Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2012

Bài hát: Chúc em bình an


Bản nhạc viết theo cách Trung Quốc, ứng với lỗ sáo.

Xem Video



Bài hát Chúc em bình an là một trong những bài hát hay của Trung Quốc về cả nhạc và ca từ. Trung Trịnh tạm dịch bài hát ra tiếng Việt để các bạn tham khảo nhé:

Chúc em bình an
Nhạc và lời Lưu Thanh
Dịch: Trung Trịnh
Niềm yêu dấu ơi, có chăng trong lòng em?
Nụ cười trên khóe môi, có tươi trong mắt em
Biết xưa nay là thế, là gặp những bao nhiêu sầu khổ
Hỡi em ơi dang rộng cánh tay, là bớt bấy nhiêu não phiền.
*
*     *
Điều ai đã cho, biết chăng đo là bao
Điều em mất đi, biết đâu có lớn lao
Bước đi trăm ngàn lối, thì nào có đâu không sầu khó?
Tiếc thêm chi những điều đã qua, điều đã góp cho cuộc đời.

Chúc hãy bình an, chúc em được nhiều ước mong
Trên mỗi bước đường, niềm hạnh phúc vây quanh em
Chúc hãy bình an, chúc em được nhiều ước mong
Có được niềm hạnh phúc cho em, là những ước ao bao tháng ngày.

Thứ Ba, 20 tháng 11, 2012

Không đề

Hôm nay ngày trọng đại,
Ngày Nhà giáo Việt Nam
Anh không ở bên em,
Càng nhớ em vô kể.
Em đừng buồn em nhé,
Rồi anh sẽ nhanh về.
Thơ viết vội không đề,
Nhưng chở đầy lời chúc.
Anh chúc nhiều hạnh phúc,
Con chúng mình chăm ngoan,
Trường em thêm tiến bước,
Mọi việc thêm vẹn toàn.



Thứ Bảy, 17 tháng 11, 2012

Niềm vui từ Cô Tô

Nụ cười của mẹ con người dân chài Cô Tô
Cửa Đối
Cửa Đối nằm giứa Đảo Quan Lạn và Đảo Ba Mùn (Vân Đồn)


Cầu tàu Cô Tô
Điện ra Cô Tô- Niềm vui của người dân đảo

Thứ Hai, 5 tháng 11, 2012

Tiểu phẩm “Cây chay” – Những điều đáng trân trọng.

     
"Bà con nhân dân mình có nhiều người tốt, cho dân, cho Nước chẳng tiếc gì đâu các con ạ. Kể cả phải hi sinh những điều lớn lao, to tát hơn nhiều ấy chứ".
 Những điều vĩ đại nhất lại nằm trong những con người bình dị nhất.
   
    (Thành thật xin lỗi bạn đọc vì đoạn Video bị ngắt quãng. Trong khi chờ chúng tôi sửa chữa, các bạn vui lòng đọc đoạn văn dưới đây)
Đặng: Người ta làm đường thì nó ồn ào một chút, Mẹ cố gắng nhé để rồi có đường mới vừa đẹp, vừa sạch sẽ hơn…
À, Mẹ ơi, sắp đến ngày giỗ anh Tâm rồi Mẹ nhỉ?
Bà Mẹ Thính: Ừ, hôm nào giỗ thằng Tâm con bảo mấy anh em trong đơn vị ra ăn cơm với Mẹ nhé?
Đặng: Mẹ ơi, con xin phép vào thắp cho anh Tâm nén hương Mẹ nhé?
Bà Mẹ Thính: Ừ, con vào đi.
Đặng: (Đặng thắp hương xong đi ra, nhìn bà Mẹ nói …nét nhạc buồn) Mẹ ạ, mỗi lần đến thăm Mẹ như thế này, con như vơi đi nỗi nhớ Mẹ con ở quê, đợt này được nghỉ phép nhất định con sẽ đón Mẹ con ra chơi với Mẹ, có được không Mẹ?
Bà Mẹ Thính: Ừ, con đón Bà cụ ra đây chơi để chị em mẹ biết nhau.
Đặng: Vâng ạ! À, Mẹ này…
Bà Mẹ Thính: Gì thế con?
Đặng: Con đường này làm qua đây sẽ đẹp lắm mẹ nhỉ. Nhưng mà hình như anh em làm đường đến đây lại vướng mất cây chay nhà mình, cây chay lại ở sát mép đường, sau này nó sẽ ảnh hưởng đến con đường.
Mẹ đã kể với con về cây chay này, kỷ niệm còn lại duy nhất của anh Tâm trồng cho mẹ trước khi lên đường nhập ngũ...
Nhưng mà việc lại rất cần, hay là mẹ xem có thể giúp người ta giải quyết vấn đề để làm đường mẹ ạ .... Anh Tâm, Mẹ còn đem cho Đảng, cho Nước được … (Nhạc tâm trạng).
Bà Mẹ Thính: (Nhìn Đặng suy tư chậm dãi nói) Mẹ biết, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, của địa phương về xây dựng nông thôn mới. Mẹ già rồi không làm được gì, mẹ cũng muốn đóng góp một ít công sức với mọi người mà chỉ phiền nỗi sức yếu không làm được.
Nói như con thì đã chẳng có chuyện gì, chứ còn như mấy chú làm đường, sáng nay có đến gặp mẹ, các chú ấy đặt vấn đề mua của mẹ cây chay chặt đi để làm đường. Các chú ấy trả mẹ một triệu, rồi hai triệu.
Mẹ buồn lắm Đặng ạ, sao bây giờ cái gì người ta cũng quy ra tiền bạc? Một mình mẹ ăn uống là bao, có tiêu pha gì đâu, mẹ có trợ cấp của nhà nước, có xóm làng đùm bọc, có các con giúp đỡ.  Mẹ buồn vì các chú ấy coi thường mẹ quá, mẹ không bằng lòng. (Đứng lên, đi vài bước lên phía trước)
Thằng Tâm - mẹ đứt ruột đẻ ra, ông ấy không may mất sớm, mẹ nuôi nó một mình, nó chưa đầy 18 tuổi đã viết đơn tình nguyện đi giết giặc cứu nước, mẹ không giữ, mẹ đem nó cho Đảng để tham gia kháng chiến, ra chiến trường đánh thằng giặc Mỹ. Vì Tổ quốc nó đã hy sinh, mẹ đau như đứt từng khúc ruột, nhưng vì Nước vì non nên mẹ đau mà không tiếc, thì bây giờ mẹ  tiếc gì cây Chay hả con? Một cây chứ cả mười cây chay mẹ cũng cho.  Mẹ lấy tiền của các chú ấy để làm gì cơ chứ?
Đặng:  (Lặng người đi) Vâng ạ, chúng con đã không hiểu hết tấm lòng của mẹ, bây giờ thì con đã hiểu. Con thay mặt anh em, xin lỗi Mẹ và mong Mẹ tha thứ cho anh em chúng nó.
Mẹ ạ, anh em chúng con còn trẻ chưa nghĩ được gì nhiều đâu.
Doanh và Hợp: (Từ nãy đứng ngoài xa vội mà ngập ngừng bước vào) Mẹ ơi, chúng con đã hiểu cả rồi, chúng con có lớn mà chưa có khôn, chúng con thành thật xin lỗi Mẹ, mong Mẹ tha thứ cho chúng con, mẹ nhé.
Bà Mẹ Thính: (Trầm tư quay vào ghế) Bà con nhân dân mình có nhiều người tốt, cho dân, cho Nước chẳng tiếc gì đâu các con ạ. Kể cả phải hi sinh những điều lớn lao, to tát hơn nhiều ấy chứ.
 Ừ, các con đã nghĩ được như thế là mẹ mừng lắm rồi. Mẹ không tha thứ cho các con thì còn tha thứ cho ai.
Thôi, bây giờ các con ra chặt cây đi để mà làm đường cho kịp bàn giao công trình.
À, mà này, nghe mẹ dặn, rễ cây thì các con mang về đây cho mẹ, để mẹ biếu các bà cụ hàng xóm ăn trầu các con nhé. Đặng, (Đặng: Dạ) Con bứng lấy một đoạn rễ cây chay tốt, ươm vào phía trong vườn giúp mẹ.
Đặng: Chay trồng bằng rễ à mẹ?
Bà Mẹ Thính: Cha bố anh, chay là phải ươm bằng rễ con ạ.
Đặng, Doanh và Hợp: Vâng ạ, chúng con cảm ơn Mẹ, chúng con đi làm ngay đây Mẹ ạ.
(Bắt tay Đặng) Chúng em cũng xin lỗi anh và cảm ơn anh Đặng. Chúng em triển khai ngay đây!
Cùng nhau chào khán giả!



Thứ Năm, 27 tháng 9, 2012

Món ngon quê tôi: Cuốn hở

Nguyên liệu:
          -Thịt tai lợn: 2 đến 3 lạng.
          -Hành tươi cả cây, củ nhỏ: 4 lạng. (Nếu củ to thì chẻ đôi).
          -Rau mùi, rau răm, mùi tàu.
          -Cà rốt 1 củ.

          Cách chế biến:

          Thịt tai lợn luộc chín, giòn. Khi để nguội thái con chì.
          Hành bỏ vào luộc. Nước sôi luộc phần củ trước khoảng 1 phút, sau đó nhúng phần lá vào, vừa chín vớt ra. Mục đích để củ chín mà lá không chín kỹ quá, đỡ dai.
          Rau mùi, rau răm, mùi tàu rửa sạch, vẩy khô.
          Cà rốt thái hoa trang trí xung quanh đĩa cho đẹp.
          Pha nước mắm vừa ăn, rắc tiêu (Cũng có người thích nước mắm nguyên chất)
          Khi hành vừa nguội, đặt 1 miếng thịt tai, một ít rau thơm vào cạnh củ hành, đưa phần lá hành cuốn vòng tròn xung quanh vừa chặt.
          Bày lên đĩa đã xếp cà rốt.

          Cảm quan:
          Rau xanh, củ trắng, thịt giòn, cà rốt đỏ trông đẹp mắt. Chấm nước mắm dậy mùi thơm. Đơn giản mà rất thơm ngon.

Kịch ngắn: Cây Chay

Trung Trịnh

Nhân vật:
- Doanh: Kỹ sư công trường.
- Hợp: Công nhân lái máy gạt.
- Đặng: Bộ đội Công binh.
- Bà Mẹ Thính.
- Vai phụ Trần Chiến Thắng trong Video Clip

(Màn mở -video clip- hình ảnh máy ủi, máy xúc đang làm việc. Trên máy là Hợp- Công nhân lái máy. Ngoài sân khấu, Doanh quản đốc công trường tay cầm cặp tài liệu và bản đồ thi công gọi to).
Hợp ơi…tạm dừng một lát xuống đây tớ bảo
Hợp: (Ngồi trên máy nói vọng xuống- Cận cảnh) Có việc gì thế hả xếp Doanh.
Doanh: Cậu không nhìn thấy gì kia à?
(tiếng máy gạt nhỏ dần và tắt hẳn hợp mới xuất hiện trên sân khấu).
Hợp: Nhìn thấy gì thưa xếp?
Doanh: Sát mép đường, cạnh vườn nhà người ta có cây chay như thế kia mà cậu cứ thế gạt, nó vướng vào cành, bật rễ đổ cây thì gay to chứ tưởng;
Hợp: Em cứ tưởng cây chay này là mình đã đền bù xong rồi thưa xếp?
Doanh: Thế thì nói làm quái gì? May mà tớ đến kịp, chậm một tí nữa thôi thì không biết đằng nào mà gỡ?
Cậu xem đây này? (Mở bản đồ chỉ vào vị trí cay chay và nói). Cậu xem! Cây Chay này, nó nằm ở đất nhà người ta, nhưng lại ở sát mép đường, nó không thuộc diện đền bù mà rễ và cành của nó đua ra ngoài, nếu để thì không thể thi công được, nếu gạt đến đó nó mà bật gốc, gãy cành đổ ra là phức tạp đấy.
Hợp: Dạ báo cáo xếp, nếu đoạn đường này mà không giải phóng được cây Chay kia đi thì không thể thi công được, hơn nữa lại sắp đến mùa mưa bão, xếp dự tính thế nào? Máy của em cứ nằm uột ra đây không ngóc ngách gì được, chết em à?
Doanh: (Tay vừa gấp bản đồ vừ nhìn Hợp) Thế tôi mới cần đến cậu!
Hợp: Hay theo em, xếp cứ đến gặp Bà cụ đặt vấn đề liệu có được không?
Doanh: Thế cậu định đặt vấn đề như thế nào?
Hợp: Theo em chẳng có gì là phức tạp cả? Cứ thế “này này”… là xong ngay đấy mà? (Hai ngón tay vê vê vào nhau ra ý xỉa tiền)
Doanh: Hợp này! Tớ thấy Bà cụ mấy ngày nay có điều gì là lạ! Từ hôm Phòng tài nguyên của địa phương xuống đo và cắm mốc địa giới đoạn đường bàn giao cho mình thi công, mình thấy bà cụ ngồi cả ngày bỏm bẻm nhai trầu không nói không rằng, mắt nhìn ra cây Chay, tớ hỏi Bà cụ cũng chẳng trả lời, quay vào lại nhai trầu bỏm bẻm,  hay là ….?
Hợp: Úi dời, già rồi lẩm cẩm đấy mà!
Doanh: Mà Hợp này? Mọi ngày tớ thấy cậu cũng dẻo mỏ, công tác dân vận cũng khớ đấy, theo tớ cậu vào gặp Bà cụ đặt vấn đề xem có cho mình chặt cây Chay đi không?
Hợp: Xếp ơi! Công tác dân vận bây giờ chỉ là một phần thôi, quan trọng là cái này này (tay vê vê ngón tay vào nhau giơ cho Doanh xem), “Tiền, tiền” là Ô văn kê xếp ạ! Dân vận bằng nước dãi không thôi là dân giận ngay.
Doanh: Thế tôi mới gọi cậu ! Thôi được rồi, cứ coi như tớ nhờ cậu đi, tớ dặn trước: vào đặt vấn đề với Bà cụ nhưng không được vung tay quá trán đấy, tiền thì tiền, nhưng không phải vỏ hến đâu, xong việc tớ sẽ đãi cậu một chầu bia.
Hợp: Xếp nhớ đấy nhá!
Doanh: Được rồi, được rồi, cứ xong việc đã.
Hợp: Xếp vào cùng với em cho nó tăng phần quan trọng (Kéo tay, cả hai cùng vào).

CẢNH HAI
(Bà mẹ ngồi bên cái chõng tre, miệng nhai trầu, bên cạnh có hộp đựng trầu, bên góc sân khấu là một ngôi nhà ngói đơn sơ. Doanh và Hợp xuất hiện, Hợp vào trước).
Hợp: Dạ, chúng cháu chào Bà ạ! (Không thấy Bà cụ nói gì!).
Doanh: Da, chúng con chào Bà ạ!
Bà mẹ Thính: Không dám, chào hai chú!
Doanh: Chúng con muốn vào thưa chuyện với Bà về cây Chay của gia đình ta ạ.
Bà mẹ Thính: Chú nói chuyện..., ăn giầu thuốc thì bao giờ chả cay.
(Doanh và Hợp nhìn nhau thất vọng lắc đầu)
Hợp: Dạ không phải như thế đâu Bà ạ.
Bà mẹ Thính: Ừ, trong nhà có ghế đấy cứ lấy ra mà ngồi…
Hợp: Thôi đi tong rồi xếp ạ, Bà cụ điếc lòi điếc lõi như thế này thì có mà vận động đến sáng mai.
Bà mẹ Thính: Mà các chú đến có việc gì, nếu có việc thì các chú phải nói to lên chứ Bà già rồi tai nghễnh ngãng chả nghe được gì đâu.
Hợp (Vừa nói to, vừa ra hiệu): Bà ơi, cây Chay của Bà ở sát mép đường, sau này rễ của nó sẽ ảnh hưởng đến con đường đang làm, Bà để chúng cháu chặt đi, chúng cháu trả tiền cho Bà đàng hoàng Bà nhé!
Bà mẹ Thính: (ngước nhìn cây Chay rồi hỏi) Thế các chú định trả tôi được bao nhiêu?
Hợp: (Đưa tay lên ra hiệu) Chúng cháu trả Bà hẳn một triệu đồng.
Bà mẹ Thính: (lắc đầu không vừa lòng) Nếu vậy, thì các chú về nhà các chú mà chặt, đừng chặt cây của tôi.
Hợp: (liếc nhìn sang Doanh rồi trả lời) Triệu rưỡi được không Bà? Giá chót rồi đấy.
Bà mẹ Thính: (Không nói gì, tỏ vẻ không vừa lòng).
Doanh: (sốt ruột chen vào) Bà ơi, cháu trả Bà hẳn hai triệu…
Hợp: Chỉ có thế thôi, không cao hơn được nữa đâu, Bà ạ.
Bà mẹ Thính: (nhìn Doanh và Hợp trong giây lát không nói gì, đứng dậy đi vào trong nhà)
Doanh: (vẻ tiếc nuối, đi theo Bà mẹ thêm mấy bước và quay ra với vẻ bực tức …mắng Hợp)
Không xong rồi, đấy cậu cứ khoác lác, lẻo mép, cứ tiền, tiền là xong đấy ! Mọi hôm tớ thấy mồm miệng cậu như tôm như tép, hôm nay văn vẻ cục cằn thô lỗ chẳng được cái tích sự gì, thế mà chưa chi đã bia với bọt, bực hết cả mình.
Hợp:  Ơ hay nhỉ, việc này đáng lẽ là của anh, không xong cũng vẫn là việc của anh, em chưa nói xong anh đã đế vào, sao lại còn mắng em?
 (suy nghĩ giây lát, Hợp tiếp lời) À, mà em nghĩ ra rồi!
Doanh: Cậu thì nghĩ được cái trò gì?
Hợp: Ạnh Đặng!
Doanh: Đặng nào?
Hợp: Anh Đặng Bộ đội Công binh ấy!
Doanh: Công binh thì làm sao? Liên quan gì?
Hợp: Chưa nói anh đã chặn. Thì anh em mình tới đó, nhờ anh ấy nói với Bà cụ giúp cho.
Doanh: Tưởng gì? Tay Đặng cù lần ấy thì làm sao nói Bà cụ nghe được.
Hợp: Anh không biết đấy thôi, mấy lần đi làm qua em thấy anh ấy ngồi trò chuyện với Bà cụ thân mật lắm, cứ thử xem, biết đâu anh em mình đến nhờ anh ấy giúp lại thành công thì sao?
Doanh:  Thôi đành vậy, duyệt “cái thử xem” của cậu tác dụng đến mức nào, may ra được thì tốt? Nào chúng ta đi.
Hợp: Vâng, ta đi thôi anh!


CẢNH BA
(Video clíp: Cảnh đơn vị đang tổ chức luyện tập,  Đặng đang duy trì đơn vị tập luyện bài võ thuật có súng, dàn đội hình, thu đội hình; Doanh và Hợp bước vào).

Hợp: Xếp ơi, anh Đặng đang cho đơn vị luyện tập anh ạ.
Doanh: Hợp này, tưởng tay Đặng cù lần, thế mà hôm nay hô hét cứ gọi là răm rắp ấy chứ, oách ra trò.
Hợp: Đấy, em đã nói rồi. (Vẫy vẫy tay gọi to) Anh Đặng ơi!!!
Đặng: (Từ trong đội hình, thoáng nhìn thấy Hợp và Doanh đến, Đặng hô to: Đồng chí Trần Chiến Thắng.
Chiến: có.
Đặng: Đồng chí thay tôi tiếp tục duy trì đơn vị luyện tập.
Chiến: Rõ.)
Đặng:  (Bước ra khỏi khuôn hình, hình ảnh bộ đội luyện tập mờ dần, thay vào đó là pa nô màu đỏ: Vì nhân dân quên mình.Đồng thòi từ trong cánh gà ra sân khấu)
Chào các nhà doanh nghiệp trẻ, sao bảo công việc dạo này bận rộn vất vả, vắt chân lên cổ để kịp tiến độ, thế mà vẫn có thời gian rỗi đến đây chơi với tớ thế này à?
Doanh: (Nói giọng nửa đùa nửa thật) Thủ trưởng ơi, chúng em làm gì có thời gian rỗi mà đi chơi. Hôm nay đến là nhờ Thủ trưởng gỡ cho chúng em quả bom đây!
Đặng: (giật mình) Chết, làm ở chỗ nào mà có bom, nguy hiểm lắm đấy, sao không điện ngay cho tớ.
Doanh: Nguy hiểm thì không, nhưng mà khó nhai lắm, bọn em đã thử gỡ rồi nhưng không làm sao gỡ được.
Đặng: Chết, chết, sao các anh lại động vào bom, thấy bom mìn dù đang làm gì cũng phải sơ tán, kể cả những người ở khu vực xung quanh và lập tức báo ngay cho chúng tôi biết chứ, sao các anh lại liều thế?
Doanh và Hợp (cười phá lên, Doanh nói): Anh ơi, không phải bom của anh, mà  bom là bom của chúng em, nhưng phải nhờ đến anh, mà chỉ có anh mới gỡ được thôi.
Hợp: Đúng vậy đấy anh, anh xem thế nào đến gỡ rối giúp cho chúng em với, không thì gay to anh ạ.
Đặng: Thế mà các cậu làm tớ giật thót cả mình, sao bom mìn thế nào, nói cho tớ nghe xem nào?
Doanh: Thế anh còn nhớ Bà cụ điếc ở ngã ba thôn Hải Xuân không?
Đặng: Thôn Hải Xuân à, à Bà mẹ Thính!
Hợp: Chính xác, Bà cụ điếc lòi điếc lõi thế mà lại tên là “Thính” nhỉ.
Đặng: Các cậu đừng nói thế phải tội, Mẹ là người tốt, thương người và thương Bộ đội lắm đấy.
Doanh: Thế sao Cụ khó thế, có cây Chay ở cạnh mép đường, chúng em đến đề nghị xin Cụ chặt đi và trả tiền Cụ đàng hoàng. Thế mà Cụ dứt khoát không nghe.
Hợp: Đúng vậy đấy anh ạ, anh xem đến giúp cho bọn em với.
Đặng: Các cậu nói thế nào ấy chứ, tớ thấy Mẹ không khó thế đâu, thường thì mẹ lấy rễ cây chay để ăn trầu, nhưng quả thì Mẹ cho khắp xóm kho cá, (Nhắc lại) chứ Mẹ không khó đến thế đâu.
Doanh: Đúng là bà cụ từ chối thật mà, anh xem thế nào đến gỡ giúp cho chúng em không thì gay to, nếu không thì không bảo đảm tiến độ bàn giao công trình cho địa phương, hơn nữa lại sắp đến mùa mưa bão rồi, anh ạ. Cứ nằm ì ra thì chết tiền anh ạ.
Đặng: Thôi được, để tớ vào hỏi ý tứ Mẹ xem thế nào.
Doanh và Hợp: Được thế thì còn gì bằng, vậy ta đi thôi anh.

CẢNH BỐN
(Cảnh  nhà Mẹ Thính)
Đặng (Thấp thoáng trong cánh gà): Mẹ Thính ơi, Mẹ Thính! Mẹ có nhà không ạ!
Bà Mẹ Thính: (Bà Mẹ đi từ trong nhà đi ra tay chống gậy, tay cầm cối giã trầu vừa đi vừa nói) Tiếng ai như tiếng thằng Đặng Bộ đội Công Binh đến ấy nhỉ?... (Đặng xuất hiện) đúng là Đặng phải không con?!
Đặng: Con chào Mẹ, Mẹ vẫn khoẻ chứ ạ?
Bà Mẹ Thính: Mẹ khoẻ, nhà có một mình, mẹ đâu có dám ốm đau gì. Cha bố anh, sao lâu lắm không thấy anh đưa bộ đội đến chơi.
Đặng: Con bận quá Mẹ ạ, đơn vị con đang mùa huấn luyện lại vừa phải rà phá vật cản, bom mìn để làm đường nên con chưa có thời gian tới thăm Mẹ được.
Bà Mẹ Thính: Ừ, bộ đội bận là phải, mấy hôm nay khí hậu oi bức quá, trước nhà, họ đang thi công đoạn đường liên thôn. Gớm, tiếng máy xúc, máy gạt gì mà nó cứ chan chát, cành cạch ầm ĩ suốt cả ngày lẫn đêm làm mẹ không sao mà ngủ được. Ờ nhưng mà mẹ cũng thấy vui tai con ạ.
Đặng: Người ta làm đường thì nó ồn ào một chút, Mẹ cố gắng nhé để rồi có đường mới vừa đẹp, vừa sạch sẽ hơn…
À, Mẹ ơi, sắp đến ngày giỗ anh Tâm rồi Mẹ nhỉ?
Bà Mẹ Thính: Ừ, hôm nào giỗ thằng Tâm con bảo mấy anh em trong đơn vị ra ăn cơm với Mẹ nhé?
Đặng: Mẹ ơi, con xin phép vào thắp cho anh Tâm nén hương Mẹ nhé?
Bà Mẹ Thính: Ừ, con vào đi.
Đặng: (Đặng thắp hương xong đi ra, nhìn bà Mẹ nói …nét nhạc buồn) Mẹ ạ, mỗi lần đến thăm Mẹ như thế này, con như vơi đi nỗi nhớ Mẹ con ở quê, đợt này được nghỉ phép nhất định con sẽ đón Mẹ con ra chơi với Mẹ, có được không Mẹ?
Bà Mẹ Thính: Ừ, con đón Bà cụ ra đây chơi để chị em mẹ biết nhau.
Đặng: Vâng ạ! À, Mẹ này…
Bà Mẹ Thính: Gì thế con?
Đặng: Con đường này làm qua đây sẽ đẹp lắm mẹ nhỉ. Nhưng mà hình như anh em làm đường đến đây lại vướng mất cây chay nhà mình, cây chay lại ở sát mép đường, sau này nó sẽ ảnh hưởng đến con đường.
Mẹ đã kể với con về cây chay này, kỷ niệm còn lại duy nhất của anh Tâm trồng cho mẹ trước khi lên đường nhập ngũ...
Nhưng mà việc lại rất cần, hay là mẹ xem có thể giúp người ta giải quyết vấn đề để làm đường mẹ ạ .... Anh Tâm, Mẹ còn đem cho Đảng, cho Nước được … (Nhạc tâm trạng).
Bà Mẹ Thính: (Nhìn Đặng suy tư chậm dãi nói) Mẹ biết, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, của địa phương về xây dựng nông thôn mới. Mẹ già rồi không làm được gì, mẹ cũng muốn đóng góp một ít công sức với mọi người mà chỉ phiền nỗi sức yếu không làm được.
Nói như con thì đã chẳng có chuyện gì, chứ còn như mấy chú làm đường ấy, sáng nay có đến gặp mẹ, các chú ấy đặt vấn đề mua của mẹ cây chay chặt đi để làm đường. Các chú ấy trả mẹ một triệu, rồi hai triệu.
Mẹ buồn lắm Đặng ạ, sao bây giờ cái gì người ta cũng quy ra tiền bạc? Tiền bạc làm ra là quí. Nhưng một mình mẹ ăn uống là bao, có tiêu pha gì đâu, mẹ có trợ cấp của nhà nước, có xóm làng đùm bọc, có các con giúp đỡ.  Mẹ buồn vì các chú ấy coi thường mẹ quá, mẹ không bằng lòng. (Đứng lên, đi vài bước lên phía trước)
Thằng Tâm - mẹ đứt ruột đẻ ra, ông ấy không may mất sớm, mẹ nuôi nó một mình, nó chưa đầy 18 tuổi đã viết đơn tình nguyện đi giết giặc cứu nước, mẹ không giữ, mẹ đem nó cho Đảng để tham gia kháng chiến, ra chiến trường đánh thằng giặc Mỹ. Vì Tổ quốc nó đã hy sinh, mẹ đau như đứt từng khúc ruột, nhưng vì Nước vì non nên mẹ đau mà không tiếc, thì bây giờ mẹ  tiếc gì cây Chay hả con? Một cây chứ cả mười cây chay mẹ cũng cho.  Mẹ lấy tiền của các chú ấy để làm gì cơ chứ?
Đặng:  (Lặng người đi) Vâng ạ, chúng con đã không hiểu hết tấm lòng của mẹ, bây giờ thì con đã hiểu. Con thay mặt anh em, xin lỗi Mẹ và mong Mẹ tha thứ cho anh em chúng nó.
Mẹ ạ, anh em chúng con còn trẻ chưa nghĩ được gì nhiều đâu.
Doanh và Hợp: (Từ nãy đứng ngoài xa vội mà ngập ngừng bước vào) Mẹ ơi, chúng con đã hiểu cả rồi, chúng con có lớn mà chưa có khôn, chúng con thành thật xin lỗi Mẹ, mong Mẹ tha thứ cho chúng con, mẹ nhé.
Bà Mẹ Thính: (Trầm tư quay vào ghế) Bà con nhân dân mình có nhiều người tốt, cho dân, cho Nước chẳng tiếc gì đâu các con ạ. Kể cả phải hi sinh những điều lớn lao, to tát hơn nhiều ấy chứ.
 Ừ, các con đã nghĩ được như thế là mẹ mừng lắm rồi. Mẹ không tha thứ cho các con thì còn tha thứ cho ai.
Thôi, bây giờ các con ra chặt cây đi để mà làm đường cho kịp bàn giao công trình.
À, mà này, nghe mẹ dặn, rễ cây thì các con mang về đây cho mẹ, để mẹ biếu các bà cụ hàng xóm ăn trầu các con nhé. Đặng, (Đặng: Dạ) Con bứng lấy một đoạn rễ cây chay tốt, ươm vào phía trong vườn giúp mẹ.
Đặng: Chay trồng bằng rễ à mẹ?
Bà Mẹ Thính: Cha bố anh, chay là phải ươm bằng rễ con ạ.
Đặng, Doanh và Hợp: Vâng ạ, chúng con cảm ơn Mẹ, chúng con đi làm ngay đây Mẹ ạ.
(Doanh bắt tay Đặng) Chúng em cũng xin lỗi anh và cảm ơn anh Đặng. Chúng em triển khai ngay đây!
Cùng nhau chào khán giả!

Hạ màn

Thứ Tư, 8 tháng 8, 2012

THẬT RA CHÚNG TA ĐỀU GIỐNG NHAU


Một phụ nữ da trắng dắt theo con trai 6 tuổi ra ngoài, bà gọi xe taxi, tài xế là một người da đen.

Thằng bé 6 tuổi chưa bao giờ gặp qua người da đen, trong lòng rất là sợ hãi, bèn hỏi mẹ :
“Người này có phải là người xấu không mẹ ? Tại sao người đen thui vậy ?”

Tài xế người da đen nghe thấy trong lòng rất lấy làm khó chịu.

Lúc này, người phụ nữ liền nói với con trai :
“Chú tài xế này không phải người xấu, ông ta là một người tốt con à!”

Con trai nhíu mày trầm tư một hồi lại hỏi tiếp :
“Nếu chú ấy không phải là người xấu, vậy chú có phải đã làm điều gì xấu xa, cho nên Thượng Đế mới trừng phạt chú ?”

Người da đen ấy nghe xong, mắt ngấn lệ, ông ta rất muốn biết người phụ nữ da trắng ấy sẽ trả lời thế nào.

Người mẹ nói : “Ông ta là một người rất là tốt, cũng không làm điều gì xấu xa. Vườn hoa của chúng ta có màu hồng, màu trắng, màu vàng … có phải không ?”

“Vâng ! Đúng ạ !”

“Vậy hạt của hoa có phải đều là màu đen không ?”

Đứa bé nghĩ ngợi một lúc :
“Đúng thế ạ ! Toàn là màu đen hết.”

“Hạt giống màu đen cho nở ra những đóa hoa đầy màu sắc và thơm ngát, tô điểm cho cả thế giới này thêm muôn màu muôn vẻ, đúng thế không ?”

“Vâng !”

Con trai đột nhiên ngộ ra và nói :
“Vậy là chú tài xế ấy không phải là người xấu rồi ! Cám ơn chú tài xế, chú đã tô điểm cho cả thế giới này thêm muôn màu muôn vẻ, con muốn cầu nguyện cho chú ấy. ”

Đứa bé thơ ngây đang ngồi cầu nguyện, người tài xế da đen giờ nước mắt đã lăn dài trên má, lòng nghĩ :
“Vì những người da đen bị xem thường không ngoi đầu lên nỗi, hôm nay, người phụ nữ da trắng này đã dùng lời lẽ ôn hòa dạy con trai mình, hóa giải nỗi ám ảnh về mình trong lòng con, đã vì mình cầu nguyện và chúc phúc, thật sự phải cảm ơn bà ta rất nhiều ! ”

Lúc này, xe đã đến điểm dừng, người tài xế kiên quyết không lấy tiền, ông ta nói :
“Lúc bé, tôi đã từng hỏi mẹ cũng cùng một câu hỏi ấy, mẹ nói vì chúng tôi là người da đen, phải chịu thua kém. Nếu khi xưa mẹ tôi đổi thành câu trả lời của bà, hôm nay tôi nhất định sẽ có một thành tựu khác…”.

(Sưu tầm từ Thái Nguyên)

Chủ Nhật, 5 tháng 8, 2012

BÁC CỦA CHÚNG TA


Trung Trịnh
9/2009
Tấm gương đạo đức Bác Hồ
Minh tinh nhật nguyệt sáng loà hôm nay.

Bốn mươi năm ấy một ngày 1,
Tiễn đưa Người mãi đến nay như còn.
          Hẹn thề với nước, với non
Lời Người vang vọng, cháu con lưu truyền.
          Bác về thế giới người hiền
Bóng hình Bác vẫn vẹn nguyên trong lòng.

          Từ khi rời bến Nhà rồng
Hai mươi mốt tuổi, tay không chẳng nề 2
          Mênh mang biển nước bốn bề
Latoucher3 đưa Người về chốn nao?
          Bầu trời muôn triệu vì sao
Con đường cứu nước nơi nào hỡi ai ?
          Khi phụ bếp, lúc viết bài
Lúc phu dọn tuyết, lúc mài kéo dao
          Kêu trời có thấu trời cao?
Vạch ra hai giống giữa bao kiếp người4
          Một kẻ khóc, một kẻ cười
Một giống bóc lột, một đời xót xa
          Thương người nạn nổi, can qua
Thương người cùng khổ “Le Pa-ri-a”5
          Đảng Xã hội, Quốc tế III6
Người dâng bản án “Tội là thực dân”7
          Thù nhà, nợ nước nghìn cân
Tự do độc lập muôn phần ước ao.
          Tìm đâu một ngọn ba đào8 ?
Thoát cho dân tộc nỗi đau đoạ đày ?

          Thế rồi một sớm hôm mai
Ngôi sao ngời sáng bậc thầy - Lê Nin
          Cho Người son sắt niềm tin
‘‘Tự do, cơm áo’’ đã tìm thấy đây9
          Tháng Mười năm ấy một ngày
Ngọn cờ Xô Viết tung bay búa liềm.
          Hân hoan trong dạ một niềm
Năm 23, Bác đến tìm Lê Nin
          Mạc tư khoa buốt trong tim10
Luận cương ở đó, người tìm vắng xa...

          ‘‘Quan sơn muôn dặm một nhà
Bốn phương vô sản đều là anh em”11
          Tìm người tâm huyết mọi miền
Truyền Chủ nghĩa Mác, soi đêm rạng ngày12,
          Xoá đi những kiếp đoạ đày
Đuổi quân đế quốc, diệt loài thực dân.
          Người về Trung Quốc, Hồng Kông
Dựng xây tổ chức một lòng đấu tranh
          Một tổ chức hội tuổi xanh13
Đồng lòng yêu nước đã thành sắt son,
          Trung, Nam, Bắc mạch nước nguồn
Ba tổ chức Đảng là con một nhà
          Cùng Chủ nghĩa Mác  mà ra
Cùng người giác ngộ, cùng là anh em14
          “Đường kách mệnh” sáng ngời thêm
Ba tổ chức Đảng Người đem hợp thành15
          Năm 30 rạng sử xanh
Có Đảng dẫn lối, đấu tranh có đường.
          Dân ta anh dũng can trường
Rạng danh Phù Đổng, Hùng Vương, Lạc Hồng
          Theo Đảng tâm nguyện, chí đồng
Một lòng một dạ cứu vong giống nòi.

          “Nay tuy châu chấu đá voi
Rồi mai voi sẽ bị lòi ruột ra”16
          Phong trào cách mệnh nở hoa
Xô viết Nghệ Tĩnh dựng cờ trước tiên
          Đấu tranh dậy khắp ba miền
Ba mươi- Ba mốt dấy lên sóng trào,
          Gieo mầm bóng dáng cờ sao
Gieo mầm Cách mạng ba đào là đây.
          Đánh phong kiến, diệt giặc tây
Dựng cờ khởi nghĩa, mong ngày tự do.

          Bước trên đường dựng cơ đồ
Gian truân lại lại tiếp bến bờ gian truân
          Phong trần lại tiếp phong trần
Hiểm nguy ngàn mối, khó khăn trăm đường.
          “Ngục trung” khí phách can trường
Trong tù lòng vẫn ngàn thương nước nhà.    
Tưởng Giới Thạch sẵn nhà pha
Giam người cách mạng, chẳng tha thân gầy
          Dù mang một kiếp lưu đày
Tinh thần nung nấu, vờn bay sao cờ
          Áo một chiếc, cơm chẳng no
Răng rụng, tóc bạc mà lo cơ đồ
          Nhưng rồi một sáng tinh mơ
Nhà lao mở cửa, sáng loà rồng bay
          Đỉnh non cao sớm hôm mai
Thu vào tầm mắt rộng dài nước non.

          Thúc thôi thôi thúc bước dồn
Người về Tổ Quốc nước non Cao Bằng
          Mười tám tháng một đầu xuân17
Cúi hôn hòn đất lệ ngần mắt rưng
          Mốc một linh tám (108) Việt Trung18
Năm người đồng chí Bác cùng sẻ chia.
          ‘‘Non xa xa, nước xa xa’’19
Ngọn nguồn Núi Mác chảy ra trong ngần
          Thân gầy, bàn đá chông chênh
Cháo, măng, rau, bẹ mà thành quân cơ20.
          Lập Mặt trận, lập chiến khu
Lập Hội ái quốc Coọc Mu, Nguyên Bình21
          Việt Nam Độc lập đồng minh
Xây dựng căn cứ, xây thành lòng dân.
          Dù rằng vận nước nghìn cân
Có dân, có Đảng trong ngần nắng mai.

Vào tháng chạp, ngày hai hai22
Ba tư chiến sĩ trước đài uy nghiêm
          Sao vàng cờ đỏ dương lên
Tiếng hô Quyết thắng dậy vang núi rừng
          “Đội Tuyên truyền giải phóng quân”
Nguyện theo lời Bác, hi sinh cứu nòi
          Đấu tranh xoá kiếp tôi đòi
Tạc lời vàng đá mười điều Bác trao
          Quân, dân, Đảng- ngọn cờ đào
Lòng người ái quốc ước ao tháng ngày.

Năm bốn nhăm thế chiến hai
Bên trục phát xít, bên thời đồng minh23
          Giữa ngày lửa máu chiến chinh
Nhật hất cẳng Pháp, sân đình máu rơi24
          Sói lang thay lũ lợn nòi
Một bầy gian ác, thay loài hôi tanh.
          Núi rừng cho chí đồng xanh
Bắt dân nhổ lúa, ruộng thành đồng đay
          Đầy đường chết đói phơi thây,
Linh hồn gào khốc hơn hai triệu người25.
          Vận nước thôi thế thì thôi
Tơi bời lại tiếp tơi bời hay sao?
          Vững tay một ngọn cờ đào
Bác hô vận nổi sóng trào là đây
Cho dù thằng Nhật, thằng Tây
Cắn nhau rồi lũ chúng mày ắt thua
          Đồng bào phải chớp thời cơ
Phất cờ khởi nghĩa nhất tề đứng lên.
          Bác họp Hội nghị Quốc dân
Diên Hồng ngày trước quây quần hôm nay.
          Đình Hồng Thái, sắc cờ bay,
Đồng lòng quyết chí: Định ngày phản phong26

          Hướng lên Việt Bắc mà trông
Bóng Người lồng lộng, cờ hồng phất cao.
          Lòng dân một ánh cờ sao
Ầm ầm thác lũ, ào ào sóng dâng
          Mười chín tháng tám bốn nhăm
Khắp Trung Nam Bắc ầm ầm sục sôi.
          Nấu nung đã bấy lâu rồi
Thời cơ Cách mạng đổi đời là đây
          Chính quyền ta cướp về tay
Ước ao ao ước hôm nay đã thành
          Kêu trời đã thấu trời xanh
Theo Người, theo Đảng quyết dành tự do.
          Cách mạng Tháng Tám thắng to
Lâm thời Chính Phủ ngọn cờ phất lên
          Từ đây Nước đã có tên
Kiếp đời nô lệ đứng lên thành người
          Trăm sông về một biển khơi
Triệu người như một, đất trời của ta.
          Nhớ về ngỡ mới hôm qua
Bóng Người lồng lộng, sắc hoa Ba Đình
          Nguyễn ái Quốc- Hồ Chí Minh
Trước đài Người nói đinh ninh tiếng đồng
          Tuyên ngôn từng chữ, từng dòng
“Đồng bào nghe có rõ không ?” Đồng bào?
          Tiếng vang trong những nghẹn ngào
Triệu người hô “Có”27 xiết bao ý lồng
          Xưa, nay, nam, bắc, tây, đông
Hỡi ai gần gũi lạ lùng xiết bao
          Bóng trông vời vợi trời cao
Mà sao gần gũi xiết bao lạ lùng.
          Cha già của cả non sông
Là Cha, là Bác, là Ông mọi nhà
          Ba Đình rợp bóng cờ hoa
Trẻ già như muốn khóc oà niềm vui
          Nước non, non nước đây rồi
Đại đồng thế giới xây đời ấm no
          ‘‘Công ơn Đảng thật là to”
Ơn Người chèo lái con đò sang sông
          Nước non rợp sắc cờ hồng
Bình minh toả khắp vừng đông sáng bừng.

(Còn nữa)
________________________________________________________________________________
1: Bốn mươi năm: Bác mất ngày 02/9/1969 đến nay 2009 vừa 40 năm.
2: Bác sinh 1890, ngày 05 tháng 6năm 1911 Bác ra đi từ Bến Nhà Rồng, lúc đó Bác tròn 21 tuổi.
3: Latoucher Terevile Là tên con tàu Bác Làm phụ bếp và ra nước ngoài.
4 : Khi sang đến Pháp, Bác đưa ra một nhận xét khái quát : Trên thế giới tóm lại có 2 giống người, một giống người đi bóc lột, áp bức và một giống người bị áp bức, bóc lột.
5 :Le Paria là tên tờ báo do Bác làm chủ bút tại Pháp. Dịch ra tiếng Việt là ‘‘Người cùng khổ’’
6 :Khi hoạt động ở Pháp, Bác gia nhập Đảng xã hội Pháp, sau đó Bác là một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và tham gia ủng hộ Quốc tế III của Lê Nin, vì Bác thấy Quốc tế III bênh vực cho các dân tộc thuộc địa.
7 : Khi tham gia Đại hội Quốc tế Cộng sản, Người dâng lên một văn bản mang tên : ‘‘Bản án chế độ thực dân Pháp’’
8 : Ba đào : Là sóng lớn.
9: Khi đọc bản luận cương của Lê Nin soàn thảo cho Quốc tế cộng sản (Quốc tế III), Người thấy bản luận cương bênh vực các nước thuộc địa, Người đã nói như reo lên: Độc lập là đây, cơm áo đây rồi.
10: Khi Bác sang Nga năm 1923 tìm đến Lê Nin thì Lê nin đang nằm trong bệnh viện vi vết thương do bọn phản động ám sát gây ra, và Lê nin mất năm 1924.
11: Quan sơn muôn dặm một nhà .... là thơ của Hồ Chủ Tịch.
12: Sau khi tìm hiểu Chủ nghĩa Mác- Lê Nin, Bác đã đem truyền bá vào các tầng lớp thanh niên yêu nước Việt Nam, đặc biệt những người hoạt động ở Việt Nam, Trung Quốc, Hồng Kông, Ma Cao, Thái Lan ...
13: Năm 1928, 1929 ở Trung Quốc có một tổ chức của những người yêu nước được giác ngộ chủ nghĩa Mác, có tên là: Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội. Dịch ra quốc ngữ là: Hội những Thanh niên Việt Nam có cùng chí hướng cách mạng.
14: Ba tổ chức cộng sản ở trong nước năm 1929-1930 là: Đông dương cộng sản đảng, An nam sộng sản Đảng, Đông dương cộng sản liên đoàn.
15: Bác đã đem hợp nhất 3 tổ chức cộng sản trên thành: Đảng cộng sản Việt Nam. Hội nghị thành lập được họp tại Hồng Kông (TQ) do Bác chủ trì. Bác được bầu là Bí thư .
16: Nay tuy châu chấu đá voi ... Là thơ của Bác.
17: 18/01/1941 nhằm ngày mùng 2 tết nguyên đán, Bác trở về nước.
18:  18/01/1941 Bác đặt chân lên mảnh đất Pắc bó-  Cao Bằng, tại mốc 108 Biên giới Việt Trung. Đi cùng có 5 đồng chí là: Lê Quảng Ba, Phùng Chí Kiên, Hoàng Văn Lộc, Đặng Văn Cấp và Thế An.
19: Thơ của Bác:
Non xa xa, nước xa xa
Nào phải thênh thang mới gọi là
đây suối Lê Nin kia núi Mác
Hai tay gây dựng một sơn hà.
20 : Theo ý thơ của Bác :
                                Sáng ra bờ suối, tối vào hang
                                Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng
                                Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng
                                Cuộc đời cách mạng thật là sang.
21 :Coọc mu là một địa danh thuộc Châu Hà Quảng- Cao Bằng, Nguyên Bình là tên một Châu cũng của Cao Bằng, gần Hà Quảng.
22 : Ngày 22/12/1944, Theo lệnh của Bác, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập, gồm 34 chiến sĩ, Tổng tư lệnh là đồng chí Võ Nguyên Giáp- là tiền thân của Quân đội ta bây giờ. Hiện nay Quốc hội lấy ngày 22/12/1944 là ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam, ngày 22/12 hàng năm là Ngày hội Quốc phòng toàn dân. Trong buổi lễ có đọc 10 lời thề do Bác tự soạn thảo.
23 : Chiến tranh thế giới thứ 2 nổ ra vào năm 1941. Một bên là phe của Phát xít (Hay còn gọi là phe trục) gồm : Đức , ý, Nhật, Hung ga ri. Một bên là phe đồng minh, chủ yếu là Liên Xô,  Ba lan, Anh, Pháp, Mỹ.
25 : Nhật hất cẳng Pháp dựng lên chính quyền thân Nhật Trần Trọng Kim. Bắt đồng bào ta nhổ lúa đi để trồng cây đay- là một loại cây công nghiệp dùng dệt bao bì, len, thảm ... dẫn đến hơn 2 triệu người Việt Nam chết đói vì không có lương thực.
26 :  Đây là thời cơ để Việt Minh xây dựng lực lượng lớn khắp cả nước,  tập hợp nhân dân cướp các kho thóc Nhật. Đồng thời, một đại hội đại biểu toàn quốc họp trên chiến khu Việt Bắc, tại Cây đa Tân trào, đình làng Hồng Thái, thành lập Quốc dân Đại hội, tức quốc hội lâm thời. Khi Nhật thất bại, khởi nghĩa nổ ra trên toàn quốc, đó là Cỏch mạng thỏng Tỏm.
27: Khi đọc Tuyên ngôn độc lập, đến đoạn giữa, Bác sợ đồng bào nghe không rõ, Bác hỏi “Đồng bào nghe tôi nói rõ không?”, tất cả quảng trường Ba Đình đều hô vang “Có”. ý lồng ở đây muốn nói, Bác vừa quan tâm, gần gũi, vừa có ý sâu xa nói với Quốc dân đồng bào và thế giới rằng Nước Việt Nam ta từ nay là nước độc lập có chủ quyền.