Thứ Năm, 2 tháng 2, 2012

ĐỀN THỜ KHÚC THỪA DỤ


  
Đền thờ Khúc Thừa Dụ tại thôn Cúc Bồ, xã Kiến Quốc, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương 

Đền thờ họ Khúc bên bờ sông Luộc


  TÓM TẮT THÂN THẾ, SỰ NGHIỆP TIÊN CHÚA KHÚC THỪA DỤ


          Trong những người có công đầu dựng nước, Khúc Thừa Dụ được lịch sử ghi nhận là người đặt nền móng đầu tiên cho nền độc lập tự chủ, khôi phục quốc thống sau hơn một nghìn năm Bắc thuộc.
          Khúc Thừa Dụ quê ở Trang Cúc Bồ (nay thuộc xã Kiến Quốc, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương) là một hào trưởng, thuộc dòng họ lớn lâu đời ở Hồng Châu, tài đức vẹn toàn, tính khoan hoà, hay thương người, được dân chúng suy tôn ...
           Năm 905, triều đại nhà Đường đang đổ nát, giai cấp thống trị Trung Hoa phân tranh gay gắt ; ở nước ta nhân dân luôn nổi lên tranh đấu khiến Đốc Cô Tổn, tên Tiết độ sứ khét tiếng gian ác phải sợ hãi bỏ chạy. Chớp thời cơ, Khúc Thừa Dụ đứng lên, tự xưng là Tiết độ sứ ... tiến vào thành Đại La, lãnh đạo quan quân, giành quyền tự chủ một cách hoà bình. Trong  tình thế không thể cưỡng lại được, nhà  Đường buộc phải thừa nhận vai trò lãnh đạo của họ Khúc. Năm sau (Thiên Hựu thứ 3, tháng 2 ngày 7, tức  01/02/906), vua Đường gia phong cho ông chức Đồng bình Chương sự, chức quan cao nhất ở ngoại biên, được ngồi ngang hàng với các thân vương, quan nhất phẩm Nhà Đường để bàn thế sự. Bề ngoài là quan triều đình phương Bắc, nhưng thực chất ông dùng quyên lực trong tay để điều hành, cải cách đất nước, xây dựng nền dộc lập. Việc Khúc Thừa Dụ giành được quyền nắm vận mệnh đất nước là thành tựu to lớn, một bước ngoặt trọng đại trong lịch sử dân tộc.
          Ngày 23 tháng 7 năm 907, Khúc Thừa Dụ mất, nhưng quyền tự chủ đã được xác lập. Con ông là Khúc Hạo lên thay, kế tục xuất sắc sự nghiệp của Tiên Chúa, ra sức thu dụng nhân tài, tiến hành cải cách toàn diện và sâu sắc, thay đổi căn bản nền hành chính và tổ chức bộ máy nhà nước. Đất nước được hưng thịnh, nhân dân được yên vui, càng thiết tha với việc giữ gìn nền độc lập tự chủ. Nhờ vậy, mặc dù năm 917 Khúc Hạo băng hà, con trai là Khúc Thừa Mỹ kế tục chỉ  được 6 năm thì bị giặc bắt (năm 923), nhưng sự nghiệp lớn lao của họ Khúc để lại đã là cơ sở vững vàng, tạo tiền đề chắc chắn cho Dương Đình Nghệ đánh bại Lý Tiến( năm 931), cho Ngô Quyền đại thắng Bạch Đằng (năm 938) khẳng định dứt khoát quyền độc lập của dân tộc Việt Nam. Khúc Tiên Chúa và nhưng người kế nghiệp đã đặt dấu chấm hết cho thời kỳ Bắc Thuộc hàng nghìn năm, mở đầu kỷ nguyên độc lập của quốc gia Đại Việt.
             Đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân, nêu cao đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", hướng tới mục đích giáo dục truyền thống Yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, ngày 02/01/2004, UBND tỉnh Hải Dương đã quyết định xây dựng Đền thờ Khúc Thừa Dụ tại thôn Cúc Bồ, xã Kiến Quốc, huyện Ninh Giang, để các thế hệ người Việt Nam mỗi khi về thăm di tích đều tự  hào và không bao giờ quên công ơn của người xưa.
Nguyễn Trung Việt - Du khách đến viếng đền

       VÀI NÉT VỀ QUÊ HƯƠNG VÀ ĐÌNH THỜ 
KHÚC THỪA DỤ  
   
       Tổ Họ Khúc đất Hồng Châu :
        Các sử sách xưa nay khi nói đến sự nghiệp gây dựng nền độc lập tự chủ của Họ Khúc đầu thế kỷ thứ X đều khẳng định :  Khúc Thừa Dụ quê ở Hồng Châu  (Cúc Bồ - Ninh Giang).Lịch sử Việt Nam tập I viết :" Năm 906, nắm lấy cơ hội chính quyền Trung ương nhà Đường hấp hối, chính quyền đô hộ ở nước ta như rắn mất đầu, nhân dân ta lại một lần nữa kiên quyết đứng dậy tự quyết định lấy vân mệnh của đất nước. Một người được nhân dân ủng hộ là Khúc Thừa Dụ ở đất Hồng Châu đã đứng lên tự xưng là Tiết độ sứ, lợi dụng bộ máy và danh nghĩa của bọn đô hộ chuyển sang giành độc lập một cách vững chắc".
        Theo nhà nghiên cứu Đào Duy Anh trong "Đất nước qua các đời" (Nhà xuất XB Thuận Hoá 1994) thì Hồng Châu thuộc quận Giao Chỉ thời thuộc Đường, nằm gọn vào huyện Chu Diên của quận đó (tr.107). Theo Trọng Huân trong "Quê hương Ninh Giang" (NXBTN 1996) thì tên Hồng Châu hay Hồng Lộ xuất hiện vào thời Lý - Trần. Đến cuối Trần  đầu Hậu Lê thì Hồng Châu chia thành Thượng Hồng và Hạ Hồng. Thượng Hồng là Cẩm Giàng, Bình Giang, Yên Mỹ, Văn Lâm ngày nay. Hạ Hồng gồm : Tứ Kỳ, Gia Lộc, Ninh Giang, Thanh Miện ngày nay. Sang đời Quang Thuận nhà Hậu Lê (1460 - 1669) phủ Hạ Hồng quản 4 huyện : Trường Tân (Gia Lộc), Tứ Kỳ, Thanh Miện, Vĩnh Lại (gồm Ninh Giang, Vĩnh Bảo). Năm Minh Mạng thứ III (1822) phủ Hạ Hồng mang tên mới là phủ Ninh . Như vậy : Hồng Châu xưa bao gồm một phần đất của tỉnh Hưng Yên, một phần đất của Hải Dương và một phần của Hải Phòng bây giờ. 
    
         Cúc Bồ là làng "cổ", có tên nôm gọi là "Gọc" Có hai làng gần nhau. Làng nằm cạnh sông Luộc có bến sông gọi là "Gọc bến" (Cúc Bồ). Làng có "Chợ Gọc" gọi là "Gọc Chợ" (Cúc Thị). Ở Kiến Quốc hiện nay có 5 làng thì 3 làng mang tên "Cúc" : Cúc Bồ, Cúc Thị, An Cúc.  Có thời kỳ nhập Ngọc Chi - An Cúc gọi là Ngọc Cúc.
         Hiện nay ở Ninh Giang và các huyện ở tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình không có địa danh nào mang tên "Cúc" mà chỉ có ở Kiến Quốc mà thôi. Cúc Bồ nằm sát bên bờ sông Luộc, cách thị trấn Ninh Giang khoảng 8 km theo đường chim bay về hướng tây. Cúc Bồ có đình thờ Khúc Thừa Dụ và Khúc Hạo, người đặt nền móng gây dựng nền tự chủ đầu thế kỷ thứ X của Việt Nam.
       Năm 907 "Khúc Thừa Dụ mất, con là Khúc Hạo giữ Giao Châu, tự xưng là Tiết độ sứ". Khúc Hạo đã tiến hành cuộc cải cách khá quy mô, khiến nền tự chủ của Giao Châu vững mạnh lên, có thể đương đầu được với quân xâm lược Nam Hán Lưu Ân ở Phiên Ngung.

Sử sách ghi chép rất vắn tắt về những năm tháng thời kỳ này nhưng chắc chắn trong 2 năm trị vì ngắn ngủi của cha, Khúc Hạo đã có đóng góp đáng kể trong việc trị sự, bởi vậy khi lên nắm quyền, ông là nhà cai trị ôn hoà nhưng rất vững vàng.
Tháng 7 năm 907, Khúc Hạo lên thay cha. Nhà Hậu Lương lên thay nhà Đường công nhận ông làm “An Nam đô hộ, sung Tiết độ sứ”. Ông đã kế tiếp sự nghiệp của cha một cách tài tình để củng cố sự nghiệp độc lập của Việt Nam lúc đó từ tay Trung Quốc.
Khúc Hạo đã tiến hành cải cách quan trọng về các mặt. Đường lối chính trị của ông được sử sách tóm lược ngắn gọn song rất rõ ràng: “Chính sự cốt chuộng khoan dung, giản dị, nhân dân đều được yên vui”. Khoan dung tức là không bắt buộc, không quá khắt khe với dân, chống tham quan ô lại. Giản dị là không làm phiên hà, sách nhiễu bởi nhiều thủ tục quan liêu. Yên vui, “an cư lạc nghiệp” là lý tưởng của nếp sống mà người nông dân nơi thôn xóm mong đợi.
Khúc Hạo sửa lại chế độ điền tô, thuế mà lực dịch nặng nề của thời thuộc Đường. Ông ra lệnh “bình quân thuế ruộng, tha bỏ lực dịch, lập sổ hộ khẩu, kê rõ quê quán, giao cho giáp trưởng (quản giáp) trông coi”.
Từ mô hình của chính quyền đô hộ nhà Đường với An Nam, nhằm khắc phục tình trạng phân tán quyền lực vào tay các thủ lĩnh địa phương, Khúc Hạo đã có những cố gắng lớn đầu tiên nhằm xây dựng chính quyền độc lập, thống nhất từ trung ương đến xã. Ông chia cả nước thành những đơn vị hành chính các cấp: lộ, phủ, châu, giáp, . Mỗi xã đặt ra xã quan, một người chánh lệnh trưởng và một người tá lệnh trưởng. Một số xã ở gần nhau thời thuộc Đường gọi là hương nay đổi là giáp, mỗi giáp có một quản giáp và một phó tri giáp để trông nom việc kê hộ khẩu, nhân khẩu và việc thu thuế. Theo sách “An Nam chí nguyên”, Khúc Hạo đặt thêm 150 giáp, cộng với những giáp trước đây nhà Đường đặt, cả thảy toàn bộ Tĩnh Hải quân có 314 giáp.
Nhà Hậu Lương, trước đây vì mới cướp ngôi nhà Đường, phương Bắc nhiều biến cố nên thừa nhận Khúc Hạo làm Tiết độ sứ Tĩnh Hải quân năm 907. Nhưng qua năm sau, vua Hậu Lương là Chu Ôn lại phong cho Tiết độ phó sứ ở Quảng Châu là Lưu Ẩn kiêm chức “Tĩnh Hải quân tiết độ, An Nam đô hộ”. Điều đó có nghĩa là người Trung Quốc vẫn muốn chiếm lại Việt Nam.
Sự cai trị vững vàng của Khúc Hạo khiến họ Lưu ở Quảng Châu không dám nhòm ngó tới phương nam.
Khi được tăng cường lực lượng từ các sĩ dân trung nguyên di cư xuống phía Nam, Quảng Châu mạnh lên, tháng 9 năm 917, em Lưu Ẩn là Lưu Nghiễm (lên thay từ năm 911) bèn xưng đế, lập ra nước Nam Hán, một trong Mười nước thời Ngũ đại Thập quốc.
Nhận thấy nguy cơ từ phía họ Lưu, Khúc Hạo sai con là Khúc Thừa Mỹ làm “khuyến hiếu sứ” sang Quảng châu, bề ngoài là để ‘‘kết mối hoà hiếu’’, song bề trong cốt là xem xét tình hình hư thực của địch. Cuối năm 917 khi Khúc Thừa Mỹ trở về thì Khúc Hạo mất. Dù ông chưa từng xưng đế hay xưng vương nhưng đời sau nhớ công lao của ông và gọi ông là ‘‘Khúc Trung chủ’’.
Do hành động ngoại giao mềm dẻo của Khúc Hạo, Nam Hán không gây hấn với Tĩnh Hải quân. Sau này, do Khúc Thừa Mỹ thất sách cả trong chính sách đối nội cũng như đối ngoại nên Tĩnh Hải quân mới bị Nam Hán xâm chiếm.
         Về nội trị, Khúc Hạo được đánh giá là nhà cải cách hành chính đầu tiên ở Việt Nam. So với trước đó, số đơn vị hành chính thời Khúc Hạo được tăng lên gấp đôi. Như vậy về chiều rộng, chính quyền trung ương đã vươn tới nhiều nơi hơn trên địa bàn cai trị. Việc đưa nhân khẩu vào quản lý chặt chẽ hơn tại các đơn vị hành chính tạo điều kiện tăng cường nhân lực cho các hoạt động kinh tế, quân sự của chính quyền.
Vào thế kỷ 10, trong khi các hào trưởng địa phương ít nhiều có xu hướng độc lập, cát cứ với chính quyền trung ương (ngay cả các triều đại Ngô, Đinh sau đó cũng vậy), Khúc Hạo đã khéo léo dựa vào họ để củng cố chính quyền cơ sở.
Cuộc cải cách của ông tạo cơ sở kinh tế, xã hội vững chắc cho nền độc lập, tự chủ của người Việt sau này.
Về đối ngoại, hoàn cảnh lịch sử khi Khúc Hạo cầm quyền có khó khăn hơn nhiều so với các triều đại sau này, vì Việt Nam vừa thoát ra khỏi sự ràng buộc với Trung Quốc và trên danh nghĩa chưa được là chư hầu của Trung Quốc (giống các triều đại sau), mà vẫn đang là một “quân” (đơn vị hành chính lúc đó), một bộ phận cấu thành Trung Quốc.
Hiểu rõ thời cuộc, tự biết thực lực của mình, Khúc Hạo đã sáng suốt không xưng đế hay xưng vương để gây sự chú ý của phương bắc, dù khi đó tại các vùng lãnh thổ liền kề trở lên trên phía bắc, những người cai quản các phiên trấn lũ lượt xưng đế hiệu hoặc vương hiệu. Tuy vậy, đời sau vẫn nhìn nhận hành động, công trạng của ông không kém gì một vị đế vương của Việt Nam. Ông là người có công lao nổi bật nhất trong 3 đời họ Khúc xây dựng nền tự chủ.
Chính việc “im hơi lặng tiếng” của ông, không hùa theo những tiếng trống đế vương gõ rộn ràng ở phương bắc lúc đó giúp ông có có thời gian củng cố chính quyền, nuôi dưỡng sức dân, tạo cơ sở cho những người đi tiếp đưa lịch sử Việt Nam thẳng tiến về thế và lực. Công cuộc cải cách hành chính của Khúc Hạo được các nhà sử học nhận định là đã mở ra một thời kỳ phát triển mới của xã hội Việt Nam mà các triều đại sau đó sẽ hoàn thành.
Thành quả của ông tuy không được Khúc Thừa Mỹ kế tục xứng đáng để gìn giữ nhưng sau này có Dương Đình Nghệ lấy lại và sau đó nữa, họ Ngô đã xưng vương rồi từ họ Đinh trở đi đã xưng đế, chính thức trở thành nước độc lập. Lúc họ Đinh xưng đế, dù Trung Quốc đã nhất thống trở lại dưới tay nhà Tống, biên giới đã liền kề nhưng không thể chiếm lại Việt Nam như nhà Đường được nữa. Hiển nhiên đó là nhờ tài năng, công trạng của những người cầm quyền về sau nhưng cơ sở ban đầu không thể không nói đến ông. Không phải ngẫu nhiên mà họ Khúc và Dương Đình Nghệ đương thời cùng làm Tiết độ sứ, nhưng đời sau tôn họ Khúc là Khúc vương còn Dương Đình Nghệ chỉ được gọi là Dương công.
             Khi Khúc Hạo mất (911), Khúc Thừa Mỹ lên thay, được nhà Lương trao cho chức Tiết độ sứ. Nhà Lương và Nam Hán vốn thu địch nhau nên năm 923 Lưu Cung, vua Nam Hán, lấy cớ họ Khúc nhận chức Tiết độ sứ của nhà Lương, đã sai Lý Khắc Chính đem quân sang đánh Khúc Thừa Mỹ, bắt Khúc Thừa Mỹ đưa về Nam Hán.
        Chính quyền của họ Khúc tuy không còn tồn tại nhưng những gì họ Khúc đã làm cho Giao Châu như tự chủ về chính trị, phát triển về kinh tế, văn hoá, xã hội qua cuộc cải cách, đã giúp cho nhân dân Giao Châu tiếp tục đứng lên gìn giữ thành quả ban đầu vừa giành được. Theo Cương mục đã chép :
        " Chúa Nam Hán, sau khi bắt được Thừa Mỹ, sai tướng là Lý Tiến sang làm thứ sử, cùng với Khắc Chinh đóng giữ Giao Châu.Dương Diên Nghệ lấy tư cách là tướng cũ của Khúc Hạo, tập hợp quân sỹ, đánh bại Khắc Chính... Chúa Nam Hán ý muốn chiêu dụ, tạm phong tước vị cho Diên Nghệ"(Sdd, trang 164)
        Nhưng đến năm  931 " Tháng 12, mùa đông, Dương Diên Nghệ đã đánh đuổi Lý Tiến, giết Trần Bảo, lấy lại Giao Châu, tự xưng là Tiết độ sứ" (Sdd, trang 165).
       Như vậy, nhân dân Giao Châu cũng đã lập được chiến công quân sự để bảo vệ quyền tự chủ của mình.
       Nếu lúc đầu Dương Diên Nghệ mới được Nam Hán tạm phong là Tiết độ sứ, thì nay ông đã ngang nhiên "Tự xưng là Tiết độ sứ". Điều này biểu lộ rõ tinh thần tự chủ mãnh liệt của nhân dân Giao Châu nhờ dựa vào sức mạnh của chính mình.
       Nhưng một sự kiện tiêu cực xảy ra là : "Tháng 3, mùa xuân Đinh Dậu (937), Nha tướng của Dương Diên Nghệ là Kiều Công Tiễn đã giết Diên Nghệ và lên thay Diên Nghệ".
       Năm Mậu Tuất (938), tháng 9 mùa thu, tức sau hơn một năm con rể Dương Diên Nghệ đang coi giữ Ái Châu, đã khởi binh đánh giết Kiều Công Tiễn. Chúa Nam Hán, Lưu Cung sai con là Hoằng Tháo sang cứu viện, bị Ngô Quyền đón đánh ở sông Bạch Đằng, quân Nam Hán thua, Hoằng Tháo bị chết đuối.
        Năm Kỷ Hợi (939) Ngô Quyền tự xưng vương đóng đô ở Cổ Loa, dựng nên vương triều Ngô - một vương triều chính thống đầu tiên trong lịch sử trung đại Việt Nam.
       Tiến trình lịch sử kể trên chứng minh rõ ràng : " Có sự dấy nghiệp của họ Khúc mới có chiến công của Dương Diên Nghệ và Ngô Quyền cũng như mới có sự ra đời của vương triều Ngô. Vì vậy theo sự "công minh của lịch sử" mà xét : Nếu Ngô Quyền là người đầu tiên xây dựng được vương triều phong kiến, thì họ Khúc cũng là người đầu tiên " ... đặt cơ sở cho nền độc lập dân tộc" như Lịch sử Việt Nam tập I (đã dẫn) đã thừa nhận.
       Nói về Đình Cúc Bồ, nằm ở phía Nam làng Cúc Bồ (Ngay phía sau Đền hiện nay), cách bờ đê khoảng 500 m trên một khu đất cao so với cư dân gần 2 m, mảnh đất hình chữ nhật chiều dài khoảng 600m rông 300 m. Hiện nay chưa xác định rõ ngôi đình có tự bao giờ. Theo các cụ kể lại, từ thuở xa xưa có ngôi đình gọi là  đình Đồng Cói (Hiện ở đất Quỳnh Hoa- Quỳnh Phụ - Thái Bình). Bên Quỳnh Hoa có làng Bồ Trang, có tiếng "Bồ" giống Cúc "Bồ". Dòng sông chuyển mình đình Đồng Cói rời về nơi này (?) : Năm 1918 làng dựng lại ngôi đình mới nguy nga, đồ sộ. Kết cấu theo kiểu chữ "công" gồm 7 gian ngoài, 3 gian hậu cung, cột có đường kính 0,65 m, mái đao, góc giao moi, bẩy đục tứ quý, các vì đục trò vui dân gian, hai bên có 2 giải vũ mỗi cái rộng 5 gian, có 3 cổng ra vào. Trước đình có ao rộng, nằm cạnh đó có 2 giếng mắt rồng. Ngôi đình là nới hội tụ nghệ thuật kiến trúc điêu khắc của các triều đại Lê - Nguyễn, do 7 hiệp thợ của làng đã một thời nổi tiếng xứ Đông về làm đình, đứng ra đảm nhiệm. Tiếc rằng ngôi đình đã bị thực dân Pháp phá đi đầu năm 1949, khi chúng về đóng bốt tại đinh cùng với quần thể Đền, Miếu chùa, (cách ngôi đình 800 m về phía Tây kề với Cúc Thị). Nhân dân Cúc Bồ đã khôn khéo đấu tranh với địch tháo dỡ, cất dấu toàn bộ ngôi miếu về trong làng. Năm 1978 mới chuyển về dựng trên nền đình cũ. Cũng từ năm 1951 ngôi miếu được gọi là Đình (ngôi miếu này đã trùng tu năm Tân Hợi đời vua Duy Tân (1911). Ngôi đình này là công trình chạm khắc có giá trị. Trong đình còn lưu giữ được : Sập thờ, khám thờ, ỷ, ngai, kiệu, mũ đồng, đai lưng, hài và những đồ tế tự thời Lê - Nguyễn. Đáng lưu ý là bức cuốn thư tạo dựng năm Canh Thìn (1940) niên hiệu Bảo Đại trong đó có ghi "Tổ linh thiêng biến hoá trên đời. Muốn phúc lớn phải có lòng tôn quý. Lòng nhân từ lớn lao. Trí tuệ thần thông quảng đại mênh mông. Đạo nhân sâu nặng, xưa nay vẫn tích tụ sự trong sáng ngàn thu mãi mãi lưu truyền"...
                                                                                                                                     (ST)

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

bài viết hữu ích