Thứ Tư, 19 tháng 4, 2017

TUỔI THƠ TRÊN LƯNG TRÂU




Từ xa xưa đến nay người làng tôi vẫn là canh nông vi bản, có nghĩa là cấy trồng hạt lúa, củ khoai vẫn là nguồn thu nhập chính. Từ khi còn bé tôi đã nghe một câu mà thầy tôi thường nói: Con trâu là đầu cơ nghiệp con ạ. Tuy nhiên lúc ấy tôi chẳng hiểu gì về chữ đầu cơ nghiệp cho đến tận sau này đã trưởng thành.

Năm lên tám tuổi năm 1972, lúc đó tôi mới học lớp một, tôi đã biết đi chăn trâu (Lớp một lúc đó như lớp hai bây giờ, còn trước khi vào lớp một có một lớp gọi là lớp vỡ lòng, bọn trẻ thì hay gọi là lớp O A). Đầu tiên là chị Tiến dạy tôi dắt trâu (Nhà có sau anh chị em, anh Bình là cả, đến chị Tiến, đến tôi, em Trình, em Trường, đến năm 1974 mới có em Đăng). Chị bảo, trâu nó hay bắt nạt trẻ con lắm, không quen là nó xì, và nó húc ngay, tôi cũng sợ.

Chị giật dưới bờ ruộng (Nay là chỗ cổng nhà ông Trúc, gần cây đa ông Bơn bây giờ) một nắm cỏ gà non, đưa cho tôi cầm và dắt tôi đưa vào tận mũi con trâu, nó ngửi ngửi, phì phì - chắc là có hơi người lạ, rồi cũng ăn ngon lành, chị bảo thế là nó quen hơi em rồi đấy. Từ đấy thỉnh thoảng tôi lại dắt trâu đi chăn thay chị.

          Nhà tôi được hợp tác xã giao đảm nhiệm nuôi một con trâu cái. Nuôi một con trâu được tính điểm mỗi ngày bằng một công (Gọi là công trâu), bằng với công của một lao động. Trâu nhà tôi sừng dài, bẹt, cong đều tròn như cái mâm, hơi cúp một chút (Ngày ấy chúng tôi toàn gọi là ngà trâu). Tôi đếm ở gần phần đầu, mỗi bên có 5 cái rãnh ngang lõm xuống. Càng già thì sừng trâu càng nhiều cái lõm ấy. Nhìn con trâu cũng biết là nó hiền. Nó hiền từ ánh mắt cho tới nết ăn, nết uống, đến cách đánh ruồi. Động tác nào cũng rất chậm rãi. Đôi lúc tôi cứ thấy nó hiền như chị Tiến nhà tôi. Người ta bảo, trâu nhà ai nuôi lâu ngày nó cũng giống người nhà ấy, kể cả về dáng vẻ và tính cách.

          Con trâu nhà tôi chỉ cần nhìn cách hàng cây số cũng phát hiện ra đặc điểm của nó. Hình dáng to, bụng bè bè, nhất là lúc nó có bầu. Bụng to thế nhưng lưng lại bổng, có phần hơi cong lên chứ không võng xuống. Chính vì hình dáng thế nên khi bơi qua sông nó rất nổi, khi chúng tôi sang sông chỉ việc xắn quần, đứng trên lưng trâu là không bao giờ ướt. Tôi cũng là một tay cự phách về “tài” đứng trên mình trâu sang sông. Tuy nhiên vẫn còn thua xa so với Tải, Nhị, Cửu.

Ngày ấy, bạn chăn trâu với tôi rất đông, có Tải, Nhị, Cửu, Hưng (Con ông Chử), Hưng (Con ông Ý), Duyển, Mão, Trình (Con bác Tạn), anh Trọng... Nếu là trâu chơi, buổi sáng ra đồng chúng tôi đều hẹn nhau cùng đi. Ra đến đầu làng là cả bọn bắt đầu phi trâu, cả đàn trâu phi rầm rầm từ đầu làng ra tận ngoài đê dài cả cây số. Người lớn vác cuốc cày ra đồng cứ phải né vào bên cạnh, các bà các chị thế nào cũng chửi: Mấy thằng thổ tả kia. Có bác khi gặp bố mẹ lũ trẻ trâu thường hay bảo: Tôi thấy cái thằng nhà ông bà cứ ra đồng là nó đánh trâu lồng, bảo nó đi không thì có ngày nhặt xương (ý nói là gẫy tay, gẫy chân). Bọn trẻ gọi là phi trâu thì người lớn lại gọi là trâu lồng. Trâu nhà tôi là trâu cái nên khi phi trên bộ thì nó bao giờ cũng chậm nhất trong đàn nên cũng chẳng lo về việc ấy. Vả lại có ngã là ngã mấy thằng tò te cưỡi phải trâu mới lớn thôi, chứ trâu trưởng thành thì không ngã được vì nó chạy rất êm, không tắt ngang, tắt ngửa. Cả đàn trâu chạy như thế, có thằng nào ngã xuống đất cũng không bao giờ trâu giẫm lên người, nó tránh được hết như kiểu tránh các mô đất vậy.

          Cả nhà tôi ai cũng chăm trâu và yêu quí trâu. Bu tôi, chị Tiến đi cắt cỏ, bao giờ cũng chọn cỏ ngon cắt đẫy gánh. Mùa nhiều cỏ không sao, mùa thu, mùa đông hiếm cỏ, Bu tôi hoặc chị Tiến phải sang tận đồng Gang, bãi Tú, bãi Vực xa hàng bảy đến mười cây số cắt cỏ. Có khi còn phải đẽo cả gốc cỏ gừng cho trâu. Bu tôi bảo, nếu chịu khó ngồi đẽo gốc cỏ gừng, trâu ăn còn béo bằng mấy ăn cỏ già. Có lúc chúng tôi vừa thả trâu lại vừa phải cắt cỏ cho vào bao để đem lên mình trâu đưa về nhà phụ giúp với Bu và chị. Con trâu nhà tôi bao giờ cũng béo nhất làng, cứ hai năm nó lại đẻ một con nghé. Mỗi lần hợp tác xã mở hội thi trâu, thể nào trâu nhà tôi cũng đoạt giải. Tôi nhớ một giải chỉ được tặng một cái nón và con trâu được buộc một cái nơ bông hồng vải đỏ vào sừng. Tôi chẳng để ý gì đến cái nón, tôi chỉ thích bông hồng vải.

          Chăn trâu có nghé là rất vất vả, lúc nhỏ thì vừa đi nó vừa rúc vú mẹ để bú nên đi rất chậm, hay bỏ xa đàn. Khi nó đã được bảy tám tháng thì hay nhảy xuống ruộng ăn lúa. Để hạn chế nó, thầy tôi lại phải đan một cái rọ mõm để đeo vào cho nó, đến bãi thả lại phải tháo ra cho nó ăn cỏ và bú mẹ. Khoảng gần một năm, đến lúc sắp giao nghé cho hợp tác xã, Thầy tôi phải xiên mũi cho nghé để có lỗ mũi buộc sẹo. Thầy tôi làm róng gông con nghé lại, rửa sạch mũi nó bằng nước muối và dầu tây, lấy một cái dùi nức rổ nung qua lửa để tiệt trùng rồi xiên qua chỗ mỏng nhất giữa hai lỗ mũi con nghé. Thầy tôi bảo như thế nó không bị đau lắm và sát trùng.

Sau khi xiên, lấy một đoạn cây mây để tròn, cắt ngắn, đập dập hai đầu, thắt nút một đầu trước sau đó xuyên qua lỗ đã dùi. Đầu còn lại thắt một nút nữa cho thật sát ngắn, sau đó cắt chỗ thừa đi. Lấy nước tỏi và muối xát vào chỗ vết thương. Con nghé bị đau bỏ bú mất vài ngày, Thầy tôi để ý, đến khi con nghé bú mẹ thi thầy tôi bảo, hôm nay nó bú rồi. Bu tôi chỉ lo nó bỏ bú lâu nó sẽ gầy đi. Thế nhưng chỗ bị xiên nó liền cũng rất nhanh. Thầy tôi bảo, không phải ai cũng xỏ được mũi nghé, cũng có người vụng, sau khi xỏ nhiễm trùng rất lâu khỏi, lớn lên con trâu bị sứt mũi và điều khiển nó rất dai mũi và ít tuân lệnh chủ. Vậy nên mới có câu “Dai như mũi trâu sứt” là vì thế.

          Khi vết thương ở mũi con nghé lành hẳn cũng là lúc phải làm sẹo, xỏ thừng vào dắt cho quen dần. Đầu tiên xỏ thừng vào rồi mai thừng lên sừng nghé, sừng nó ngắn, bị ruồi bâu đốt là nó hay đánh mốc (tức là tìm mô đất húc sừng vào đánh tung hoăng lên) do vậy rất hay tuột thừng ra, rất hay phải mai lại. Nếu không mai lại là nó lại dẫm vào thừng, vì đầu cái dây thừng có mấu, dắt vào khe chân nó không tuột ra được, mỗi lần bước là một lần mũi nó lại bị kéo dật về sau không bước đi được. Nếu nó giẫm vào sẹo thì thế nào cũng bị tuột mũi, mà tuột mũi nghé thì khổ, bắt được nó xỏ lại là vô cùng gian nan.

          Khi con nghé đã được hơn một năm tuổi là nó phải tập cày, tập bừa. Tập cày cho nghé thì gọi là vực nghé. Khi vực nghé thường chọn một ruộng mạ vừa nhổ, đất rắn vừa phải, chỉ cho kéo bằng cái bắp cày, sau đó mới vực bằng cày thật. Khi vực bằng cày phải chỉnh cày ăn thật nông rồi vực nghé. Nếu cày bâm sâu thì con nghé nó không kéo được. Lúc mai chão vào đòn đam cày, chỉnh cái thừng cổ phải thật vừa để dặt khoẳm đúng cái vai của con nghé (Gọi là vừa khoẳm là thế). Đặt cao quá vào cái xương vai là nó không kéo vì đau. Đặt thấp thì sau này nó ra ba vai, kéo bằng cổ lại yếu hơn. Nghé vực vài ngày, vai sưng đẫn lên, trông tội lắm, người ta phải lấy tỏi, muối đắp lên chỗ vai sưng ấy cho nó chóng lành. Cũng có con khi bắc khoẳm lên là đánh tháo, vì nó đau. Có người thương quá bảo cho nó nghỉ rồi hôm sau lại vực. Mấy bác vực nghé bảo, không được, nếu tha nó thì sau này nó sẽ quen đánh tháo thì không cày được. Vì thế mà đau cũng phải cày, rồi kéo một lúc nó lại quen vai, không đau nữa.

Lần đầu phải có hai người vực, một người dắt đằng trước, một người cầm cày đằng sau, sau vài buổi quen mới vực một người. Người vực nghé thường phải biết nghề, vừa đi vừa xướng lên những câu ca vực nghé:

          Ơ

          Còn nhỏ làm nghé, lớn lên làm trâu

          Bé ăn chơi, lớn phải đi cày

          Nghé ngoan ơi nhớ lấy câu này

          Mắt nhìn thẳng về phía trước,

          Hai chân trước bước lên trước

          Hai chân sau bước tiếp theo sau,

          Vai gắng lên mà kéo cày đi nào.

          Ơ

          Nghe tiếng vắt thì bước chân vào

          Thấy kéo mũi thì bước chân ra .

          Bước đi cho đều, sá cày mới thẳng nghe con.

          Đi cho chắc sá này, mai ngày tốt lúa.

          Ta lấy hạt thóc, mày ăn bó rơm thơm.

          Ơ

          Khi đến đầu bờ, móng chân bấm chặt vào bờ

          Nghe tiếng họ thì đứng lại : Họ, đứng lại nào.

          Ta nhấc cày lên, nghe tiếng vắt thì quay đầu lại

          Vắt vào, quay đầu lại đi nào.

          Nghe tiếng roi quất thì bước chân đi. Đi đi con.

          Cày nhanh sá thì nghỉ sớm, đi chậm thì nghỉ muộn con à.

Ơ

          Cứ như thế, người vực nghé hát vang cả cánh đồng trong cảnh yên bình. Người vực nghé giỏi cũng là người cày giỏi và có kinh nghiệm, tay cầm roi nhưng không bao giờ đánh trâu mà nó vẫn đi. Hình như con nghé cũng hiểu tiếng người và ưa dỗ ngọt. Chúng tôi rất thích xem vực nghé là vì vậy. Xem mãi không biết chán.  

          Đội nhà tôi là đội bốn, ở đội năm hay đội sáu gì đó Thuộc làng Dáu (Thôn Đồng Lộc), do chăn trâu không tốt nên cứ chết rét dần. Để duy trì số lượng trâu và đảm bảo sức kéo, hợp tác xã lại có chủ trương đổi trâu béo lấy trâu gầy. Chú thím Hoàn có họ hàng với nhà tôi chăn trâu vụng để gầy giơ xương, lúc nào cũng đói dính (Tức là như thể da bụng bên này dính sang da bụng bên kia được bọn trẻ trâu chúng tôi gọi là đói dính), thường xuyên bị phạt điểm. Thế là hợp tác đổi trâu nhà tôi cho nhà chú Hoàn, lấy con trâu gầy nhà chú giao cho nhà tôi. Lần ấy tôi buồn vô cùng và hậm hực không bằng lòng với điều bất công ấy. Thế nhưng Bu tôi bảo: Thôi con ạ, trâu gầy yếu về nhà mình chăm lại béo con ạ. Chắc do nể họ hàng nên thầy bu tôi cũng không nỡ thắc mắc gì.

Béo gầy không thành vấn đề, tôi buồn là vì con trâu nó gắn bó như người bạn, đổi cho nhà khác là buồn vô cùng. Tuy thế những ngày mới đổi, cưỡi lên mình con trâu gầy giơ xương ngồi rất đau mông. Do nhớ con trâu cũ nên cứ ra đồng là tôi lại tìm xem con trâu cũ nhà tôi ở cánh đồng nào. Nếu không nhìn thấy cũng bâng khuâng. Chăn trâu lâu ngày, người và trâu cũng có tình cảm, con trâu cũng nhớ chủ cũ. Nếu ở gần mà nhìn thấy chủ cũ, con trâu cũng ngẩng lên kêu “nghé ọ” và chạy đến hít hít vào người, vào tay.

Chả thế mà có lần hợp tác xã thịt con trâu đực nhà bác Đọc, cũng vì tội nó là con trâu nghịch quá, hay đánh nhau lại thỉnh thoảng húc người lạ. Anh Bính lúc đó trạc tuổi với tôi, thấy trâu nhà mình bị quật ngã, kêu rống lên và bị chọc tiết, anh ấy ngồi trên tường bao nhìn xuống đã khóc rất to vì thương trâu, cứ thế anh ấy quệt nước mắt đi về. Quả thực, nghe con trâu nó kêu khi bị kéo đổ, mắt nó cầu cứu, nước mắt giàn ra, thương tâm lắm. Thịt trâu xong thường thì chủ trâu được lấy đôi sừng, nhưng thường cũng chẳng ai lấy. Anh Bính cũng vậy, anh ấy dỗi vì thịt mất trâu nhà anh ấy. Thế là bọn trẻ trâu chúng tôi lại xin, đem về ngâm cho tụt hết lõi đi để làm tù và.

Chăn trâu cái nó hiền, lúc nó không nuôi con thì có phần nhàn hơn chăn trâu đực. Cạnh nhà tôi là nhà Duyển, bạn thân với tôi. Nhà Duyển chăn một con trâu đực mộng, ngày ấy những con trâu đực tốt thường hợp tác để làm giống cho nên mới gọi là đực mộng; cũng như là mộng mạ (Có nơi gọi là mống), còn những con không có dáng dấp hoặc dữ quá thì đều thiến đi cho nó thuần. Con trâu nhà Duyển dáng đúng là lực sĩ, ngực to, chân chắc, cổ vại u lên, sừng củ ấu. Ngửi thấy mùi trâu đực ở đâu là nó giật mũi đi tìm đánh nhau. Trong làng có mấy con trâu đực mộng, hễ cứ gặp nhau là đánh, đó là trâu nhà Duyển, trâu ông Đào, trâu bác Quát, trâu bác Đọc, trâu ông Phận. Những con trâu ngang sức nhau, dù đánh nhau đã thua rồi nhưng lần sau gặp chúng lại đánh, chứ không giống như các loài vật khác, đã thua một lần là lần sau gặp lại, con đã thua rồi là tự bỏ đi. Có lần con trâu nhà Duyển với con trâu bác Quát đánh nhau cả buổi chiều, đánh từ trên bờ, xuống giếng chùa, ra ruộng lúa, nhảy xuống ngòi. Trâu đánh nhau mà cá còn không chịu được phải ngoi lên. Cứ mỗi lần như thế chúng tôi đứng xem mà thích thú, chỉ có người lớn là xót xa vì ruộng lúa bị phá tan tành.

Tuy trâu đực hung hăng thế nhưng con trâu nhà Duyển với người nó lại rất hiền. Khi nó nằm nghỉ mát dưới gốc tre, mồm nhai lại, mắt lim dim, chúng tôi cứ ngồi lên lưng nó lấy mảnh sành cạo, vót sừng cho nó thật nhọn để nó đánh nhau. Con trâu có vẻ khoái điều này nên nó cứ để yên cho chúng tôi cạo sừng.

Tôi nửa ngày đi học, nửa ngày hoặc đánh dậm, nấu cơm, cắt cỏ hoặc chăn trâu. Đấy là tuỳ thuộc vào từng mùa. Nếu mùa trâu chơi (Tức là đã cấy xong cho đến lúc gặt, một năm có hai mùa như thế) thì một buổi đi học, một buổi chăn trâu. Nếu là học chiều thì sáng sớm đã cưỡi trâu đi, khoảng gần trưa thì về ăn cơm rồi đi học. Vì là trâu chơi nên buộc cho nó nghỉ đến 4 giờ chiều mới cần có người phải dắt nó đi ăn đến gần tối. Nếu sáng đi học thì chiều đi chăn. Buổi trưa bọn trẻ trâu chúng tôi quẩy dậm ra đồng, đánh một hai tiếng đã lưng giỏ cá tôm lẫn cua. Về nhà để bà làm rồi chiều dắt trâu đi chăn.

          Trên lưng trâu vắt vẻo, nếu có bất kỳ cuốn truyện hay cuốn sách nào đều đọc cho ngấu nghiến, không sót một chữ nào. Có những cuốn truyện hay đọc đi đọc lại cho đến thuộc. Tôi nhớ nhất những cuốn: Kho tàng truyện cổ tích Việt nam của Nguyễn Đổng Chi, đọc hết cả khảo dị;  “Dưới đám mây màu cánh vạc” của Thu Bồn mượn của chị Hút; “Con đường dẫn tới các vì sao” mượn của anh Bình nhà tôi, cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ như in từng nhà khoa học; “Tiếng gọi nơi hoang giã” nhân cách hóa về một con chó có tên là Bấc. Chuyện ngắn chọn lọc nước ngoài của nhiều tác giả nổi tiếng, có những câu chuyện như “Chiếc lá cuối cùng”, “Đấu bò tót”, “Khúc thịt bò” Rồi sau này đọc tác phẩm “X30 phá lưới”, “Vật lý vui”, “Đội thiếu niên Bát sắt” Nếu không có truyện đọc, chúng tôi lại tình nguyện trông trâu, đuổi trâu cho Ông Nguyện để ông kể chuyện Thạch Sanh, chuyện Tiết Đinh Quý, Tiết Đinh Sơn cho nghe. Cứ thế chả mấy chốc đã hết buổi. Chính những câu chuyện này đã dần cho chúng tôi lối sống, vốn sống và kiến thức sau này.

          Nếu không phải mùa thì bọn trẻ chúng tôi thả trâu rồi đuổi bắt nhau dưới sông cả buổi. Tất cả bọn chúng tôi đều giỏi bơi lặn, hơn kém nhau không đáng là bao. Trong lũ trẻ trâu, bơi giỏi nhất là Tải; Hưng (Mát) và tôi ngang nhau, đến Nhị, Cửu, Duyển, Hưng (Hằng), Mão, Trình (Con bác Tạn) và Hưng (Con ông ý) xếp hạng sau cùng.

          Hàng ngày chúng tôi chơi đuổi bắt dưới sông, luật chơi là rút thăm, ai được cây cỏ ngắn nhất thì phải đuổi, số còn lại bơi lặn trốn. Người đuổi phục trên bờ phóng xuống, vỗ vào được ai thì người ấy lại đổi sang vai đuổi bắt. Có đứa khôn giả vờ nhao xuống cho đối phương lặn, thế rồi đứng chờ trên bờ, khi thấy đứa kia hết hơi ngoi lên, chưa kịp nhìn thì bị nhao trúng người. Có lúc tôi lặn rồi chui vào trong hườm bờ sông, bên ngoài cỏ che kín làm cho người đuổi còn tưởng mình lặn lâu, thậm chí còn tưởng tôi bị chết đuối. Về sau, ai cũng bơi giỏi không bắt được thì đổi sang luật lấy đất bùn ném, trúng người nào người ấy phải đuổi. Cứ như thế có hôm lặn ngụp ba bốn tiếng dưới sông.

Có những đoạn sông sâu hàng mấy cây sào, chúng tôi thi tìm mò những vật mà ném từ trên xuống, ai lấy được lên là thắng. Đầu tiên ném nửa hòn gạch, dần dà chỉ ném hòn gạch bằng quả ổi rồi lặn xuống mò lên. Thế mà không sót hòn nào. Tôi, Tải, Hưng (Mát) là những thằng bạo gan, thường hay thắng nhất. Một số đứa khi nghe chúng tôi dọa:  “Trâm đấy” là chúng không dám lặn xuống tận đáy. Chả là ở khúc sông sâu ấy có chị Trâm và cu Từ nhà ông Tư bị chết đuối. Chị Trâm cũng chỉ vừa mười sáu, mười bảy; cu Từ còn ít tuổi hơn chúng tôi, thương lắm nhưng vẫn đem ra dọa nhau. Chúng tôi còn lấy bùn trát lên thân đê rồi thi nhau trượt từ mặt đê xuống nước cả mấy chục mét. Nếu nước cạn trơ lòng sông thì chúng tôi nằm ngửa trên váng phù sa mát rượi, dùng hai chân đẩy cho người trượt đi giữa lòng sông một cách thích thú. Mùa hè thì lặn xuống tận đáy sông rồi nằm trên nền phù sa mát rượi. Lúc đó chúng tôi có thể nín thở được vài phút chứ không như bây giờ.

Trẻ trâu thì ở đâu cũng nổi tiếng nghịch ngợm. Sau này nghĩ lại thấy không hình dung nổi mình lại làm được những việc như thế. Cống ông Toà và cống ông Chử là nơi để chúng tôi trèo lên phóng tên lửa hoặc khoanh chân làm cối 81 từ trên cao xuống mặt nước, cột nước càng cao càng thích. Có thằng lặn xuống, vừa nhô lên há miệng thở bị một quả “cối 81” ở gần, nước ộc vào miệng ho sặc sụa, vậy nhưng đó là chuyện thường chẳng bao giờ giận nhau. Có những đứa mệt định lên bờ nghỉ sớm mà thằng dưới nước vẫn còn muốn chơi, liền lấy đất bùn ném vào người cho không mặc được quần áo, thế là lại phải chơi tiếp.

Có những hôm mở cống, nước to, chảy rất xiết, chúng tôi còn chơi trò nhảy xuống bên này cống, lặn xuống cho trôi ra bên kia cống quãng đường mấy chục mét thân đê. Có khi sạt vào thành bê tông xước hết người. Đấy là trò mạo hiểm nhất, sau này nghĩ lại thấy mà sợ. Nếu chỉ cần có một cành rào ở giữa cống mà vướng vào thì kể như cuộc đời kết thúc.

Có những hôm nước rất trong (Quê tôi vùng nước lợ mà), chúng tôi lặn xuống cống, mở mắt tìm mò những con cá bò, cá bống trong kẽ đá chân cống. Có lần bị cá bò đánh rách cả tay, mở mắt dưới nước nhiều, lúc lên bờ mắt đứa nào đứa nấy đỏ hoe, nhìn cảnh vật xung quanh đều có màu rất vàng. Thế mà không hề hấn gì, lại còn cảm thấy thích thú với cái màu vàng của cảnh vật xung quanh.

Có lúc lên bờ, gặp ông Tòa, ông lại hỏi: “Đơn vị ta” nay đã về rồi cơ à? Hồ hởi nhỉ. Đã là ông Tòa thì bao giờ cũng sẽ có hai từ thương hiệu của ông, đó là “đơn vị ta” và “hồ hởi” để gắn với các câu nói. Ví dụ: Đơn vị ta nay có khỏe không, ăn uống có được hồ hởi không? Nếu dặn con, ông hay bảo: Đơn vị ta dù đói kém, khó khăn, nhưng cứ phải hồ hởi con ạ.

Trong làng cũng có nhiều người có những câu nói trở thành “thương hiệu” câu cửa miệng. Dân làng thường lấy những đặc điểm ấy để gắn với từng người, như là: Chu chu ông Lợi, hồ hởi ông Tòa. Ông Lợi thì hay có từ chu chu để nói về việc đã đầy đủ, chu đáo. Lời ông Đẩu bảo, hết rớt mùng tơi rồi, là nói về ông Đẩu, hễ nói cái gì hết sạch không còn tí nào thì hay dung từ “hết rớt mùng tơi”. Ông Lừng có câu: Chớ có lừng khừng, đòn gánh vào lưng. Đuổi gà ăn rau thì ông hay bảo “Củ cải, củ cải”, có nghĩa là đe con gà đem xáo củ cải. Ông Bao bảo: “Bụng cứ rốn thôi” để nói về phải kiên định, không đẽo cày giữa đường, cứ ý mình mà làm....

          Vào mùa đông rét mướt, không tắm sông được, chúng tôi nặn mỗi thằng một cái lò đất, chỉ to bằng bàn tay người lớn, đốt củi lấy than hồng sau đó lấy quả phi lao khô cho vào rồi thổi hồng lên và cầm trên tay cho ấm. Có lúc không có quả phi lao khô thì lấy phân trâu khô cũng đốt được. Làm lò đẹp nhất là Cửu, Nhị và Duy. Tôi và Tải thì làm lò to hơn cả, cốt ấm và không nóng tay. Tôi còn nhớ, có lúc Nhị và Cửu thổi lò mạnh quá, quả thông cháy đỏ nóng rực bay ra khỏi lò rơi lên mình trâu, con trâu bị nóng bất ngờ nhảy dựng lên làm người cưỡi ngã văng xuống đất. Thấy bạn không sao, cả bọn lại cười như pháo rang thích thú.

          Có hôm không có trò gì, bọn trẻ chúng tôi chia thành hai nhóm, xếp đất ải giả làm thành quách rồi ném nhau. Tất nhiên là nguy hiểm rồi nhưng không thú vị thì chơi làm gì. Có nhiều hôm còn ném nhau với lũ trẻ chăn trâu Thanh Kỳ (Làng bên kia sông). Các anh lớn tuổi thì phục kích, bọn trẻ nhỏ chúng tôi làm mồi nhử đứng bên này khiêu khích sang bên kia sông. Lũ trẻ trâu Thanh Kỳ bực tức cậy đông nhảy ào xuống sông bơi qua đánh, chúng tôi giả chạy. Khi chúng nó gần đến bờ bên này, các anh lớn nằm dưới cói đứng lên ném đất đá vào đội hình bọn trẻ Thanh Kỳ, lúc đó chúng tôi quay lại hỗ trợ. Bọn trẻ Thanh Kỳ thua chạy, mấy ngày sau đó cũng dùng chiêu nghi binh nhưng không lần nào lừa được chúng tôi. Đánh đấm nhiều lần thế nhưng rất may cả hai bên ít khi nào có thương tích nặng xảy ra. Sau này khi con đê đắp liền lại để phục vụ Trạm bơm Cầu Dừa thì trẻ hai làng không đánh nhau nữa mà còn chơi với nhau.

          Chăn trâu vất vả nhưng cũng có cái thú của chăn trâu. trẻ trâu có rất nhiều trò chơi mà những đứa trẻ khác không bao giờ biết được.

          Đánh khăng là trò chơi thú vị của lũ trẻ trâu. Khăng có thể làm từ nhiều loại gỗ, tre khác nhau, nó bao gồm hai khúc, khúc dài gọi là mẹ, khúc ngắn gọi là con. Những đứa trẻ trâu còn nhỏ có thể làm bằng cây điền thanh to, loại này nhẹ, nhất là lúc khô đi. Khăng bằng cây điền thanh thì dễ đánh, vả lại nếu có văng vào đầu cũng không đau. Trẻ trâu lâu năm thường làm khăng bằng loại tre già, bằng gỗ xoan hoặc gỗ đa già đảm bảo nặng và rắn chắc.

          Luật chơi khá đơn giản, một đám trẻ chia thành hai nhóm đều nhau về trình độ chơi. Cũng có thể có đội nhiều hơn nếu bên ít đồng ý chấp. Có hai người cũng có thể chơi được. Hai bên thống nhất chơi bộ khăng của một đứa trong nhóm. Bộ khăng nào có con con càng ngắn thì càng khó chơi vì vụt khó trúng. Thế nên cần phải thống nhất từ trước, không ép được, nếu ép một bên sẽ bỏ chơi, thế là mất vui.

          Chơi khăng có ba bước: Lồ, mắm và gà. Bên nào đo được nhiều con thì bên ấy thắng. Tính bằng cách mắm ăn mẹ (Đo bằng con mẹ), gà ăn con (Đo bằng con con) Phần thưởng có thể là cõng, nhổ tóc hoặc giết rôm.

Đầu tiên phải đào lồ, cái lồ là một cái lỗ ở chỗ đất cứng dùng để lồ và gà. Đào lồ xong sau đó cắm hướng để đánh khăng, vẽ một đường kẻ ngang ở phía trước gọi là mấc (Chắc đồng nghĩa với từ mức), mấc xa hay gần cũng phải thống nhất, làm xong thì chơi.

Để chọn bên chơi trước phải thi khấc. Khấc là lấy con khăng mẹ tâng con khăng con, khi nào con khăng con rơi xuống đất thì thôi.  Có thể chọn ra hai đứa khấc giỏi nhất để thi với nhau, bên nào khấc được nhiều hơn thì được chơi trước. Bên chơi trước sẽ đánh khăng, bên kia đón.

Đầu tiên là lồ. Đặt con khăng vào ngang miệng lồ, sau đó lấy con mẹ chọc xuống miệng lồ hất con khăng đi phải qua mấc, tất nhiên càng xa càng tốt. Nếu bên lồ mà lồ sai hướng đã cắm hoặc lồ không qua mấc là phạm qui, đứa ấy mất lượt phải ra cho đứa khác trong đội vào chơi. Nếu lồ đúng hướng mà bên đón không bắt được thì coi như qua bước lồ, bước vào mắm. Nếu bên đón bắt được con khăng lồ thì lúc đó bên lồ phải để gác mẹ khăng lên trên miệng lồ bằng hai hòn gạch hoặc hai hòn đất nhỏ. Bên đón sẽ đứng ở mấc nhằm mẹ con khăng và ném. Nếu trúng rơi mẹ con khăng xuống đất thì đứa lồ đó phải ra để đứa khác trong đội vào chơi. Còn nều ném không trúng thì chuyển sang bước mắm. Tuy nhiên việc bắt con khăng cũng phải kỳ là bắt bằng tay chứ không được “ôm em”- Có nghĩa là không tính ôm con khăng rơi vào ngực hoặc vào bụng.

Mắm: Tay thuận cầm mẹ khăng, ngón cái và ngón trỏ cầm con khăng, tung con khăng lên sau đó lấy mẹ khăng vụt mạnh để con khăng đi càng xa càng tốt. Nếu bên đón mà bắt được thì bên đón được đo và tính từ chỗ bắt được đến tận lồ. Đơn vị tính bằng độ dài của con mẹ. Thế mới gọi là mắm ăn mẹ. Đứa bị bắt lại phải ra cho đứa kế tiếp đánh. Ngược lại, nếu không bắt được thì bên mắm được đo và tính cho mình rồi chuyển sang gà. Nhưng nếu kỳ nhau mà ba mắm thì mắm hết ba lần mới thôi. Cơ hội chia đều cho hai bên. Có đứa không biết mắm bằng một tay, khi tung con khăng lên vụt không trúng thì mắm bằng hai tay, mắm kiểu này thì đi rất gần và dễ bị bắt. Còn mắm hụt thì coi như hỏng.

Gà: Đặt con khăng vào lồ, gếch một đầu lên, nếu được phép có thể đặt ra gần đâu đó cạnh lồ cúng được. Lấy mẹ khăng đập vào đầu con khăng cho bật lên cao và vụt mạnh cho con khăng bay đi, nếu vụt trúng mà bên đón không bắt được thì bên đánh được  dùng con khăng đo từ chỗ rơi về đến lồ. Gọi là gà ăn con. Và tiếp tục gà tiếp. Nếu bên đón bắt được thì bên đón được đo, bên gà mất lượt. Nếu vụt không trúng (hụt) thì cũng phải ra. Nhiều đứa đánh mạnh, con khăng làm bằng tre rất hay bị vỡ, vì vậy nhiều khi phải đẽo bằng gỗ mới chịu được. Đánh khăng, gà là khó nhất, rất hay gà hụt.

Lúc đo rất hay xảy ra cãi cọ vì nếu bên được điểm đo thì hay đo láu, ngoáy con khăng sang hai bên để tăng điểm, nếu bên bị dành lấy đo lại hay bỏ quãng, cho nên thế nào cũng ì xèo. ấy thế rồi cũng chấp nhận được, nhưng đôi khi cũng phải đo lại.

Lần lượt hết đội này sẽ tiếp đến đội kia chơi. Khi hai đội chơi hết lượt, tổng kết bên nào nhiều điểm là thắng, bên thua phải cõng, mấy vòng là do kỳ với nhau từ trước, tính theo trăm điểm. Cứ như thế chơi mãi không biết chán.

Ngoài những trò chơi ở trên, trẻ trâu còn có những trò như đánh bi, đánh gụ, đánh đáo, thả diều. Mải chơi mà cho trâu về muộn hoặc quên việc, có đứa về nhà bị bố đánh lằn mông lên, gọi là bị ăn lươn.

Có một trò chơi có thể nói bác học nhất của trẻ chăn trâu chúng tôi, đó là thả diều.

Nói đến chuyện thả Diều của trẻ trâu có thể nói cả ngày không biết chán. Tôi nhớ như in một câu chuyện ở Làng Dáu mà tôi được nghe kể lại thế này (Hình như chú Hoàn nhà tôi kể) :

Ông  N ở Làng Dáu, nhiều năm trước, năm nào cũng thả diều. Ông vót diều và khoét sáo nổi tiếng trong vùng. Diều ông lên bổng, đứng chong, chao thưa ; Tiếng sáo diều ông réo rắt thanh bình, hòa âm như một giàn nhạc, thôi thúc lòng người. Những người biết chơi diều thì khỏi nói, đều mê diều sáo của ông, đứng ngắm hàng giờ ; Những người không biết chơi diều ít nhất cũng phải một đôi lần đứng lại, ngước nhìn con diều ông bay bổng, nghiêng tai nghe tiếng sáo réo rắt. Nhất là cánh trẻ trâu chúng tôi thì mê tít.

Ngày ấy cách đây cũng đã nhiều năm. Thời điểm ấy không phải ai cũng có điều kiện chơi diều như ngày nay: Một là không biết vót, hai là không có nhiều thời giờ rảnh rỗi, ba là thời buổi « gạo châu, củi quế » dễ đâu sắm được con diều . Ông P cũng làng là một trong những người như thế. Thực ra ông cũng thích diều nhưng không có điều kiện để chơi. Nhìn thấy những con diều chao nghiêng trên bầu trời ông thấy ngứa mắt khó chịu, nghe tiếng sáo diều réo rắt thì ông kêu inh tai khó ngủ. Ở chốn làng quê thường thường là thế mà.

Một buổi trưa, trời nắng tháng năm, diều ông N bị đứt dây, « ngập » xuống vườn ông P. Ông N đuổi theo lấy diều, đến cổng thấy ông P đang nằm võng, con chó thì nằm thở trong gốc vải sủa ngược ra, ông N không dám tự ý vào vì sợ chó liền gọi với vào :

-Chú P ơi, chú làm ơn mở cổng, trông chó giúp tôi để tôi vào tôi xin lại con diều nó « ngập » vào vườn nhà chú.

Ông P thủng thẳng đáp :

-Bác cứ vào tự nhiên, buổi trưa, chó nhà tôi nó nằm trong chỗ mát sủa ra chứ nó không chạy rông ra ngoài nắng đâu.

Ông N lấy diều xong cầm thẳng về nhà, ông đau vì câu nói không biết vô tình hay hữu ý của ông P. Thế là nó bảo mình không bằng con chó nhà nó. Người có tuổi thường hay nghĩ rất sâu.

Từ đấy, người ta không thấy ông N thả diều nữa. Có điều, khi rảnh rỗi ông vẫn đẵn tre ngồi vót diều, chặt gỗ gáo khoét sáo cho bọn trẻ trong làng. Tuy ông không thả diều nhưng mọi người vẫn nhận ra những cánh diều và tiếng sáo của ông N trên bầu trời quê hương thanh bình.

Xóm tôi cũng có nhiều người vót diều, khoét sáo rất giỏi như anh Khương, xóm ngoài có anh Huyên, xóm trên có anh Khải, anh Vị.

Bọn trẻ trâu chúng tôi cũng mơ ước có được chiếc diều to nhưng ít dứa nào có, vả lại có làm diều to cũng không có dây để thả, chỉ chạy đâm diều ké của mấy ông anh. Chúng tôi chỉ vót được những cái diều nhỏ chừng một mét trở lại, đeo một sáo hoặc nhỏ hơn thì đeo ve. Lấy dây đay bện làm dây diều. Nếu diều cánh cốc thì chỉ việc tước dây đay nối với nhau không cần bện vì diều cánh cốc kéo nhẹ. Dù là dây diều làm bằng gì thì trước khi thả cũng phải nhúng dây vào nước dể dây dẻo, ít bị đứt.

Các anh lớn làm diều rất cẩn thận, còn đo, cân rất kỹ. Phất diều bằng giấy ta, sau đó quét nhựa củ nâu vào, có người lấy nhựa sung quét vào giấy diều. Mục đích là để diều không bị ướt, không bị bùng lúc trời mưa hoặc ngập xuống nước. Bọn trẻ con chúng tôi vót diều không cần đong đo, gióng tre dài đến đâu thì vót đến đấy, giấy phất diều thì lấy từ vở học sinh. Muốn diều nhẹ, mềm, lên không bị chao thì phải vò giấy ra, không để thủng là được, rồi sau đó phất vào khung. Có nhiều đứa xé nhiều vở quá cũng bị « ăn lươn » thường xuyên mà vẫn không kinh.

Có lần, đang thả diều thì con diều của tôi mất gió rơi xuống nước. Bác Bèo là bố anh Sơn, bạn chăn trâu với tôi đi qua. Con diều đã ở dưới nước ngoài xa, bác còn cầm dây diều của tôi kéo đi mấy tua. Thế là con diều bị bùng. Tôi bực lắm bảo bác : Bác đểu thế.

Thế là bác quay ra bảo tôi là thằng láo, dám bảo bác đểu và sẽ mách thầy tôi. Thực tế tôi có hiểu từ đểu lại nặng thế đâu, chỉ có ý là, bác biết thừa diều ở dưới nước, kéo sẽ bị bùng mà vẫn kéo, đấy là cố tình trêu trẻ con. Sau này bác cũng bảo với bu tôi, vì bác cũng sợ bảo thầy tôi thì tôi sẽ bị « ăn lươn ». Bu tôi báo, con nói với người lớn thì con đừng bảo người ta đểu, chỉ được bảo là sao bác lại làm thế thôi. Tôi cũng thấy hối hận, nhưng trẻ con hồi đó không có khái niệm biết đến từ xin lỗi là gì, cứ để nó tự nhiên trôi qua thế thôi. Nhưng từ đó tôi mới hiểu rõ hơn về từ đểu và ít khi dùng đến nó.

Có lúc tôi vót cả những con diều chỉ dài hơn một gang tay, thả bằng chỉ hoặc dây bao nhưng khi thả cũng lên cao tít, do ảo ảnh nên nhiều người vẫn tưởng đấy là một con diều to.

Thả diều là một thú vui không biết chán của người miền quê. Bây giờ dù lớn tuổi tôi vẫn đi xem đám trẻ thả diều.

Một thời thương lắm người ơi, 
Bát cơm nhớ cả một đời cối xay, 
Giần sàng rã cả cánh tay, 
Quạt mo phì phạch, lắt lay đèn dầu. 
Mồ hôi trắng những áo nâu, 
Ao bèo nước đọng, bắc cầu ra xa. 
Thương con luộc quả  trứng gà, 
Mẹ khen khoai độn, xới bà vực cơm. 
Chị ngồi suốt lại cọng rơm, 
Cha cày chạy vụ, đem cơm đầu bờ. 
Nón tàng che tóc bạc phơ, 
Còng lưng cha vớt lên bờ rạ chiêm. 
Cói, lăn trơ cả chấu liềm, 
Sớm khuya tiếc việc, nhá nhem mặt người. 
Nghỉ hôm có đám chào mời... 
Vu vơ nhắc lại một thời xa xưa.
Bao giờ trở lại tuổi thơ
Cánh diều mang cả giấc mơ ùa về
Cưỡi trâu thổi sáo ven đê
Lưng còng vai mẹ gánh về cỏ non
Con hư bị bố đánh đòn
Mẹ chìa vai đỡ sợ con tím lằn
Thương  con nước mắt mẹ lăn
Bà thương cháu nội mắng thằng bố hư.
Lớn lên cho đến bây giờ
Ngẫm tình cha mẹ ông bà mà thương
Heo may gió cát ven đường
Móc cua đánh dậm bờ mương đói lòng
Đẩy te đãi tép ven sông
Mẹ ra chợ bán vài đồng đong ngô
Anh đi đánh Mỹ thật xa
Ghé vai giúp mẹ việc nhà, trông em
Củ khoai củ sắn cũng thèm
Hạt cơm độn những đỏ vàng ngô khoai.
Thương bà buộc ấm sứt quai
Thương em vá víu cái vai áo sờn
Khi vài con cá thờn bơn
Đỡ bác hàng xóm cô đơn một mình
Bạc đầu thương mái đầu xanh
Mong con đánh giặc bình minh lại về
Thương già mắt trẻ ngô nghê
Câu con công cống xuê xoa nỗi buồn
Ra ao ró chú chuồn chuồn
Nghĩ rằng cắn rốn để còn biết bơi
Đuổi theo vớt đám tơ trời
Vấp dây sấp ngã miệng cười, mắt hoe.
Nhớ thương biết mấy cho vừa, 

Tận trong sâu thẳm tuổi thơ một thời

          Nói đến bọn con trai, không thể thiếu nói đến lũ trẻ con gái. Tuy rằng trẻ trâu con trai là phần nhiều, chỉ họa hoằn mới có con gái chăn trâu khi mà con trai bận việc gì đó. Thường thì họ ít thả trâu và cưỡi trâu, mà họ chỉ dắt trâu là phần nhiều. Đôi khi có chị Luyên, cô Mát, chị Sánh, chị Nhài, chị Viết ... Trò chơi của con gái thường là chơi ô ăn quan, đánh chuyền, đánh chắt, nhảy nụ .... Tôi nhớ không được nhiều lắm, nhưng đánh chuyền thì có que chuyền và hòn chuyền. Que chuyền thường được làm bằng cành tre, có 10 que dài bằng hoặc hơn cái đũa một chút. Hòn chuyền thì nặn bằng đất hoặc quả cam, quả bưởi non. Cách chơi là rải đều que chuyền lên 1 bên chân duỗi thẳng, tung hòn chuyền lên, nhặt que chuyền xong thì bắt hòn chuyền. Bắt từ 1 que đến 10 que, hết 10 que chuyển sang các động tác cầm bó que chuyền chấm, vỗ, quét, xoay ... nhằm rèn sự khéo léo của người con gái. Vừa tung hòn chuyền vừa đọc các câu đồng dao nghe rất hay, mỗi lần tung đọc một từ theo nhịp. Tôi nhớ hình như nó thế này :

          Cái mốt, Cái mai, Con trai, Con hến, Con nhện, Giăng tơ, Quả mơ, Quả mận, Cái cấn

Lên đôi. (Cái cấn là con cá cấn, hay là cá thần cẩn ấy, có nhiều từ mà bây giờ nghe sẽ lạ lắm)

Đôi chúng tôi, Đôi chúng chị, Đôi cái tí, Đôi thằng cu

          Đôi lên ba. (Thực ra ngày xưa dùng từ là đôi con đĩ, đôi thằng cu. Nhưng từ con đĩ không phải từ bậy như cách hiểu bây giờ mà nó đồng nghĩa với từ cái tí)

Ba lá đa, Ba quả bưởi, Ba nải chuối,

Một lên tư

Tư ông sư, Tư bà vãi

Hai lên năm

Năm nong tằm

Năm lên sáu

Sáu củ ấu

Bốn lên bảy

Bảy quả na

Ba lên tám

Tám quả trám

Đôi lên chín

Chín cây cột

Một lên mười



Vơ lấy mười

Mười đập đất

Mười cất tay

Mười xay lúa

Mười thổi kèn

Mười đánh chuyên

Chuyền cầm lấy.

Và còn nhiều thứ lắm, từ chấm, đến quét, đến xoay ... phải các chị phụ nữ đánh chuyền nhiều mới nhớ hết được. Nhiều người bảo mình đánh giỏi lắm, ấy vậy mà bảo nhắc lại thì hóa ra đã quên từ bao giờ rồi. Bọn con trai chúng tôi nghe nhiều mà thuộc mang máng, thế là đã giỏi lắm rồi.

Đến năm 18 tuổi, học xong cấp ba, tôi thi vào « Đại học quân sự ». Lúc đó « tuổi chăn trâu » của tôi đã được hơn 10 năm. Nghe người ta nói, trẻ con mà chăn trâu được 12 năm trở lên có thể trở thành Thần đồng, có thể hô được gió, gọi được mưa và bắt dòng sông chảy ngược lại được. Tôi cũng tin điều ấy, kể cả cách nói theo nghĩa đen và nghĩa bóng.

Cứ như thế và tôi đã lớn lên trên lưng trâu, làng xóm, quê hương, cánh đồng, bạn bè, anh em, cảnh vật, trò chơi và hồn quê đã cho tôi cả dáng vóc và tâm hồn, trở thành tôi của hôm nay.

Không có nhận xét nào: