Bí thư chi bộ thôn: Phạm Văn Trúc
Ngày
18/11/2018 vừa qua, Ngày Đại đoàn kết toàn dân tộc, nhân dân Làng Dừa rất vui mừng
phấn khởi vì những thành tựu đã đạt được trong những năm qua. Đời sống vật chất,
tinh thần của mỗi người dân, mỗi gia đình trong làng đã được nâng lên một bước
đáng kể, tiến tới ấm no, hạnh phúc.
Cùng với sự đi
lên ấy, đường làng, ngõ xóm được nâng cấp bê tông hóa tạo điều kiện thuận lợi
cho sản xuất và sinh hoạt; Chốn Tổ Chùa Dừa cũng từng bước được nâng cấp trùng tu,
tạo điều kiện về đời sống tâm linh của bà con. Cổng Làng Dừa được xây mới, đây
là một trong những công trình văn hóa rất có ý nghĩa của Làng. Tất cả những
công trình, phần việc ấy đều có sự đóng góp công sức của mọi người dân, mọi gia
đình trong làng, ngoài xã; những người con của Làng Dừa xa quê cũng gửi gắm
tình cảm, đóng góp một phần kinh phí để xây dựng lên.
Thay mặt cho cấp
ủy, chi bộ, các ban ngành đoàn thể trong Thôn Gia Xuyên và người dân Làng Dừa
xin chân thành gửi lời cảm tạ tình cảm, tấm lòng của tất cả mọi người đã chung
tay đóng góp cho công cuộc xây dựng làng xóm. Tuy nhiên trong việc xây dựng các
công trình cũng không thể tránh khỏi những khiếm khuyết nhất định, kính mong mọi
người mở lòng lượng thứ.
Trong thời
gian qua, việc xây cổng Làng hết sức thuận lợi, đã hoàn thành đúng tiến độ, chất
lượng và thẩm mỹ cao. Tuy nhiên cũng còn có vài chỗ nhận thức khác nhau. Nhân dịp
này chúng tôi cũng bày tỏ để mọi người cùng hiểu và đồng thuận.
Thứ nhất, cũng có người hỏi, tại sao hai
làng: Làng Dừa và Làng Dáu ở cạnh nhau mà lại không làm luôn cổng ở đầu Làng
Dáu?
Ở đây chúng ta
đang bàn đến việc làm một công trình văn hóa của Làng Dừa. Mỗi làng đều có địa
giới hành chính, tập hợp dân cư, phong tục, tập quán riêng; Mặt khác, việc Làng
Dừa làm cổng thì Làng Dáu cũng không đặt vấn đề làm cổng chung với Làng Dừa, đó
cũng là lẽ tự nhiên và đáng tôn trọng. Chính vì vậy, cổng Làng nào thì đặt trên
phần đất của làng ấy, không thể sang làng khác để làm cổng của làng mình được.
Thứ hai, cũng có người hỏi, vậy tới đây
có chính sách gộp hai thôn vào làm một thì sao?
Hiện nay hai
thôn Gia Xuyên và Đồng Lộc vẫn là hai bộ máy, bao gồm hai chi bộ, hai trưởng
thôn, hai hệ thống mặt trận và ban ngành khác nhau. Về chủ trương cải cách hành
chính của Nhà nước, rất có thể sau này sẽ gộp hai thôn lại làm một do qui định
số lượng cán bộ trên đơn vị dân cư. Như vậy rất có thể chỉ có một bộ máy cho một
thôn. Những năm 60 đến những năm 90, hai thôn Gia Xuyên và Đồng Lộc là một Hợp
tác xã Văn Xuyên. Mỹ Ân và Đồng Kênh là một Hợp tác xã Văn Đồng. Nhưng các làng
thì chưa bao giờ hợp nhất làm một. Đến nay chúng ta chưa nhận được văn bản nào
triển khai hợp nhất, nếu xây cổng làng mà chờ thì chưa biết đến bao giờ mới làm
được. Mặt khác chúng ta xây cổng làng, chứ không phải là xây cổng thôn. Cho dù
là hai thôn có thành môt thì hai làng vẫn cứ còn nguyên là hai làng Dừa và Dáu.
Chắc ai cũng hiểu, văn hóa làng xã là một đặc trưng tiêu biểu của dân tộc Việt
nam ta, mỗi làng là một tế bào của đất nước, dân tộc, nó đã bao đời tạo nên sức
mạnh trường tồn của dân tộc. Trong lịch sử cũng chưa có thế lực nào, ý chí nào
xóa được văn hóa làng xã của Việt Nam.
Thứ ba, cũng có người hỏi, còn một bộ phận
nhỏ dân cư là người của Làng Dừa đang định cư phía bên ngoài cổng, tức là trên
đất Làng Dáu, sao không làm cổng ra hết bên ngoài? Điều này có thể nêu rõ thế
này: Cổng Làng là một công trình văn hóa của làng, chứ không phải mốc địa giới
của làng và mốc giới của cư dân. Do vậy đã là cổng Làng Dừa thì nó là một công
trình văn hóa của cả mọi người dân Làng Dừa đang sinh sống trong Làng Dừa,
ngoài Làng Dừa, ngoài xã, ngoài huyện, ngoài tỉnh và thậm chí ở các quốc gia
trên thế giới. Ai ai dù ở đâu cũng có quyền tự hào coi đó là cổng làng mình,
không riêng gì người ở phía trong cổng. Cổng thường được làm ở đầu làng, từ mốc
giới trở vào chứ không được làm trên đất làng khác, do vậy cổng làng ta hiện
nay đang nằm ở đầu làng, gần cây đa Làng Dừa và đúng mốc lộ giới giữa hai làng
Dừa và Dáu, như vậy là hợp lý.
Dân ta có câu:
“Ma chê, cưới trách”. Việc nhà còn không tránh khỏi khiếm khuyết, huống chi việc
làng, việc nước. Chúng tôi trân trọng tất cả những lời khen, cả những câu đóng
góp phê bình và lấy đó làm điều đáng mừng. Rất mong mọi người mở lòng thấu hiểu,
lấy việc lớn làm vui, làm trọng, coi việc chưa vẹn toàn là tiểu sự để hướng về
đóng góp công sức, đoàn kết xây dựng quê hương Làng Dừa chúng ta ngày thêm đổi
mới, đẹp giàu.
Một lần nữa
thay mặt chi ủy, chi bộ, mặt trận, các ban ngành đoàn thể thôn và nhân dân Làng
Dừa trân trọng cám ơn mọi người!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét