinh phí và lực lượng. Riêng Tổng công ty Đông Bắc/BQP đăng ký giúp kinh phí xây dựng toàn bộ công trình di dân ra đảo Trần của Huyện Cô Tô.
Với cách chỉ đạo đồng bộ và quyết liệt, đặc biệt là đột phá vào khâu khó nhất là làm thay đổi nhận thức, để nhân dân nhận rõ mình là chủ thể của phong trào, từ đó tự giác hiến đất làm công trình, đóng góp hỗ trợ nguồn lực. Đảng ủy, chỉ huy xác định “khó đâu, giải đó”: Đã cùng với Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể địa phương, các già làng, trưởng bản, các nhà sư, linh mục, chức sắc, chức việc tôn giáo cùng làm công tác vận động... đã qui tụ được các lực lương, các tầng lớp nhân dân vào cuộc, tạo thành phong trào to lớn ở khắp các vùng nông thôn trong tỉnh. Sau mỗi việc lại tổ chức các hội nghị đầu bờ để rút kinh nghiệm.
Từ năm 2012 đến 2014, LLVT tỉnh, các đơn vị đóng quân trên địa bàn đã cùng các lực lượng vận động nhân dân hiến trên 700.000 m2 đất, tháo dỡ 35 nghìn m2 tường bao, hiến chặt 30 nghìn cây ăn quả. Các lực lượng vũ trang đã ủng hộ trên 107 tỷ đồng (Riêng LLVT tỉnh góp gần 16 tỷ đồng); đóng góp trên 10 vạn ngày công, tham gia làm gần 50 km đường bê tông; 226 km đường cấp phối; nạo vét, nâng cấp trên 83 km kênh mương; hỗ trợ giống vốn, công cụ sản xuất giúp 61 hộ thoát nghèo bền vững; Khắc phục được nhiều tập quán lạc hậu, xây dựng được nếp sống văn hóa mới của đồng bào.
Riêng đối với huyện Đông Triều là đơn vị được chọn làm điểm: Chúng tôi đã chỉ đạo Ban CHQS huyện nhận đỡ đầu xây dựng 3 thôn nông thôn mới với mô hình: “sáng, xanh, sạch, đẹp”. Huy động LLVT và nhân dân làm đường liên thôn, nâng cấp kênh mương; hỗ trợ vật liệu xây dựng, tu sửa nhà văn hoá, nhà trẻ. Trồng cây bóng mát, trồng hoa, lắp điện chiếu sáng, dựng các pano tuyên truyền trên trục đường liên thôn... với số tiền mỗi thôn lên tới hàng tỷ đồng (Trong đó có một phần vốn của nhà nước, còn lại chủ yếu là vốn đóng góp từ huy động nguồn lực trong nhân dân và LLVT). Đây là điểm sáng để các đơn vị trong và ngoài tỉnh học tập.
Đầu năm 2015 vừa qua, Đông triều chính thức được công nhận huyện nông thôn mới đầu tiên trong cả nước.
Đến hết năm 2014 toàn tỉnh có 66/115 xã đạt chuẩn, phấn đấu hết năm 2015 có 91/115 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 80% số xã trong toàn tỉnh. Thành tích này có một phần đóng góp quan trọng của LLVT.
Từ thực tiễn tổ chức thực hiện cho thấy, muốn hoàn thành tốt mục tiêu của phong trào cần phải:
Một là: Luôn quán triệt, bám sát sự chỉ đạo của trên, vận dụng một cách sáng tạo, phù hợp với từng địa phương, đơn vị; chỉ đạo chặt chẽ từ việc xây dựng kế hoạch, đến tổ chức thực hiện; Xác định những công trình, phần việc cụ thể, có ý nghĩa, mang dấu ấn của LLVT. Phải chủ động tạo cầu nối giữa địa phương với các đơn vị LLVT, các doanh nghiệp trên địa bàn và nhân dân cùng chung sức.
Hai là: Cán bộ chủ trì các cấp, nhất là những người trực tiếp chỉ đạo, thực hiện phải thật sự tâm huyết, sáng tạo. Trước khi tiến hành phải khảo sát, nắm thật kỹ nhu cầu của từng địa phương, nguyện vọng của nhân dân…tiến hành đúng nội dung, đúng thời điểm, huy động lực lượng, phương tiện và nguồn kinh phí hỗ trợ phù hợp, làm từng bước, không nóng vội, có trọng tâm, trọng điểm.
Ba là: Phải biết vận động để biến sự giúp đỡ của LLVT thành “nguồn cổ vũ” tạo thành phong trào sâu rộng, để nhân dân hiểu rõ, tự trở thành người chủ của phong trào, khi đã đạt chuẩn nông thôn mới họ sẽ tự biết tổ chức củng cố thành việc làm nề nếp, phát triển thành những thôn, bản, khu dân cư tiên tiến.
Kính thưa Đại hội!
Qua 4 năm thực hiện phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, chúng tôi nhận thấy cái được lớn nhất là đã góp phần xây dựng hình ảnh trong sáng của “Bộ đội cụ Hồ” trong lòng nhân dân: Làm cho dân thêm tin yêu bộ đội, thêm tin tưởng vào Đảng, vào chế độ, toàn tâm, toàn ý đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phía trước nhiệm vụ còn rất nặng nề song cũng rất vẻ vang, chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện một cách thiết thực, hiệu quả hơn nữa, quyết tâm hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ, phấn đấu giữ vững lá cờ đầu, xứng đáng với truyền thống vẻ vang và những phần thưởng cao quý mà Đảng, Nhà nước, Quân đội trao tặng, xứng đáng với lòng tin yêu của nhân dân.
Cuối cùng, xin kính chúc Đoàn Chủ tịch, các đồng chí đại biểu, khách quí cùng toàn thể Đại hội mạnh khỏe, hạnh phúc; Chúc Đại hội thi đua quyết thắng toàn quân thành công rực rỡ!
Chào thi đua quyết thắng!
    

Thứ Tư, 1 tháng 4, 2015

BẠN CÓ BIẾT

      Từ BẢNG trong đơn vị tính cho bom:
       Đôi khi chúng ta thấy người ta hay nói: Quả bom này 1000 bảng, 500 bảng ... nhưng chúng ta chỉ tạm chấp nhận như vậy, không biết nó to nhỏ cỡ nào.
       Cũng có người thắc mắc và hỏi lại, nhưng vì chưa hiểu hết nên cũng giải thích qua quít, thậm chí không đúng.
Chữ BẢNG cho đơn vị trọng lượng Anh
       Từ BẢNG thực chất là âm hán việt phiên âm từ chữ Hán để chỉ một đơn vị trọng lượng nước Anh là pound = 0,4536 kg, tương đương với trọng lượng của một gói bột ngọt mà chúng ta vẫn dùng. Trong âm chữ Hán, người Trung Quốc không viết được chữ pound nguyên bản như người Anh nên đọc gần đúng là "bang" phiên âm đọc như tiếng Việt là"pang". Phiên sang Hán Việt là Bảng.
Chữ BẢNG trong đơn vị tiền nước Anh

      Tương tự như vậy, từ BẢNG trong đơn vị tiền tệ nước Anh cũng là pound. Và người Trung Quốc cũng đọc là "bang", phiên âm sang âm Hán Việt cũng là Bảng. Tuy nhiên viết ra chữ Hán có bộ kim ở đằng trước, biểu hiện đơn vị tiền tệ.
        Chúng ta cũng hay gặp một số từ khác tương tự theo cách gọi của âm Hán Việt, ví dụ sâm Cao li, chính là âm của chữ Korea đọc từ chữ Trung Quốc mà ra để chỉ một loại sâm của Hàn Quốc.
         Xin được mạo muội để mọi người cùng suy ngẫm.