Thứ Sáu, 29 tháng 12, 2017

BỨC THƯ GỬI CON

            22/12/2012
Các con thân yêu của bố!
          Trên 50 năm qua, nhìn lại mới thấy rằng, trong cuộc sống của mình, bố học được rất nhiều thứ. Bố học ở cha mẹ, thầy cô, làng xóm, bạn bè, đồng đội, ở mẹ con, ở các con và trong cuộc sống hàng ngày, như nhân gian thường nói “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Có những điều bố học do để ý, có những điều vô tình và cả những điều vô thức, mà đã học được biết bao điều bổ ích. Liệt kê lại cũng thấy thật công phu.
Các con hãy đọc, nhưng phải đọc hết, đừng bỏ giữa chừng. Dưới đây có thể liệt kê một vài dòng về những điều ấy:
Lúc trẻ bố cũng rất tự hào về những điều mình biết. Càng về sau này bố càng giấu niềm tự hào vào trong sâu thẳm tâm hồn, chỉ biết tự hào với mỗi người mà bố rất đỗi yêu thương đó là mẹ của các con. Chỉ có một vài thứ bố không tự hào là bố biết hút thuốc lá và đôi khi uống rượu, mẹ không buồn nhưng lại rất lo.
Bố mong các con dành nhiều thời gian để học và hành, học và hành được càng nhiều càng quí, học những thứ to tát trước, những thứ thiết thực trước, những điều nho nhỏ sau. Nhưng cho dù to, nhỏ thì tất cả những điều ấy đến một lúc nào đó cũng đều có ích, nếu không thì cũng là những điều thú vị trong cuộc sống.
Các con nên nhớ, những điều học được vào một lúc nào đó sẽ phục vụ cho cuộc sống (nên nhớ là cuộc sống tươi đẹp), không phải để hại một ai đó. Và những điều ấy cũng không phải để đem khoe khoang, đánh bóng trước mọi người. Nếu đem ra khoe khoang, không những chẳng ích gì mà thậm chí còn dẫn đến phiền toái nhiều hơn là có lợi.
Nếu con đem khoe với bậc bề trên con, người ta có thể nói con là đồ "ngựa non háu đá, trứng không hơn vịt". Sự thật là con có thể sẽ bị họ dìm hàng và hạ bệ nếu họ là người ích kỷ. Nếu con đem khoe với người ngang với con, có thể người ta nói con tưởng thế là tài, rồi có thể vì lòng đố kị mà con mất đi một người bạn. Nếu con đem khoe mà gặp bậc anh tài, người ta sẽ cười con là múa rìu qua mắt thợ. Thế người ta mới có câu: Tự kiêu là giật lùi là vì thế. Trong lịch sử nói chung, trong đó có cả lịch sử Dân tộc ta, biết bao các bậc trung thần, nghĩa hiệp, tài giỏi hơn người cuối cùng đều bị bề trên hoặc gian thần bức hại, đến lúc được minh oan thì đã trở thành người thiên cổ.
Gặp những người tri âm, tri kỷ, hiểu ta, phục ta thì hiếm lắm. Nhưng những người ấy lại có thể chẳng giúp được gì nhiều bởi “lực bất tòng tâm”, họ có thể còn chưa bằng ta ấy chứ. Thế nên ta lại phải trong vai người tri âm, tri kỷ với bạn bè mình, giúp đỡ họ, khéo léo đấu tranh cho họ để họ tiến bộ.
Hôm nay bố không khoe với các con những gì bố có, bởi nó mới chỉ là những hạt cát trong sa mạc mênh mông của kiến thức nhân loại. Mà bố muốn các con nhìn thấy, kiến thức biết bao nhiêu thứ như thế, có thể hơn người mà không biết dùng nó đúng cách, phỏng có ích gì. Như bố vẫn chỉ là một người rất bình thường trong xã hội. Đến lúc này, những điều bố biết chỉ còn là những điều thú vị mà thôi. Nếu bố không nói những điều này với các con, để các con tự hiểu ra thì rồi đây tuổi đời đã luống, liệu có còn cơ hội để phát huy cho sự nghiệp, để xứng đáng với những gì ta có và xã hội cần ta.
Nếu con thấy những người không hiểu biết bằng mình nhưng họ vì một lý do nào đó mà đứng ở vị trí cao hơn, các con cũng đừng bao giờ so sánh và ganh tị. Bởi chắc chắn họ có thể hơn ta ở một điểm nào đó. Còn họ không hơn ta ở một điểm gì thì cũng không cần thiết phải hơn thua, ở đời có trước, có sau, có nhân, có quả. Suy cho đến cùng, nếu là một người chân chính, mong cho người khác hơn ta mới là điều ta hướng tới, đó mới là nhân cách chân chính. Nói như vậy không phải để buông xuôi, mà phải khéo léo đấu tranh cho sự nỗ lực của mình và người khác.
Thế nên, với những thứ học được trên đường đời, các con cứ âm thầm và quyết tâm thực hiện, vận dụng vào công việc của mình, kiên trì trau dồi những kỹ năng, biến nó thành kết quả hiện thực trong cuộc sống, cầu thị tiến bộ, vươn lên không ngừng. Đừng thể hiện với ai, đừng khoe khoang với ai, đừng đòi hỏi gì ai. Rồi đến lúc nào đó gặp được người thực sự hiểu biết và chân thành người ta sẽ nhìn thấy. Nhưng việc làm tốt phải biết đưa ra phục vụ công chúng, mặt hàng tốt phải được trở thành thương hiệu, các con phải biết quảng bá kết quả, nhưng đừng bao giờ quảng bá bản thân mình, kết quả mới chính là bản thân mình vậy. Con người suy cho đến cùng là tổng hòa của các mối quan hệ xã hội thừa nhận, chỉ có xã hội đánh giá mới thể hiện ra giá trị của nhân cách làm người.
Nhưng nếu không thành công trong sự nghiệp, các con cũng đừng bao giờ buồn, đừng bao giờ trách đời hay trách ai để nhận lấy những bận lòng. Bởi điều quí nhất trên đời là nhân cách con người. Làm người tốt mới là điều vĩ đại nhất. Của cải, địa vị rồi cũng sẽ qua đi. Giá trị cuộc sống mới thực sự trường tồn. Con nên nhớ tốt phải đi đôi với công bằng và hiểu biết.
Có ai nói điểm xấu là tất yếu không tránh khỏi với mỗi con người, con đừng bao giờ dễ dãi nghe theo họ. Không bao giờ cho nó là điều tất yếu, nó chỉ là những khiếm khuyết không mong muốn của cuộc sống mà thôi, nó không phải cái mà mục đích con người hướng tới, nó trái với nhân văn thì nếu vấp phải cần phải kiên quyết dứt bỏ nó khỏi cuộc đời mình.
Con hãy chăm chút từ những việc gần gũi nhất, như yêu thương ông bà, bố mẹ, vợ con, làng xóm, bạn bè, đồng nghiệp. Rèn luyện, giữ gìn sức khỏe. Rồi hết mình vì công việc có ích mà mình cần cho cuộc sống, đến những sở thích thú vị. Rồi đến gần gũi con người, động vật, thiên nhiên, môi trường. Những điều to tát hơn là dân tộc, đất nước và lý tưởng. Cuối cùng những thứ ấy mới là giá trị đích thực của một cuộc đời.

Bố rất mong các con vừa nhân văn, tốt bụng, vừa tài giỏi, vừa hiểu biết và hướng tới hạnh phúc và những điều cao đẹp.
   *
*    *
"Trên 50 năm qua, nhìn lại mới thấy rằng, trong cuộc sống của mình, bố học được rất nhiều thứ. Bố học ở cha mẹ, thầy cô, làng xóm, bạn bè, đồng đội, ở mẹ con, ở các con và trong cuộc sống hàng ngày, như nhân gian thường nói “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Có những điều bố học do để ý, có những điều vô tình và cả những điều vô thức, mà đã học được biết bao điều bổ ích. Liệt kê lại cũng thấy thật công phu.
1.Biết bơi, lặn từ năm 7 tuổi. Đến 10 tuổi bơi được bao xa tùy thích, lặn sâu hai cây sào (8m), lặn lâu được gần 2 phút.
2.Biết chèo thuyền nan, chống thuyền nan, chống bè mảng từ năm 7 tuổi.
3. Biết nấu cơm, chăn trâu, xay lúa, giã gạo từ năm 8 tuổi. Biết cưỡi trâu, phi trâu và qua sông trên mình trâu không ướt. Biết làm diều, thả diều, khoét sáo diều, đi kheo và các trò chơi dân gian.
4.Học giỏi các môn tự nhiên. Học sinh giỏi từ năm lớp 1 đến năm lớp 7 (Hết cấp hai). Đặc biệt vật lý, hình học và hóa học. Năm 1974 Danh hiệu cháu ngoan Bác Hồ.
5.Biết cắt cỏ năm lên 9 tuổi.
6. Biết đánh dậm, đặt lờ, đơm đó, ngâm rọ, đánh nhậy, máng khăm, câu cá, câu con cà ra, bắt rắn, bắt cua từ năm lên 9 tuổi. Biết bẻ khuôn gói bánh chưng và gói bánh chưng rất đẹp (Giúp gói bánh cho cả xóm)
7.Biết gánh gồng, gặt lúa, bó rơm rạ, tát nước gầu dai từ 10 tuổi.
8. Biết nhổ mạ năm 12 tuổi.
9. Biết đào mai, cắt kéo, vác đất, bổ củi, cưa xẻ từ năm 14 tuổi.
10. Biết vạc bờ, cuốc góc năm 14 tuổi.
11. Biết đan các loại dụng cụ như rổ, rá, dần, sàng, sảo, giỏ, thời, hom, rọ.. kể cả thúng, mẹt, nong nia, biết đan bùi nhùi, lùn rơm, mũ rơm từ năm 8 tuổi.… Bu gà, sọt cỏ từ 15 tuổi, đến khi trưởng thành thì đan được hết. Biết chẻ tre, chẻ mây, chẻ lạt, buộc rui, mè, đòn tay mái nhà, buộc nhứng, trát vách đất nhà tranh. Biết đan tấm tranh lợp nhà.
12. Biết đóng gạch, xếp lò, đốt gạch.
13.Biết trồng chăm bón khoai, sắn, dưa lê.
14. Biết cày, bừa nhưng cày thì không giỏi.
15. Biết vẽ tranh ( Do học cuốn Tự học vẽ của Họa sĩ Tô Ngọc Vân), cắt chữ, chơi đàn ghi ta, thổi kèn Hacmonika. Một chút về bộ gõ. Biết nghe hát và hát quần chúng.
16.Biết tiêm thuốc cho người ốm (Bắp, ven)
17.Biết một chút về sửa chữa máy nổ Diezen. Đã sửa thành công năm 1991.
18.Biết tiếng Trung Quốc (Nghe, nói, viết, đọc); tiếng Anh (Viết, đọc, nói; nghe hơi kém); Biết tiếng campuchia (Chỉ nghe và nói, không viết, đọc được).
19.Biết mắc điện nước gia dụng.
20.Biết các phần mềm công nghệ thông tin (khá nhiều)
21.Biết làm cây cảnh.
22.Biết võ thuật đặc công năm 18 tuổi, môn “Thiếu lâm tự” từ năm 24, 25 tuổi (Học Võ sư Chín Chẩm ở Củ Chi, TP Hồ Chí Minh). Biết chơi bóng chuyền, tenis, bóng bàn, golf.
23. Biết lái ô tô từ 3/ 2006.
24.Biết một chút về viết văn, viết kịch, nghệ thuật sân khấu, đạo diễn. Biết viết báo, làm báo, làm một chút thơ.
25. Biết chụp ảnh, quay camera, dựng phim (Tốt). Biết đánh máy chữ tốc độ khá nhanh từ năm 1999.
26.Có nhiều ý tưởng sáng tạo và vận dụng vào thực tiễn (khá nhiều) ở lĩnh vực kỹ thuật, môi trường và xã hội.
27.Biết kiến thức về xã hội học, dân tộc học, tôn giáo, đối ngoại.
28.Cử nhân Chính trị học (Chuyên ngành triết học Mác- lê nin)
29.Có kiến thức về khoa học thường thức về máy bay, xe tăng, vũ khí, bom mìn, đạn dược.
30.Có kiến thức về bản đồ, địa hình, xác định điểm dứng, đi góc phương vị.
31. Bắn súng: Giỏi AK, Trung liên, khá súng ngắn, biết Đại liên, B41.
32. Có kiến thức về chiến lược, chiến dịch, chiến thuật, nghệ thuật quân sự; Giỏi cấp tỉnh.
33. Có kiến thức quản lý nhà nước và xã hội.
34. Biết làm công tác đảng, công tác chính trị. Biết giảng bài và kiến thức giáo dục học.
35. Biết quan sát đánh giá con người. Có một chút giác quan thứ 6, dự báo tương lai.
36. Biết một chút về phong thủy.
Thế đấy, bố biết chừng ấy thứ và đủ để trở thành một người bố bình thường của các con như ngày hôm nay, đều đó làm bố rất tự hào. Điều bố luôn cảm thấy hạnh phúc chính là có ông bà, che mẹ, có mẹ con,có các con, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp như ngày hôm nay. Bố chỉ mong các con trưởng thành và hạnh phúc như bố, tất nhiên cũng mong con hơn cha nữa chứ.

Không có nhận xét nào: